Chỉ thị 28/2004/CT-UB về nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội Thành phố Hà Nội
Số hiệu: | 28/2004/CT-UB | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thành phố Hà Nội | Người ký: | Vũ Văn Ninh |
Ngày ban hành: | 06/10/2004 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Ngân hàng, tiền tệ, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 28/2004/CT-UB |
Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 2004 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC NÂNG CAO NĂNG LỰC VÀ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Thực hiện Chỉ thị số 09/2004/CT-TTg ngày 16/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội; để tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố Hà Nội, đóng góp vai trò quan trọng, tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm trên địa bàn Thủ đô, Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội yêu cầu các Sở, Ngành, Hội đoàn thể Thành phố và UBND các cấp thực hiện những công việc sau đây:
1. Các Sở, Ngành Thành phố; UBND các cấp và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố Hà Nội phải nỗ lực phấn đấu, phối hợp với các tổ chức đoàn thể quần chúng thực hiện tốt mục tiêu xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn Thành phố.
2. Về nguồn vốn và cơ sở vật chất của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội:
2.1. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Hàng năm nghiên cứu tham mưu cho UBND Thành phố, trình Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định dành một phần từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của ngân sách thành phố, bổ sung nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Thành phố để cho vay hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm và các đối tượng chính sách khác.
- Rà soát, đánh giá kết quả việc thực hiện quản lý các quỹ có nguồn gốc từ ngân sách Thành phố đang cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trình UBND Thành phố phương án quản lý, sử dụng các quỹ này đúng mục đích, đạt hiệu quả cao.
- Tạo điều kiện để Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố được tiếp cận, huy động các nguồn vốn để bổ sung nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội.
2.2. Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các quận, huyện cần rà soát, xem xét các trụ sở của các cơ quan hành chính sự nghiệp, các doanh nghiệp Nhà nước, nếu có dôi dư, ưu tiên chuyển giao cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố Hà Nội hoặc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Quận, Huyện để làm trụ sở hoặc có biện pháp hỗ trợ trong việc cấp đất, giải phóng mặt bằng.
2.3. Chủ tịch UBND các Quận, Huyện quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương, Hàng năm UBND các Quận, Huyện tùy theo khả năng của từng địa phương trình Hội đồng Nhân dân Quận, Huyện dành một phần vốn từ nguồn tăng thu tiết kiệm chi của ngân sách quận, huyện để bổ sung nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
3. Hàng năm, Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch đào tạo tập huấn nghiệp vụ cho vay ưu đãi đối với cán bộ của các Hội đoàn thể tại Thành phố và cấp quận, huyện, xã, phường, thị trấn tham gia các hoạt động cho vay các đối tượng chính sách; phối hợp với chính quyền, các tổ chức hội và các cơ quan liên quan, đào tạo các nghiệp vụ về công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư gắn với công tác vay vốn, nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả của vốn tín dụng ưu đãi.
Đồng thời, coi trọng đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội về kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, về pháp luật và đạo đức nghề nghiệp để phục vụ đối tượng chính sách.
4. Giao Sở Lao động Thương binh & Xã hội chủ trì, phối hợp với Cục Thống kê và các Sở, Ngành liên quan, tổ chức điều tra, thống kê thu nhập thực tế của các hộ nghèo, trình UBND Thành phố xem xét quy định mức chuẩn nghèo mới của Thành phố. Trên cơ sở đó, xây dựng chương trình và các biện pháp giảm nghèo đến năm 2010 của Thành phố, bảo đảm giảm nghèo bền vững, chống tái nghèo.
5. Về công tác kiểm tra giám sát:
5.1. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố Hà Nội phải thường xuyên phối hợp với chính quyền và Hội đoàn thể các cấp, tăng cường kiểm tra giám sát các đối tượng vay, mục đích sử dụng vốn vay, nhằm phát huy hiệu quả của vốn tín dụng ưu đãi và bảo toàn vốn; đồng thời tham mưu, đề xuất cho Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cùng cấp về nội dung, chương trình kiểm tra giám sát của Ban đại diện Hội đồng quản trị để phát hiện và khắc phục xử lý kịp thời những tồn tại khó khăn vướng mắc.
5.2. Cấp ủy Đảng và chính quyền cơ sở, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp, các đoàn thể quần chúng cần tăng cường sự kiểm tra giám sát đối với hoạt động của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố Hà Nội và các Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận, huyện.
6. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố, các đoàn thể Thành phố quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để Chi nhánh Ngân hành Chính sách xã hội Hà Nội hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ngành, Hội đoàn thể Thành phố có liên quan, Chủ tịch UBND các Quận, Huyện và Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các quận, huyện tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
Chỉ thị 09/2004/CT-TTg nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội Ban hành: 16/03/2004 | Cập nhật: 20/05/2006