Chỉ thị 27/CT-UB năm 1981 về việc quy hoạch phát triển và phân bố công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: 27/CT-UB Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Lê Đình Nhơn
Ngày ban hành: 14/05/1981 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Công nghiệp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 27/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 5 năm 1981

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VÀ PHÂN BỐ CÔNG NGHIỆP VÀ TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Phát triển sản xuất xã hội theo quy hoạch và kế hoạch là một trong những thuộc tính cơ bản của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Trong mối quan hệ với toàn bộ công tác kế hoạch hoá nền kinh tế quốc dân, hệ thống các công tác điều tra cơ bản – phân vùng – quy hoạch và phân bố lực lượng sản xuất chiếm một vị trí cực kỳ quan trọng, bởi vì chính chúng tạo ra căn cứ khoa học cho việc xác lập các kế hoạch dài hạn và kế hoạch hàng năm.

Những năm qua trong sự chỉ đạo và quản lý kinh tế của ta chưa nắm vững công cụ chủ yếu là kế hoạch hoá, chưa bao giờ đi sâu nghiên cứu căn cứ khoa học của kế hoạch.

Do thiếu quy hoạch nên trong khi lao theo giải quyết những vụ việc cụ thể trước mắt trong sản xuất, chúng ta luôn luôn gặp phải những vấn đề chung chưa được giải quyết: vị trí kinh tế chiến lược của thành phố trong sơ đồ chung của cả nước; cơ cấu kinh tế và quan hệ tỷ lệ hợp lý của từng ngành và khu vực kinh tế; phương sách cơ bản và lâu dài để giải quyết vấn đề nguyên liệu vật tư cho sản xuất, lương thực thực phẩm và hàng tiêu dùng cho đời sống nhân dân thành phố.v.v…

Cũng do thiếu quy hoạch nên trong việc nghiên cứu vạch ra các kế hoạch dài hạn 5 năm và kế hoạch hàng năm chúng ta vấp phải rất nhiều khó khăn lúng túng và trên thực tế các kế hoạch đó đã không đảm bảo đầy đủ tính chất khách quan khoa học.

Tại thành phố ta vấn đề này có lúc đã được đặt ra, song trên thực tế vẫn còn bị coi nhẹ và hầu như đã bị gác lại trong nhiều năm qua. Thi hành Chỉ thị 142/TTg của Thủ tướng Chánh phủ (14-3-1978), Chỉ thị 26/CT-UB (24-5-1978) của Uỷ ban Nhân dân thành phố và gần đây trong việc xây dựng các phương án kinh tế kỹ thuật triển khai thực hiện Nghị quyết 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (20-9-1979), một số ngành đã bước đầu đi sâu nghiên cứu, nhưng phần lớn các công trình đều bị bỏ lững. Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do chúng ta chưa thực sự quan tâm chỉ đạo tốt lĩnh vực công tác nghiên cứu khoa học này, chưa chú ý đúng vấn đề có những biện pháp tổ chức, cán bộ và phương tiện vật chất kỹ thuật nhằm tập trung giải quyết nhiệm vụ công tác này một cách có hiệu quả. Nhiều vấn đề thuộc về quan điểm, nội dung, phương pháp và kỹ thuật nghiệp vụ cũng chưa được giải quyết thống nhất và thông suốt. Do vậy, mà hơn 5 năm qua từ sau giải phóng chúng ta vẫn chưa xây dựng được quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội toàn thành phố mà trong đó quy hoạch sản xuất công nghiệp là bộ phận chính yếu nhất.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố khoá II nhất trí đánh giá đây là một thiếu sót lớn và cũng đã đề ra Nghị quyết cho những năm tới là phải chỉ đạo thực hiện kỳ được nhiệm vụ.

Quy hoạch công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp là khâu tiền kế hoạch là khâu nghiên cứu bố trí theo ngành và theo lãnh thổ chiến lược phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của thành phố. Nghiên cứu xây dựng quy hoạch là quá trình liên tục, nhằm nắm chắc và ngày càng sử dụng một cách đầy đủ, hợp lý hơn mọi tiềm năng, xác định một các đúng đắn những nhiệm vụ, mục tiêu và xu hướng phát triển sản xuất, từng bước hoàn thiện mọi cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất xã hội (theo ngành và theo lãnh thổ). Đây là lĩnh vực nghiên cứu khoa học mang tính chất tổng hợp cao, đồng thời cũng hết sức phức tạp. Khó khăn và còn rất mới mẻ đối với chúng ta. Điều đó đòi hỏi phải tập trung chỉ đạo công tác này một cách kiên trì, làm từng bước theo một trình tự thống nhất và phải có sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp đặc biệt là phối hợp và quy định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan thành phố với các cơ quan của Trung ương đóng trên địa bàn thành phố.

Thành phố ta đang đứng trước những triển vọng rất to lớn của sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước. Vị trí của thành phố Hồ Chí Minh đã được Trung ương Đảng xác định là “một trung tâm công nghiệp, một trung tâm văn hoá, khoa học kỹ thuật, một trung tâm giao dịch quốc tế, một đầu mối giao thông quan trọng của cả nước. Với vị trí đó, thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm lớn trong sự nghiệp công nghiệp hoá nước nhà, xây dựng cơ cấu kinh tế công nông nghiệp tạo nên địa bàn vững mạnh về kinh tế và chính trị, xã hội, về an ninh và quốc phòng, làm hậu phương lớn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc…(Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh lần thứ II).

Tiến hành quy hoạch công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố, đưa sản xuất đi dần vào thế phát triển ổn định từng bước tạo ra cơ cấu kinh tế hợp lý, từng bước xây dựng và củng cố những mối quan hệ kinh tế kỹ thuật và các hình thức tổ chức theo ngành và theo lãnh thổ của sản xuất, thúc đẩy sản xuất phát triển, cải thiện đời sống nhân dân,.đã trở thành một trong những nhiệm vụ cơ bản và cấp bách của chúng ta.

Từ những xuất phát điểm trên đây, Uỷ ban Nhân dân thành phố chỉ thị:

1) Các đồng chí Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các Quận, Huyện, trên cơ sở quán triệt ý nghĩa mục đích và yêu cầu của công tác quy hoạch công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, cần khẩn trương bàn bạc xây dựng chương trình, kế hoạch, tập trung tổ chức và chỉ đạo triển khai thực hiện cho kỳ được nhiệm vụ công tác này.

2) Các sở, ban, ngành, quận, huyện cần củng cố hoặc thành lập gấp các tổ chức chuyên trách làm quy hoạch của mình; tiến hành điều chỉnh, tăng cường về mặt nhân sự cho các tổ chức nói trên. Mỗi sở, ban, ngành cử một đồng chí trong Ban Giám đốc, mỗi quận, huyện cử đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách, kế hoạch, chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo triển khai công tác này.

3) Các sở, ban, ngành và quận, huyện cần tiến hành ngay việc tập họp, đồng bộ hoá, xử lý tổng hợp và cho điều tra bổ sung (nếu cần) các tài liệu, số liệu cơ bản. Việc điều tra nắm lại cụ thể và chắc chắn về nhu cầu thị trường năng lực sản xuất và mọi dạng tiềm năng khác là công việc ban đầu quan trọng và cần thiết nhất của quá trình xây dựng quy hoạch công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Trong khi phân tích đánh giá tình hình cơ bản phải hết sức chú trọng phối hợp sử dụng các nguồn tài liệu, số liệu đã có của các tổ chức kế hoạch, thống kê v.v…và tranh thủ triệt để sự hướng dẫn về nội dung, nghiệp vụ của Ban Phân vùng Kinh tế thành phố.

4) Trên cơ sở phân tích đánh giá một cách toàn diện sâu sắc tình hình về năng lực sản xuất, nhu cầu thị trường các mối quan hệ kinh tế kỹ thuật, các nhiệm vụ chánh trị - kinh tế - xã hội…các ngành và quận, huyện cần nghiên cứu đề ra phương án quy hoạch phát triển và phân bố sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của ngành và quận, huyện mình. Các phương án quy hoạch phải chỉ rỏ được phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển và phân bố sản xuất cho từng thời kỳ 1981-1985-1986-1990-1991-1995, có cân đối các mặt và các yếu tố của quá trình tái sản xuất, có chỉ rõ các biện pháp cụ thể giải quyết các vấn đề: nguyên liệu, vốn, đào tạo, xây dựng hệ thống cấu trúc hạ tầng, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, cải tiến quản lý, chánh sách, chế độ v.v…nhằm thực hiện những nhiệm vụ được đặt ra.

Các sở, ban, ngành, quận, huyện phải chủ động tranh thủ sự chỉ đạo hướng dẫn giúp đỡ các đại diện Bộ và Tổng cục tại thành phố, đồng thời tìm hiểu tập hợp tài liệu tình hình và phối hợp quy hoạch với các ngành và cơ sở do Trung ương quản lý có mặt trên địa bàn thành phố nhằm bảo đảm cho các phương án quy hoạch thể hiện được tính thống nhất giữa kinh tế Trung ương với Kinh tế địa phương giữa ngành và lãnh thổ, giữa việc sử dụng đầy đủ tác dụng tích cực của 5 thành phần kinh tế với việc từng bước tập trung xây dựng ngành kinh tế - kỹ thuật xuyên suốt…

5) Nghị định 35/CP của Hội đồng Chánh phủ có nêu rõ trách nhiệm của các Bộ, Tổng cục đối với công tác quy hoạch ngành và quy hoạch tổng thể của địa phương; mặt khác để thực hiện chức năng quản lý theo lãnh thổ của Chánh quyền địa phương theo quy định của Nhà nước, đề nghị các Bộ và Tổng cục:

- Gởi cho thành phố (trước tháng 9/1981) phương án quy hoạch của ngành mình trên địa bàn thành phố, chú trọng nêu rõ nội dung và cơ cấu của hệ thống tổ chức và các cơ sở sản xuất của ngành trên địa bàn thành phố.

- Hướng dẫn, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các sở, ngành theo hệ thống dọc của mình làm quy hoạch ngành ở địa phương.

Tham gia ý kiến với các Bộ, Tổng cục khác và Uỷ ban Nhân dân thành phố trong toàn bộ công tác quy hoạch công nghiệp và thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố.

6) Các sở, ban, ngành, quận, huyện cần hoàn thành việc xây dựng các phương án quy hoạch (xem phụ lục phân công kèm theo chỉ thị này), gởi báo cáo cho bộ phận thường trực của Ban chỉ đạo (Ban Phân vùng kinh tế thành phố) trước cuối tháng 12 năm 1981.

7) Thành lập tiểu ban chỉ đạo làm quy hoạch công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố. Ban Tổ chức chánh quyền và Ban Phân vùng kinh tế cần trao đổi bàn bạc với nhau để sớm ra quyết định về thành phần và nhân sự, sớm ổn định hoạt động của Tiểu ban chỉ đạo và nhân sự này. Thay mặt Uỷ ban Nhân dân thành phố, Tiểu ban chỉ đạo sẽ chủ trì giải quyết mọi vấn đề có liên quan đến việc tập hợp lực lượng, tài liệu và tổ chức nghiên cứu xây dựng quy hoạch phát triển và phân bố sản xuất công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, đồng thời là đại diện của thành phố để phối hợp mọi hoạt động quy hoạch với các ngành Trung ương có liên quan.

8) Ban Phân vùng kinh tế thành phố là bộ phận thường trực chuyên trách giúp Uỷ ban Nhân dân chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện và điều hoà phối hợp các hoạt động nhằm xây dựng quy hoạch phát triển và phân bố sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố. Uỷ ban Nhân dân giao trách nhiệm cho Ban Phân vùng kinh tế phối hợp với Uỷ ban Kế hoạch, Chi cục Thống kê, Ban Kiến thiết cơ bản thành phố (Viện quy hoạch) và các cơ quan có liên quan khác của thành phố và Trung ương xây dựng toàn bộ hệ thống quan điểm phương pháp và chỉ tiêu biểu bảng hướng dẫn lập quy hoạch công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, phổ biến sớm các ngành, quận, huyện và các cơ quan trung ương có liên quan tại thành phố. Việc này cần hoàn thành chậm nhất vào cuối tháng 05/1981 Ban Phân vùng kinh tế chịu trách nhiệm nghiên cứu đề xuất cách giải quyết các vấn đề cụ thể nảy sinh ra trong quá trình chỉ đạo xây dựng các phương án quy hoạch, đảm bảo cho các hoạt động quy hoạch được tiến hành một cách ăn khớp, nhịp nhàng theo một trình tự, tiến độ thống nhất do Tiểu Ban chỉ đạo quy định. Sau khi nhận được đầy đủ các phương án quy hoạch do các sở, ban, ngành, quận, huyện và các cơ quan Trung ương xây dựng Ban Phân vùng kinh tế chịu trách nhiệm nghiên cứu xử lý tổng hợp thành phương án quy hoạch phát triển và phân bố sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố, trình Thường vụ Thành uỷ và Thường trực Uỷ ban Nhân dân thành phố thông qua và báo cáo lên Chánh phủ phê duyệt.

9) Uỷ ban Nhân dân thành phố quy định tiến độ chung cho việc xây dựng các phương án quy hoạch như sau:

- Từ nay đền đầu tháng 6 năm 1981 hoàn thành xong mọi công tác chuẩn bị triển khai việc chỉ đạo thực hiện chỉ thị này.

- Đến cuối tháng 12/1981 các sở, ngành, quận, huyện và các cơ quan Trung ương có liên quan cần hoàn thành xong việc xây dựng các đề án quy hoạch được phân công.

- Đến cuối tháng 4/1982 phải tổng hợp xây dựng xong các phương án quy hoạch phát triển và phân bố sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp toàn thành phố.

10) Việc nghiên cứu xây dựng quy hoạch phát triển và phân bố sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp là một công tác có nhiều khó khăn phức tạp. Chúng ta tiến hành công tác quy hoạch trong khi các ngành, quận, huyện và cơ sở đang phải bận rộn đối phó với rất nhiều công việc cấp bách trước mắt, số cán bộ có trình độ nghiệp vụ và có kinh nghiệm trong công tác này lại rất thiếu, các mặt tiềm năng cũng như tình hình thị trường trong nước và thế giới chưa nắm được chắc nhiều vấn đề lệ thuộc vào Trung ương chưa được giải quyết rõ ràng, sự hướng dẫn về nội dung, nghiệp vụ và sự phối hợp của các ngành Trung ương trên lãnh vực này cũng còn hạn chế. Đó là những khó khăn cơ bản đòi hỏi chúng ta phải tích cực khắc phục. Để thực hiện có kết quả nhiệm vụ công tác này, Uỷ ban Nhân dân thành phố yêu cầu các ngành, các cấp nắm vững phương châm chỉ đạo :Tích cực chỉ đạo, chủ động, kiên trì, kết hợp chặt chẽ các hoạt động quy hoạch với những công tác trước mắt như xây dựng các phương án kinh tế kỹ thuật, nghiên cứu giải quyết nguồn nguyên liệu cho cơ sở sản xuất, cải tiến tổ chức sản xuất, giải quyết vấn đề phân công, phân cấp quản lý v.v..Một mặt phải làm việc hết sức khẩn trương, nghiêm túc để đạt được những yêu cầu chất lượng cao nhất của các đề án quy hoạch, mặt khác cũng nên tránh xu hướng cầu toàn, chờ đợi lẫn nhau (nhất là chờ đợi quy hoạch của các ngành Trung ương). Các sở, ban, ngành thành phố một mặt phải tranh thủ triệt để sự chỉ đạo theo ngành dọc của các Bộ, Tổng cục (Theo tinh thần Nghị định 35/CP), mặt khác có trách nhiệm hướng dẫn giúp đỡ về nội dung và nghiệp vụ đối với các quận, huyện trong quá trình làm quy hoạch.

Uỷ ban Nhân dân thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện và mọi tổ chức có liên quan chấp hành nghiêm chỉnh và tích cực tổ chức triển khai, thực hiện chỉ thị này.

 

 

T/M UỶ BAN NHÂNDÂN
THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Lê Đình Nhơn