Chỉ thị 29/2000/CT-TTg về đẩy mạnh thực hiện Luật Doanh nghiệp
Số hiệu: 29/2000/CT-TTg Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 31/12/2000 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 08/02/2001 Số công báo: Số 5
Lĩnh vực: Doanh nghiệp, hợp tác xã, Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 29/2000/CT-TTg

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2000

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN LUẬT DOANH NGHIỆP

Luật Doanh nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 1 năm 2000, bước đầu đã phát huy tác dụng tốt trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động, được nhân dân và doanh nghiệp đồng tình, hưởng ứng tích cực.

Tuy vậy, quá trình triển khai Luật Doanh nghiệp vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc: một số quy định của Luật chưa được hướng dẫn đầy đủ, chưa đủ cụ thể, rõ ràng; sự phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan chưa chặt chẽ nên hiệu lực của Luật Doanh nghiệp chưa phát huy đầy đủ trong thực tế.

Để khắc phục tình trạng trên, bảo đảm Luật Doanh nghiệp thực sự đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2001 và những năm sau; đồng thời nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Thực hiện đầy đủ, nhất quán các quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật:

a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm của mình theo dõi, chỉ đạo thực hiện đúng Quyết định số 19/2000/QĐ-TTg ngày 03 tháng 2 năm 2000 về bãi bỏ các loại giấy phép trái với quy định của Luật Doanh nghiệp và Nghị định số 30/2000/NĐ-CP ngày 11 tháng 8 năm 2000 của Chính phủ về việc bãi bỏ một số giấy phép và chuyển một số giấy phép thành điều kiện kinh doanh, trong đó cần tập trung thực hiện một số việc sau:

- Theo thẩm quyền của mình, các cơ quan thực hiện bãi bỏ hoặc kiến nghị bãi bỏ các quy định chồng chéo, mâu thuẫn, không còn phù hợp về cấp giấy phép, điều kiện kinh doanh; bổ sung, sửa đổi các quy định thiếu rõ ràng, cụ thể.

- Rà soát lại tất cả các loại giấy phép kinh doanh do Bộ, ngành, địa phương hiện đang duy trì và các hình thức cấp phép, kể cả của cơ quan thuộc cấp mình quản lý.

- Bãi bỏ ngay các loại giấy phép kinh doanh và các hình thức cấp phép đối với từng hoạt động theo đúng quy định tại Điều 2 Quyết định số 19/2000/QĐ-TTg .

- Khẩn trương tổng hợp toàn bộ các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh do luật pháp quy định (thuộc lĩnh vực cơ quan mình quản lý) để thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Quy định rõ ràng, cụ thể các điều kiện, thủ tục, hồ sơ và thời hạn cấp phép đối với các ngành, nghề kinh doanh phải có giấy phép đã được công bố.

- Chỉ đạo giải quyết kịp thời các vướng mắc trong thực hiện việc bãi bỏ các loại giấy phép theo Danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 30/2000/NĐ-CP .

b) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

- Thực hiện đúng quy định về đăng ký kinh doanh như quy định của Luật Doanh nghiệp và Nghị định số 02/2000/NĐ-CP ngày 03 tháng 2 năm 2000 về đăng ký kinh doanh.

- Khẩn trương sửa đổi các quy hoạch chi tiết về phát triển ngành, nghề trên địa bàn không còn phù hợp nhằm huy động nội lực và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.

- Bố trí đủ cán bộ, trang bị đủ phương tiện làm việc cho phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, bộ phận đăng ký kinh doanh cấp huyện đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ theo quy định.

- Tổ chức cập nhật thông tin và theo dõi hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể sau đăng ký kinh doanh.

c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

- Xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống thông tin doanh nghiệp được nối mạng trên phạm vi toàn quốc trước tháng 6 năm 2001.

- Tiến hành sơ kết, kiểm điểm tình hình 1 năm thi hành Luật Doanh nghiệp, trình Thủ tướng Chính phủ trước tháng 3 năm 2001.

2. Ban hành đẩy đủ và đồng bộ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp:

a) Trước tháng 3 năm 2001, các Bộ: Y tế, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật về cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ khám, chữa bệnh và kinh doanh dược phẩm, dịch vụ pháp lý, dịch vụ thú y và kinh doanh thuốc thú y.

b) Trong quý I năm 2001, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Tổng cục Hải quan, sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục đăng ký mã số thuế, khắc dấu, đăng ký mã số xuất - nhập khẩu, bảo đảm thời hạn đăng ký mã số thuế, khắc dấu, đăng ký mã số xuất - nhập khẩu không vượt quá thời hạn đã quy định.

c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ trước tháng 3 năm 2001 những vấn đề sau:

Danh mục ngành, nghề mà tổ chức, cá nhân người đầu tư nước ngoài có quyền góp vốn, mua cổ phần không quá 30% vốn điều lệ của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong các ngành, nghề đó.

Nghị định của Chính phủ về trình tự và thủ tục chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

3. Nhằm chấn chỉnh công tác kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, giao Thanh tra Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và các cơ quan có liên quan rà soát lại tất cả các văn bản quy định về kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp theo nguyên tắc minh bạch, công khai; doanh nghiệp phải tự kiểm tra, tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật; cơ quan nhà nước kiểm tra để bảo đảm thực hiện pháp luật và bảo vệ lợi ích cộng đồng. Trước tháng 6 năm 2001, Thanh tra Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ những nội dung cần sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu nêu trên.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát hệ thống văn bản pháp luật về kinh doanh, trình Thủ tướng Chính phủ danh mục các văn bản cần bãi bỏ hoặc cần sửa đổi, bổ sung trước tháng 6 năm 2001.

5. Đề cao kỷ luật hành chính trong thi hành Luật Doanh nghiệp:

a) Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt đầy đủ nội dung và ý nghĩa của Luật Doanh nghiệp; chịu trách nhiệm về việc thi hành đúng các quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành trong phạm vi ngành, địa phương.

b) Trường hợp các cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân phát hiện văn bản quy phạm pháp luật có những nội dung không phù hợp, hoặc cán bộ, công chức làm trái các quy định hiện hành thì kiến nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử lý; đồng thời thông báo cho Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp (theo địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng, Hà Nội, điện thoại 080.44929) để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này và hàng quý báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện những yêu cầu trên đây, đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động của doanh nghiệp.

 

 

Nguyễn Tấn Dũng

(Đã ký)