Chỉ thị 29/CT-UBND năm 2008 củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Sơn La
Số hiệu: 29/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La Người ký: Hoàng Chí Thức
Ngày ban hành: 11/10/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tố tụng và các phương thức giải quyết tranh chấp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/CT-UBND

Sơn La, ngày 11 tháng 10 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CỦNG CỐ, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Qua 10 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, công tác hòa giải đã được thực hiện tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng kể, toàn tỉnh đã xây dựng được 3.137 Tổ hòa giải với 17.030 hòa giải viên. Hoạt động hòa giải có vai trò rất quan trọng trong việc hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tự nguyện, thỏa thuận giải quyết với nhau những tranh chấp nhỏ, góp phần làm giảm khiếu nại tố cáo kéo dài, vượt cấp, giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, quy ước, hương ước, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống của nhân dân, nâng cao dân trí và ổn định trật tự xã hội. Tuy nhiên, trong thực tiễn hoạt động ở cơ sở còn bộc lộ những hạn chế nhất định: Mạng lưới hòa giải còn chưa đều, chưa đủ sức đảm đương hết công việc. Trong khi đó, những mâu thuẫn, xích mích, những tranh chấp nhỏ trong cuộc sống thường ngày xảy ra có chiều hướng gia tăng theo đà tăng dân số, quá trình hội nhập, sức ép của việc làm, nơi ăn chốn ở và tính phức tạp, mặt trái của thị trường; Việc kiện toàn, mở rộng tổ chức và hoạt động của các tổ hòa giải ở một số nơi tiến hành còn chậm; Kiến thức pháp luật của các tổ viên Tổ hòa giải còn hạn chế, việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật và hướng dẫn nghiệp vụ cho Tổ hòa giải của các cơ quan chức năng và Ủy ban nhân dân các địa phương chưa thường xuyên. Sự phối hợp giữa Ủy ban nhân dân với Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể liên quan còn chưa được chặt chẽ, thường xuyên. Cơ chế phối hợp quản lý công tác hòa giải giữa cơ quan Tư pháp và các tổ chức chính trị - xã hội chưa đạt hiệu quả tương xứng với nhiệm vụ đã được quy định. Các xã, phường, thị trấn với lý do, nguồn thu ngân sách quá thấp đã không bố trí kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở theo hướng dẫn tại Thông tư số 63/2005/TT-BTC ngày 05 tháng 8 năm 2005 của Bộ Tài chính về việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Để tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; xã, phường, thị trấn thực hiện tốt những nội dung sau đây:

1. Tiếp tục triển khai thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến 2012. Đặc biệt sắp tới công tác hòa giải, công tác phổ biến giáo dục pháp luật sẽ nâng lên thành Luật Hòa giải, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, do vậy công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong thời gian tới là hết sức nặng nề yêu cầu các cấp uỷ, chính quyền các cấp phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên.

2. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể cho phù hợp. Xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về công tác hòa giải và tủ sách pháp luật tại địa phương, làm cơ sở để tổ chức triển khai thực hiện, thường xuyên kiện toàn, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ hòa giải, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật nhằm giải quyết và ổn định các mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở góp phần tích cực vào giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đáp ứng yêu cầu của công tác chính trị, tư tưởng trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đảm bảo đồng bộ, nhất quán, gắn với công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính tại địa phương.

3. Các cơ quan thông tin đại chúng (Báo Sơn La, Đài phát thanh truyền hình tỉnh, huyện, thành phố…) cần dành thời lượng thỏa đáng cho các chuyên trang, chuyên mục về Nhà nước và pháp luật của mình để phản ánh hoạt động của công tác hòa giải ở cơ sở, nêu gương các mô hình hoạt động hiệu quả, các điển hình tiên tiến có nhiều đóng góp cho công tác hòa giải.

4. Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch khảo sát thực tế, nghiên cứu và hướng dẫn xây dựng mô hình Tổ hòa giải cho phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán ở mỗi địa phương.

5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan tư pháp cùng cấp và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có kế hoạch kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ hòa giải ở cơ sở. Riêng đối với các tổ, bản tái định cư do công tác di dân phục vụ cho việc xây dựng nhà máy Thủy diện Sơn La sau khi ổn định, cần khẩn trương xây dựng, kiện toàn các Tổ hòa giải ở cơ sở. Phấn đấu 100% các thôn, bản, tổ dân phố và các cụm dân cư trên địa bàn tỉnh đều xây dựng được Tổ hòa giải.

6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ động tham gia tích cực trong việc kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải ở cơ sở, cử cán bộ phối hợp thực hiện công tác rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức, theo dõi, kiểm tra tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở; qua đó giới thiệu những người có thành tích trong công tác hòa giải để đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp khen thưởng; phối hợp với cơ quan Tư pháp cùng cấp tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết công tác hòa giải ở cơ sở; tạo điều kiện cho các thành viên của mình tham gia tích cực vào công tác hòa giải ở cơ sở; động viên nhân dân tích cực tham gia xây dựng, củng cố tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở; gắn hoạt động hòa giải với việc xây dựng và thực hiện các phong trào quần chúng ở địa phương.

7. Giao Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Sở Tài chính dự toán kinh phí hàng năm tổ chức tập huấn cho hòa giải viên; in ấn và cấp đủ tài liệu, sổ tay công tác hòa giải ở cơ sở…cho các Tổ hòa giải ở cơ sở trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

8. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn căn cứ điều kiện thực tế ở địa phương mình hỗ trợ kinh phí cho các Tổ hòa giải hoạt động.

9. Giao Giám đốc Sở Tư pháp - Thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh theo dõi đôn đốc, kiểm tra và định kỳ báo cáo thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Thường trực UBND tỉnh;
- Bộ Tư pháp (Vụ PBGDPL);
- Ban Chỉ đạo CCTP Tỉnh ủy;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Các tổ chức đoàn thể tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, NC, 120b.

CHỦ TỊCH




Hoàng Chí Thức