Chỉ thị 29/CT-UBND năm 2016 về tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trong công tác quản lý nhà nước của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Số hiệu: | 29/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thanh Hóa | Người ký: | Nguyễn Đình Xứng |
Ngày ban hành: | 30/09/2016 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tổ chức bộ máy nhà nước, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29/CT-UBND |
Thanh Hóa, ngày 30 tháng 09 năm 2016 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG KỶ CƯƠNG, KỶ LUẬT HÀNH CHÍNH TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA CÁC CẤP, CÁC NGÀNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Thời gian qua, các cấp chính quyền, đặc biệt là UBND, Chủ tịch UBND các cấp đã có nhiều nỗ lực cố gắng, tập trung cao, quyết liệt, có nhiều đổi mới trong chỉ đạo điều hành; kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấp hành pháp luật, chấp hành chỉ đạo điều hành của cấp trên được chú trọng, góp phần quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn quản lý.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc chấp hành sự chỉ đạo điều hành của UBND, Chủ tịch UBND tỉnh, việc thực hiện quy chế làm việc, thực hiện các quy định của pháp luật trong điều hành ở nhiều sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố chưa nghiêm. Nhiều công việc được giao trong các Chương trình hành động, Chương trình công tác, kế hoạch làm việc, văn bản chỉ đạo, điều hành, văn bản giao việc,... chưa được quan tâm đúng mức, triển khai chậm, thiếu quyết liệt, chất lượng thấp, chưa đảm bảo theo yêu cầu. Công tác kiểm tra, đôn đốc, xử lý sai phạm chưa nghiêm, nhiều công việc được giao trì trệ, nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội có nguy cơ không hoàn thành kế hoạch. Những tồn tại, hạn chế nêu trên ảnh hưởng không nhỏ đến kỷ luật, kỷ cương hành chính trong chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền, ảnh hưởng đến lòng tin của tổ chức, công dân, tác động xấu đến kỷ cương xã hội.
Để tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước, chất lượng công tác, khắc phục cơ bản và làm chuyển biến rõ nét trên một số khâu công việc trước đây còn hạn chế, trì trệ, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, củng cố lòng tin trong nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp và các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các quy định của pháp luật liên quan đến kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan nhà nước các cấp. Trong đó, tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện có hiệu quả một số nội dung, công việc cụ thể sau đây:
1. Thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của UBND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2016 - 2020, được ban hành tại Quyết định số 3755/2016/QĐ-UBND ngày 28/9/2016 và các quy chế, nội quy, quy định của các cơ quan đơn vị. Trong đó, yêu cầu các đơn vị phải thực hiện đúng chức năng, phạm vi, trách nhiệm, công việc, thẩm quyền được giao; không đùn đẩy công việc xuống cấp dưới hoặc lên cấp trên; không đùn đẩy công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình sang các sở, ngành, cơ quan đơn vị khác; không xử lý các công việc không đúng thẩm quyền hoặc thuộc trách nhiệm của tổ chức, đơn vị khác. Cấp dưới phải phục tùng, thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo, điều hành, yêu cầu của cấp trên, trường hợp có ý kiến khác phải báo ngay cho cấp trên biết, nếu cấp trên chưa có ý kiến vẫn phải thực hiện, tránh tình trạng chây ỳ hoặc làm không đúng, đầy đủ nội dung công việc, yêu cầu, chỉ đạo của cấp trên.
2. Tập trung chỉ đạo, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ làm, rõ trách nhiệm, đúng quy định pháp luật; rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, công việc cho tổ chức, công dân tối thiểu 30% so với quy định hiện nay.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc giải quyết hồ sơ công việc, không để xảy ra tình trạng giải quyết công việc chậm trễ; định kỳ (tuần, tháng, quý,...) phải tự kiểm tra, rà soát kết quả thực hiện nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch công tác để tập trung chỉ đạo giải quyết những việc còn tồn đọng, kéo dài; nghiêm cấm việc tự ý đặt ra các thành phần hồ sơ, giấy tờ không có trong quy định do cơ quan có thẩm quyền ban hành; xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, cố tình kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, công việc, tiêu cực, tham nhũng, Thực hiện ứng xử có văn hóa trong giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức với tổ chức, công dân.
Hoàn thiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà trong quá trình chủ trì xử lý, tham gia xử lý hồ sơ công việc có liên quan đến công tác chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư, chủ trương cho thăm dò khai thác khoáng sản, vốn đầu tư, quy hoạch, thẩm định phê duyệt dự án, điều chỉnh dự án, quyết toán dự án. Thực hiện nghiêm các quy định về quản lý biên chế cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp.
3. Từng cơ quan, đơn vị trên cơ sở Quyết định số 221/2016/QĐ-UBND ngày 18/01/2016 của UBND tỉnh quy định về việc đánh giá kết quả thực hiện và xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các sở, cơ quan ngang sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố để xây dựng quy định cụ thể về việc đánh giá kết quả thực hiện và xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng vị trí việc làm, từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị quản lý, đảm bảo khách quan, công bằng và thực chất. Nội dung đánh giá tập trung vào việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, mức độ hoàn thành, thời gian, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ, việc chấp hành quy định về văn hóa công sở, sử dụng thời giờ làm việc. Trên cơ sở đánh giá đúng chất lượng, trình độ của cán bộ, công chức, viên chức làm cơ sở sắp xếp, điều chuyển, bố trí nhân sự phù hợp với vị trí việc làm để nâng cao hiệu quả hoạt động; kiên quyết thực hiện tinh giản số công chức, viên chức năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm phẩm chất đạo đức, không hoàn thành nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật.
4. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính. Người đứng đầu cơ quan đơn vị phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu tham mưu, đề xuất, xử lý công việc chậm thời gian quy định, kém chất lượng, sai quy định của pháp luật.
5. Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động:
- Trong thực thi nhiệm vụ, công vụ phải tuân thủ tính thứ bậc, kỷ cương và trật tự hành chính, đúng thẩm quyền, chấp hành các quy định của pháp luật; nghiêm túc thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không đùn đẩy công việc, không né tránh công việc.
- Thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức công vụ, văn hóa giao tiếp; không sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng; thực hiện đúng quy định trong văn hóa hội họp; không hút thuốc lá trong phòng làm việc, phòng họp, hội trường, nơi công cộng theo quy định,...
- Không uống rượu, bia, sử dụng chất có nồng độ cồn trong giờ hành chính, các buổi trưa của ngày làm việc, ngày trực.
Giao Sở Nội vụ là cơ quan giúp UBND tỉnh đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan hành chính nhà nước, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh
Giám đốc các sở, Thủ trưởng ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức triển khai và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
|
CHỦ TỊCH |