Chỉ thị 27/CT-UB năm 1990 về việc thực hiện kiểm kê và đánh giá lại tài sản trong khu vực hành chánh sự nghiệp theo Quyết định 160/HĐBT do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: 27/CT-UB Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Nguyễn Văn Huấn
Ngày ban hành: 22/06/1990 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài sản công, nợ công, dự trữ nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 27/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 06 năm 1990

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN KIỂM KÊ VÀ ĐÁNH GIÁ LẠI TÀI SẢN TRONG KHU VỰC HÀNH CHÁNH SỰ NGHIỆP THEO QUYẾT ĐỊNH 160/HĐBT NGÀY 16/5/1990 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG.

Để thi hành Quyết định số 160/HĐBT ngày 16/5/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về việc tiến hành kiểm kê và đánh giá lại tài sản trong khu vực hành chánh sự nghiệp, Ủy ban nhân dân thành phố giao cho các ngành, các cấp tổ chức thực hiện ngay các công việc quan trọng sau đây :

1/ Quán triệt mục đích yêu cầu của đợt kiểm kê tài sản trong khu vực hành chánh sự nghiệp theo tinh thần Quyết định số 160/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng và phương án số 91/KK-VP của Ban chỉ đạo kiểm kê trung ương để chuẩn bị tốt cho việc kiểm kê và đánh giá lại tài sản trong kỳ kiểm kê 01/7 này.

2/ Giao cho Ban chỉ đạo kiểm kê và đánh giá lại vốn sản xuất kinh doanh 01-01-1990 của thành phố tiếp tục giúp Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo và cùng các sở ban ngành, đoàn thể và quận huyện đã thành lập trước đây để chỉ đạo công tác kiểm kê và đánh giá lại tài sản trong các cơ quan đoàn thể, hành chánh sự nghiệp vào thời điểm 01-7-1990. Những ngành, địa phương hoặc đơn vị nào chưa có Ban chỉ đạo kiểm kê tài sản thì phải thành lập ngay theo tinh thần Quyết định số 566/QĐ-UB ngày 28/9/1989 của Ủy ban nhân dân thành phố.

3/ Ban chỉ đạo kiểm kê tài sản thành phố và các cấp nói trên cần tổ chức chỉ đạo đơn vị cơ sở chấn chỉnh lại hồ sơ chứng từ, sổ sách kế toán một cách đầy đủ, chính xác theo nội dung, chế độ Nhà nước đã quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm kê đối chiếu và đánh giá lại tài sản sau này.

4/ Cục Thống kê, Sở Tài chánh, Ban Vật giá, Ủy ban Khoa học kỹ thuật, Ủy ban Kế hoạch, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Bộ Chỉ huy quân sự thành phố huy động từ 2 đến 3 cán bộ có năng lực chuyên môn nghiệp vụ tham gia vào Văn phòng Ban chỉ đạo kiểm kê tài sản thành phố.

5/ Sở Tài chánh và Ủy ban Kế hoạch có trách nhiệm đảm bảo các nhu cầu về kinh phí xăng dầu phục vụ công tác chỉ đạo kiểm kê của thành phố.

6/ Công tác kiểm kê và đánh giá lại tài sản ở đơn vị cơ sở cần phản ánh đúng hiện trạng, đánh giá lại trung thực số lượng và tình trạng tài sản và lập báo cáo kết quả trước ngày 15/8/1990. Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo kiểm kê các sở ban ngành và quận huyện tổng hợp kết quả kiểm kê báo cáo về Ban chỉ đạo kiểm kê thành phố trước ngày 01/10/1990.

Do đặc điểm vị trí của thành phố Hồ Chí Minh nên công việc kiểm kê và đánh giá lại tài sản trong khu vực hành chánh sự nghiệp 01/7/1990 là một việc quan trọng và khó khăn phức tạp, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu thủ trưởng các sở ban ngành, đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận huyện, phường xã và cơ sở tích cực thực hiện và thường xuyên kiểm tra kết quả công tác này và báo cáo tiến độ cho Ban chỉ đạo kiểm kê thành phố để Ban chỉ đạo kiểm kê thành phố tổng hợp báo cáo tiến độ công việc đến Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Văn Huấn