Chỉ thị 29/1998/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các chất hữu cơ gây ô nhiễm khó phân huỷ
Số hiệu: 29/1998/CT-TTg Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Phạm Gia Khiêm
Ngày ban hành: 25/08/1998 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 31/10/1998 Số công báo: Số 30
Lĩnh vực: Môi trường, Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 29/1998/CT-TTg

Hà Nội, ngày 25 tháng 8 năm 1998

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VIỆC SỬ DỤNG THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT VÀ CÁC CHẤT HỮU CƠ GÂY Ô NHIỄM KHÓ PHÂN HỦY

Từ lâu, nhân dân ta đã sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất nông nghiệp nhằm diệt trừ sâu bệnh gây hại cây trồng để bảo vệ mùa màng. Ngoài ra, cũng có nhiều loại hoá chất được sử dụng trong sản xuất công nghiệp hoặc trong ngành y tế để diệt muỗi, phòng trừ sốt rét...

Ngày nay, cùng với sự phát triển của các ngành công nghiệp, nông nghiệp...vấn đề ô nhiễm môi trường do sử dụng tùy tiện các loại hoá chất trong công nghiệp và thuốc BVTV trong nông nghiệp đang trở nên nghiêm trọng. Việc sử dụng ngày càng nhiều các chất hữu cơ gây ô nhiễm khó phân huỷ (POP) và các loại thuốc BVTV có độc tính cao đã làm cho mức độ tồn lưu dư lượng các loại hoá chất này trong nông sản, thực phẩm, đất, nước, không khí và môi trường ngày càng lớn. Các vụ ngộ độc thức ăn bởi thuốc BVTV, các loại bệnh tật do ô nhiễm môi trường đang ngày càng gia tăng và trở thành một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nước ta hiện nay.

Trong những năm qua, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này, trong đó có việc cấm lưu hành và sử dụng hai mươi ba loại thuốc BVTV nguy hiểm ở Việt Nam nhưng tình trạng sử dụng tùy tiện, không theo đúng hướng dẫn quy định, sử dụng trái phép các loại thuốc này vẫn diễn ra khá phổ biến, ngày càng trầm trọng ở một số tỉnh.

Để khắc phục tình trạng trên, thực hiện nghiêm chỉnh Luật Bảo vệ Môi trường và Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch Thực vật, ngăn chặn và tiến tới chấm dứt việc sử dụng trái phép các loại thuốc BVTV nguy hiểm; hạn chế và tiến tới cấm sử dụng các chất hữu cơ gây ô nhiễm khó phân huỷ trong nông nghiệp, công nghiệp và các ngành kinh tế khác, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các công việc sau đây:

I. NHỮNG VIỆC CẦN TẬP TRUNG GIẢI QUYẾT TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THUỐC BVTV VÀ CÁC CHẤT HỮU CƠ GÂY Ô NHIỄM KHÓ PHÂN HUỶ:

1. Ngăn chặn, kiểm tra và xử lý mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng các loại thuốc BVTV nguy hiểm đã bị cấm sử dụng. Mọi vi phạm phải bị xử lý theo Luật Bảo vệ Môi trường, Nghị định số 26/CP ngày 26 tháng 4 năm 1996 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, Nghị định số 78/CP ngày 29 tháng 11 năm 1996 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật và các văn bản pháp luật liên quan khác. Tổ chức, cá nhân vi phạm gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Tổ chức thu gom kịp thời và triệt để các loại thuốc BVTV đã bị cấm sử dụng, tiến hành xử lý, tiêu hủy các loại thuốc BVTV này theo đúng quy trình, công nghệ xử lý các chất thải nguy hại, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Tiến hành các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường do các kho chứa thuốc BVTV cũ gây ra.

3. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến tác hại của thuốc BVTV đối với môi trường và sức khoẻ con người. Vận động nông dân bỏ thói quen sử dụng tùy tiện và thải bỏ bừa bãi các vỏ bao thuốc BVTV sau khi đã sử dụng, sử dụng các phương tiện và quần áo bảo hộ lao động trong khi phun các loại thuốc BVTV và thực hiện đúng các quy trình sử dụng thuốc BVTV đã được Nhà nước ban hành.

4. Cấm đổ bừa bãi các loại dầu biến thế, các loại dầu thải và thải các sản phẩm có chứa chất Polychlorinated Biphenyl (PCB) ra môi trường xung quanh, hạn chế và tiến tới cấm sử dụng các sản phẩm công nghiệp có chứa chất PCB. Kiểm soát nghiêm ngặt để bảo đảm việc thải và vận chuyển các sản phẩm có chứa PCB theo đúng các quy định vệ sinh môi trường và quy chế quản lý các chất thải nguy hại.

Mọi vi phạm đều phải bị xử lý theo Luật Bảo vệ Môi trường, Nghị định số 26/CP ngày 26 tháng 4 năm 1996 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật liên quan khác. Tổ chức, cá nhân vi phạm gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Tổ chức thu gom, xử lý và tiêu hủy các loại dầu cặn, các chất thải công nghiệp và các sản phẩm có chứa PCB theo quy trình công nghệ xử lý đối với chất thải nguy hại.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn:

- Hàng năm ban hành và thông báo rộng rãi danh mục các loại thuốc BVTV được phép sử dụng và bị cấm sử dụng; Tổng hợp, báo cáo Chính phủ tình hình quản lý thuốc BVTV trong phạm vi cả nước, thống kê số lượng các loại thuốc BVTV đã bị cấm sử dụng ở Việt Nam hiện đang còn tồn đọng tại các địa phương.

- Phối hợp với Bộ Công nghiệp, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các ủy ban nhân dân địa phương trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nghiêm ngặt các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV về chủng loại thuốc BVTV được phép sản xuất, kinh doanh và các hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV khác theo đúng quy định của Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch Thực vật. Tăng cường công tác thanh tra, phát hiện, xử lý nghiêm khắc và kịp thời các vụ việc vi phạm trong mọi lĩnh vực hoạt động về thuốc BVTV.

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan kiểm tra, đôn đốc các địa phương tổ chức thực hiện thu gom triệt để số lượng các loại thuốc BVTV tồn đọng để xử lý, tiêu hủy theo đúng quy trình, công nghệ bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

- Khẩn trương bổ sung, sửa đổi quy chế quản lý thuốc BVTV đã được ban hành theo Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch Thực vật.

- Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, với các Hội nghề nghiệp, các Đoàn thể và ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV thực hiện đúng quy trình và sử dụng đầy đủ các biện pháp bảo hộ lao động.

2. Bộ Công nghiệp: Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng các phương án để thực hiện các nhiệm vụ quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng, vận chuyển, thải các sản phẩm công nghiệp có chứa PCB, tổ chức thu gom và xử lý các chất thải của loại sản phẩm này ở Việt Nam.

3. Bộ Y tế: Chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát việc sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt chuột, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực y tế; Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các bộ, ngành và địa phương có liên quan trong việc thu gom, xử lý và tiêu hủy các loại thuốc BVTV đã bị cấm sử dụng ở Việt Nam; Thường xuyên cập nhật tình hình nhiễm độc bởi thuốc BVTV, nghiên cứu tác động của thuốc BVTV đối với sức khoẻ con người để có biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả.

4. Bộ Thương mại: Phối hợp với Tổng Cục Hải quan, các bộ, ngành có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc xuất khẩu, nhập khẩu các loại thuốc BVTV nói chung và các loại thuốc BVTV đã bị cấm sử dụng ở Việt Nam nói riêng, các loại dầu và sản phẩm công nghiệp có chứa PCB vào Việt Nam.

5. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Khẩn trương ban hành quy chế quản lý các chất thải nguy hại, trong đó có các loại thuốc BVTV, PCB; Tổ chức nghiên cứu, xây dựng và hướng dẫn thực hiện các quy trình công nghệ xử lý, tiêu hủy các loại thuốc BVTV đã bị cấm sử dụng và thuốc BVTV nguy hiểm nhập khẩu trái phép vào Việt Nam, các loại dầu và sản phẩm công nghiệp có chứa PCB; Tổ chức đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường do việc sử dụng các loại thuốc BVTV, độ tồn lưu dư lượng các loại thuốc BVTV nguy hiểm và các chất hữu cơ gây ô nhiễm khó phân hủy (POP) trong nông sản, thực phẩm, môi trường đất và nước và đề ra các biện pháp khắc phục.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức phổ biến Chỉ thị này đến các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ và các hộ sử dụng thuốc BVTV, các sản phẩm chứa PCB và các chất POP hiểu rõ và thực hiện nghiêm Chỉ thị này.

 

 

Phạm Gia Khiêm

(Đã ký)

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.