Chỉ thị 28/CT-UB năm 1986 về việc tăng cường công tác vận động và quản lý kiều hối, quà biếu trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: 28/CT-UB Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Nguyễn Vĩnh Nghiệp
Ngày ban hành: 10/12/1986 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Ngân hàng, tiền tệ, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 28/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 12 năm 1986

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG VÀ QUẢN LÝ KIỀU HỐI, QUÀ BIẾU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

Thời gian qua, tình hình huy động kiều hối của thành phố bị giảm sút mạnh. Mặc dù Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố đã có nhiều chủ trương về kiều hối nhưng đến nay vẫn chưa tạo chuyển biến tốt, ngược lại gần đây có diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do tỷ giá kiều hối chúng ta ấn định thấp, trong khi giá cả thị trường biến động không ngừng, bọn đầu cơ nâng tỷ giá chợ đen lên cao, hạn chế việc vận động Việt kiều gởi ngoại tệ về qua cơ quan Nhà nước quản lý. Nhiều bà con Việt kiều đã chuyển sang gởi quà biếu các mặt hàng tiêu dùng cao cấp để thu được tỷ suất cao như xe mô – tô honda, máy thu hình, ra-di-o cát-xét… Bên cạnh, còn một nguyên nhân quan trọng là một số tỉnh lân cận thành phố, một số đơn vị của chính thành phố đẩy tỷ giá kiều hối lên quá cao so với mức quy định của của Ủy ban nhân dân thành phố để thu hút kiều hối về đơn vị mình, gây ra tình trạng hỗn loạn về tỷ giá, phá vở đầu mối được phân công làm kiều hối theo các quy định đã ban hành không thực hiện được.

Trước tình hình đó, theo chỉ đạo chung của Thường vụ Thành ủy, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị tiến hành gấp một số mặt công tác sau đây:

I. VỀ TỶ GIÁ KIỀU HỐI

Được sự chấp thuận về nguyên tắc của Thường trực Ban Bí thư Trung ương và Thường trực Hội đồng Bộ trưởng (cho phép thành phố áp dụng cách xác định tỷ giá kiều hối bằng khoảng 80% mức giá bình quân huy động hàng xuất khẩu để thu được 1 đô la Mỹ tính chung trên toàn địa bàn thành phố có trừ các yếu tố nâng giá không chính đáng), mặt khác cũng xem xét mức hợp lý của tỷ giá hàng quà biếu đang lưu thông trong hệ thống phân phối hàng quà biếu ở thành phố Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố đã điều chỉnh tỷ giá kiều hối để chi trả cho thân nhân Việt kiều ở mức hợp lý hơn (có truyền đạt riêng).

Kể từ nay việc xác định tỷ giá kiều hối sẽ được xem xét lại hàng tháng dựa vào các cơ sở nêu trên.

II. VỀ CÁC BIỆN PHÁP KHUYẾN KHÍCH GỞI KIỀU HỐI.

A. Trước hết, phải quán triệt ý nghĩa chính trị của công tác huy động kiều hối và hướng dẫn bà con gởi quà biếu theo chủ trương của Nhà nước, phải thấy thực chất công tác này là một cuộc vận động chính trị, trên cơ sở kêu gọi lòng yêu nước gắn bó với quê hương Tổ quốc, với phương châm “ích nước – lợi nhà”. Muốn làm tốt công tác vận động này cần phải:

1. Thống nhất mục tiêu huy động và sử dụng hợp lý.

2. Thống nhất chế độ chính sách đối với người gởi và người nhận.

3. Thống nhất nội dung vận động chính trị trong nước và ngoài nước.

4. Thống nhất tổ chức thực hiện.

Cần làm cho bà con Việt kiểu (người gởi và thân quyến người nhận) đồng tình, hưởng ứng chủ trương từ đó đòi hỏi Nhà nước phải có thái độ chính sách thích hợp hơn, không gây ấn tượng nặng nề, bà con thân quyến không cảm thấy bị thành kiến phân biệt đối xử, làm cho bà con phấn khởi xóa được mặc cảm.

B. Về chủ trương vận động gởi kiều hối ngoại tệ:

1. Để bà con Việt kiều và gia quyến (người gởi và người nhận) được thoải mái trong việc gởi và nhận tiền, bà con có thể tùy ý lựa chọn các hình thức gởi trong năm hình thức sau đây.

Hình thức I: Chuyển đổi ra tiền Việt Nam toàn bộ hay một phần số ngoại tệ gởi về.

- Được tính theo tỷ giá kiều hối hợp lý (có thưởng) áp dụng từng thời kỳ.

- Số tiền Việt Nam được trả ngay một lần hay nhiều lần là tùy nguyện vọng của người sở hữu tiền đổi.

- Ngân hàng và các đơn vị chi trả tiền đổi không được gây một điều phiền hà gì cho người lãnh tiền.

Hình thức II: Mở tài khoản ngoại tệ ký gởi.

- Cho phép các cá nhân được mở tài khoản ngoại tệ ký gởi tại cơ quan Ngân hàng Ngoại thương thành phố (Ủy ban nhân dân thành phố sẽ thống nhất hình thức tổ chức nhận gởi với Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương thành phố).

- Tài khoản ngoại tệ ký gởi được quyền mang tên người gởi hay người nhận và được giữ bí mật.

- Được hưởng lãi bằng ngoại tệ. Mức lãi có thể được quy định từ 12% đến 15% một năm, mức lãi đã khuyến khích tùy theo mức gởi và thời gian gởi (gởi càng nhiều, thời gian càng lâu thì được hưởng tỷ lệ lãi cao hơn).

- Được bảo đảm quyền sở hữu tiền lãi bằng ngoại tệ.

- Được chuyển đổi lãi ngoại tệ ra tiền Việt Nam theo tỷ giá kiều hối lúc chuyển đổi để giao cho người nhận trong nước hoặc để chi dùng khi về nước.

Hình thức III: Chuyển khoản ngoại tệ.

- Việt kiều được chuyển khoản ngoại tệ gởi về thành phố cho một Công ty phục vụ Việt kiều, hoặc cho các cơ sở kinh doanh bán hàng hóa cho Việt kiều để thanh toán tiền mua bán, làm dịch vụ theo chỉ định của người gởi.

Hình thức IV: Mở sổ tiết kiệm bằng ngoại tệ.

- Đối với bà con Việt kiều sinh sống lâu năm ở nước ngoài nay được phép trở về nước sinh sống muốn chuyển về tài sản, lương hưu bổng, tiền tuất, trợ cấp, bảo hiểm…, bà con được mở sổ tiết kiệm bằng ngoại tệ tại Ngân hàng ngoại thương thành phố, được hưởng lãi tính bằng ngoại tệ và khi rút ra chi dùng trong nước số lãi được chuyển đổi ra tiền Việt Nam theo tỷ giá kiều hối.

Hình thức V: Dùng séc chuyển khoản bằng ngoại tệ

Đối với người có ngoại tệ gởi ở Ngân hàng, được quyền sử dụng séc chuyển khoản ngoại tệ để trả cho các cửa hàng được phép bán thu ngoại tệ, các cơ sở phục vụ được phép nhận thanh toán bằng ngoại tệ, kể cả việc nhập khẩu nguyên liệu vật tư phục vụ sản xuất.

2. Các ngoại tệ kiều hối của Việt kiều gởi về thành phố thuộc quyền phân phối sử dụng của Ủy ban nhân dân thành phố để phục vụ cho nhu cầu sản xuất, đời sống của nhân dân thành phố. Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương thành phố là cơ quan quản lý được Ủy ban nhân dân thành phố ủy nhiệm thu các khoản kiều hối này vào một tài khoản riêng của Ủy ban nhân dân thành phố gọi là tài khoản KIỀU HỐI. Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương thành phố không được chuyển kiều hối của thành phố cho các đơn vị, địa phương khác, hoặc sử dụng không theo chỉ thị của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Ủy ban Kế hoạch thành phố và Ban Kinh tế Đối ngoại sẽ đề xuất ý kiến với Thường trực Ủy ban về việc sử dụng số ngoại tệ kiều hối huy động được, cho các nhu cầu kinh tế xã hội.

III. VỀ CHÍNH SÁCH HƯỚNG DẪN GỞI QUÀ

1. Gởi quà về giúp gia đình, thân quyến là quyền lựa chọn của bà con, nhưng cần phân tích để bà con hiểu rõ: gởi tiền (ngoại tệ) với các hình thức nêu trên là thuận tiện nhất, có lợi nhất cho cả gia đình và đất nước.

2. Nếu bà con chọn cách gởi hàng thì khuyên nên gởi nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, phụ tùng phục vụ cho sản xuất quốc doanh hoặc tiểu thủ công nghiệp tập thể và cá thể gia đình.

- Sẽ không hạn chế định mức và số lần gởi.

- Thuế: sẽ đề nghị miễn hẳn hoặc được chiếu cố đến mức thấp nhất.

- Có hợp đồng bán sản phẩm làm ra cho Nhà nước.

- Danh mục các loại tư liệu sản xuất đề nghị Nhà nước miễn thuế 100%.

+ Dược liệu và dụng cụ y tế.

+ Nguyên vật liệu và hóa chất cho công nghiệp dệt và công nghiệp nhựa dẻo (polimer).

+ Bột giấy và nguyên liệu sản xuất học cụ.

+ Thuốc thú y, trừ sâu, tăng trọng.

+ Linh kiện điện tử.

+ Các loại máy chuyên dùng, tinh vi chính xác, thiết bị sửa chữa bảo trì xe hơi, tàu thủy.

- Giao cho Ủy ban Kế hoạch thành phố cùng Tổng Công ty xuất nhập khẩu, Ban Việt kiều thành phố, Hải quan thành phố và các ngành chức năng liên quan bán xây dựng một kế hoạch huy động, nguyên liệu vật tư thống nhất cho thành phố trong năm 1987 để có sự phối hợp đồng bộ trong việc vận động.

3. Nếu bà con chọn cách gởi hàng tiêu dùng thì vận động gởi các loại thiết yếu cho đời sống như thuốc chữa bệnh (đặc trị), hàng may mặc thông dụng… Các loại hàng nào thành phố đã tổ chức bán theo thùng định chuẩn thì nên chuyển tiền về mua tại thành phố, đỡ tốn phí vận chuyển, thuế và Nhà nước cũng có lợi.

- Sẽ nghiên cứu và đề nghị với trung ương bổ sung danh mục các loại hàng phi mậu dịch cấm nhập về hoặc hạn chế nhập về. Nói chung mặt hàng nào Nhà nước đã cấm nhập theo đường mậu dịch song song về mặc quà biếu phải cấm gởi hoặc tạm cấm gởi trong một thời gian.

- Sẽ nghiên cứu và đề nghị với trung ương chính sách thuế phân biệt rõ đối với các loại hàng khuyến khích gởi hoặc hạn chế gởi.

- Sẽ thực hiện phương thức bán hàng thu kiều hối bằng các thùng quà biếu định chuẩn đóng gói tại thành phố với cơ cấu mặt hàng và giá cả có tính toán để khuyến khích bà con mua theo phương phức này mà không gây nên tình trạng đầu cơ.

- Cho phép tổ chức một cửa hàng chuyên bán cho Việt kiều (tách khỏi Intershop chuyên bán cho người nước ngoài).

IV. VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thường vụ Thành ủy và Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố đã nhứt trí là phải tập trung vào một đầu mối thống nhất trong toàn thành phố để tổ chức, quản lý công tác thu hút kiều hối, quản lý quà biếu, làm dịch vụ cho Việt kiều, bán hàng cho Việt kiều thu ngoại tệ.

Đầu mối này sẽ được tổ chức thành một công ty cấp thành phố đặt dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Công ty đầu mối cần được khẩn trương xây dựng, hình thành trong tháng 12-1986 để bước vào hoạt động thống nhất đồng bộ từ đầu năm 1987.

- Trong hoạt động, Công ty đầu mối phải hết sức coi trọng yêu cầu vận động chính trị, phải gắn bó chặt chẽ với Ban Việt kiều, Ban Dân vận Mặt trận thành phố, Tổng Công ty xuất nhập khẩu thành phố và các ban ngành quận, huyện có nhiều khả năng vận động kiều hối, quà biếu.

- Giao Ban Tổ chức chánh quyền thành phố hoàn thành đề án tổ chức công ty đầu mối thống nhất và trình Thường trực Ủy ban trước ngày 20-12-1986.

2. Việc chi trả kiều hối, áp dụng tỷ giá kiều hối với mức thưởng khuyến khích thống nhất, các phương thức thanh toán… sẽ do công ty đầu mối này tạm thời thực hiện việc chi trả như đã phân công trong quy định số 553/UB ngày 15-2-1986 của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Từ nay đến khi thành lập công ty đầu mối này tạm thời thực hiện việc chi trả như đã phân công trong quy định số 553/UB ngày 15-2-1986 của Ủy ban nhân dân thành phố.

3. Giao Ban Việt kiều thành phố, phối hợp với Hải quan thành phố, Trung tâm phát triển xuất khẩu và một số cơ quan chức năng soạn thảo một đề án triển khai công tác hướng dẫn gởi quà biếu, đề xuất danh mục các loại quà biếu – loại nào cần miễn thuế, loại nào giảm thuế (mức độ giảm), loại nào cần đánh thuế nặng, tổ chức bán thùng hàng định chuẩn và tổ chức cửa hàng dành riêng cho Việt kiều. Việc lập đề án này phải hoàn thành trước 20 tháng 12 năm 1986.

4. Về công tác làm dịch vụ cho Việt kiều, Ban Việt kiều thành phố cần nghiên cứu đề xuất ý kiến cho Thường trực Ủy ban trong việc điều chỉnh bổ sung chức năng làm dịch vụ cho Việt kiều đã nêu trong điều lệ tổ chức của Công ty dịch vụ Việt kiều (cũ) đề phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới.

5. Trước mắt, các ngành chức năng, các quận huyện phải quán triệt ý nghĩa chính trị của công tác vận động Việt kiều và kiều quyến, một mặt đẩy mạnh vận động từ cơ sở, gia đình, một mặt phải thông suốt để chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo tập trung thống nhất, quy định về tỷ giá, về phân công chi trả. Thường trực Ủy ban quyết định mở đợt vận động huy động kiều hối quý IV/86 và quý I/87 để góp phần tích cực giải quyết các nhu cầu cấp bách và quan trọng về cân đối cho sản xuất cũng như góp phần tháo gỡ những khó khăn khác cho thành phố ta.

6. Các ngành chức năng về an ninh nội chính, quản lý thị trường cần phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã có kế hoạch theo sát việc thực hiện các mặt công tác nêu trên, đồng thời đề ra các biện pháp tích cực đấu tranh với bọn đầu cơ lũng đoạn kiều hối có tổ chức, kiên quyết truy mối trừng trị.

7. Việc huy động kiều hối, quản lý quà biếu đối với các địa phương, đơn vị đã được Ủy ban nhân dân thành phố cho phép và đã quy định quyền lợi nghĩa vụ theo Công văn số 553/UB ngày 15 tháng 2 năm 1986; ngoài ra các địa phương, đơn vị khác (kể cả các cơ quan trung ương, tỉnh, thành đóng trên địa bàn thành phố) không được tổ chức huy động kiều hối, làm dịch vụ quà biếu trên địa bàn thành phố.

8. Đối với các đơn vị không phải là đầu mối nhưng đã được Thường trực Ủy ban cho phép huy động kiều hối làm từng thương vụ, cũng chỉ được phép làm trong mức độ thương vụ đó, không được mở rộng tràn lan.

- Đối với các đơn vị và cá nhân nào cố tình vi phạm các quy định quản lý kiều hối – quà biếu nêu trên, các ngành chức năng và Ủy ban nhân dân các quận huyện cần kiên quyết xử lý, truy tố trước pháp luật.

9. Theo sự chỉ đạo của Ban thường vụ Thành ủy, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố nhứt trí phân công và ủy nhiệm cho đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phụ trách kinh tế đối ngoại chịu trách nhiệm trước Thường vụ Thành ủy và Thường trực Ủy ban trong việc gấp rút triển khai thực hiện các yêu cầu – nhiệm vụ vận động, quản lý kiều hối và những biện pháp nêu trên, đi đôi giải quyết kịp thời các vấn đề về tổ chức nhân sự.

Các ngành chức năng liên quan theo sự chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế đối ngoại, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để triển khai ngay chỉ thị này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Vĩnh Nghiệp

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.