Chỉ thị 26/CT-UBND năm 2011 tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn thành phố Hải Phòng
Số hiệu: | 26/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thành phố Hải Phòng | Người ký: | Dương Anh Điền |
Ngày ban hành: | 12/09/2011 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/CT-UBND |
Hải Phòng, ngày 12 tháng 9 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THU HÚT ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI (FDI) TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Trong những năm gần đây, hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn thành phố đã từng bước đi vào nề nếp và đạt được những kết quả quan trọng. Thu hút FDI tăng nhanh trong các năm từ 2006 đến 2010 với mức bình quân 500 triệu đô la Mỹ/năm, tổng vốn đầu tư thực hiện chiếm khoảng 15% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tăng gấp 3 lần so với giai đoạn 2001-2005.
Nguồn vốn FDI thu hút được trong thời gian qua đã góp phần tăng quy mô nền kinh tế, tăng giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu trên địa bàn thành phố, giải quyết nhiều việc làm, góp phần quan trong trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp, dịch vụ.
Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2011, tổng số vốn FDI thu hút trên địa bàn thành phố đạt xấp xỉ 500 triệu đô la Mỹ, gấp 11 lần so với cùng kỳ năm 2010 và đạt 99,74% kế hoạch của năm 2011, nâng tổng số vốn FDI ở thành phố lên trên 4,83 tỷ đô la Mỹ với 309 dự án còn hiệu lực, trong đó vốn pháp định đạt 1.797.924.778,13 đô la Mỹ, vốn thực hiện ước đạt 52,8%.
Tuy nhiên, hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn những hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đó là: chưa tổ chức nghiên cứu sâu về FDI, định hướng thị trường, đối tác chiến lược chưa xác định rõ; đầu mối xúc tiến đầu tư chưa thống nhất, tính chuyên nghiệp của công tác xúc tiến đầu tư chưa cao, dẫn đến hiệu quả và chất lượng thu hút đầu tư chưa tốt; việc triển khai các dự án vẫn chậm, nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng, xây dựng, tuyển dụng lao động… Công tác theo dõi, quản lý nhà nước về hoạt động của doanh nghiệp FDI sau cấp phép đầu tư còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, bao gồm: hạ tầng giao thông kết nối vùng, khu vực với cảng cửa ngõ quốc tế, hạ tầng cấp điện, các khu công nghiệp, cảng hàng không quốc tế còn hạn chế. Hạ tầng cung cấp dịch vụ tiện ích xã hội phục vụ đầu tư gồm: khách sạn cao cấp, khu nghỉ dưỡng sinh thái, khu nhà ở cho công nhân, trường học và bệnh viện quốc tế còn yếu và chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguồn nhân lực cán bộ quản lý, đội ngũ phiên dịch, đội ngũ công nhân lành nghề còn rất thiếu và yếu. Công tác quy hoạch thiếu tập trung chưa liên kết đồng bộ, hiệu quả giữa quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch thu hút FDI trên địa bàn.
Để khắc phục những tồn tại trên và chủ động chuẩn bị đón làn sóng đầu tư mới từ nước ngoài, nhất là từ Nhật Bản, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện quán triệt và thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Nhận thức đầy đủ và toàn diện về vai trò, thời cơ và yêu cầu mới của công tác xúc tiến đầu tư và quản lý nhà nước về các dự án FDI, nhất là đầu tư của Nhật Bản trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chuyên sâu, chế tạo cơ khí, điện tử, công nghệ cao kèm theo chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và phát triển (R&D) để chủ động, tích cực, quyết liệt và đồng bộ trong hoạt động xúc tiến đầu tư.
2. Cải tiến về nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả, chất lượng của hoạt động xúc tiến đầu tư FDI theo hướng chuyên nghiệp hóa, chú trọng hướng vào các nhà đầu tư có công nghệ nguồn, giá trị gia tăng, số nộp ngân sách lớn, nhất là các nhà đầu tư Nhật Bản.
3. Phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ cho các khu công nghiệp đã có, xúc tiến đầu tư thêm các khu công nghiệp mới, trong đó tập trung đầu tư một khu công nghiệp chuyên sâu, công nghiệp phụ trợ đi kèm với khu đô thị, dịch vụ dành cho các nhà đầu tư Nhật Bản trong lĩnh vực điện tử, sản xuất cơ khí và các ngành công nghiệp phụ trợ.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế, các ngành có liên quan thành lập Tổ công tác, phối hợp với Tổ công tác của Chính phủ xây dựng Đề án khu công nghiệp chuyên sâu, phụ trợ danh cho các nhà đầu tư Nhật Bản, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố trong tháng 9/2011.
- Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ theo hướng phân công rõ trách nhiệm của từng sở ngành, đơn vị, địa phương trong chuẩn bị và xây dựng khu công nghiệp chuyên sâu;
- Chủ động biên soạn tài liệu cần thiết, phối hợp với các cơ quan ngoại giao, hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản để xúc tiến đầu tư, cung cấp thông tin, và làm việc với các đoàn của Nhật Bản khi vào Việt Nam và Hải Phòng.
- Chuẩn bị nội dung tham gia Hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng vào tháng 11/2011.
- Làm đầu mối xúc tiến đầu tư, tập trung tham mưu với Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư cụ thể.
5. Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng.
- Chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan trong việc xây dựng khu công nghiệp chuyên sâu, phụ trợ.
- Rà soát diện tích đất, cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp hiện có để chủ động giới thiệu với các nhà đầu tư.
- Chỉ đạo các công ty xây dựng hạ tầng khu công nghiệp chủ động xúc tiến đầu tư với các nhà đầu tư nước ngoài và Nhật Bản.
6. Các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Cục Thuế Nhà nước thành phố:
- Rà soát quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, khu phức hợp công nghiệp- đô thị- dịch vụ, đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố các địa điểm có tính khả thi để xem xét, lựa chọn đầu tư một khu công nghiệp chuyên sâu phục vụ các nhà đầu tư Nhật Bản trong lĩnh vực điện tử và công nghiệp hỗ trợ, tạo lập không gian sống tốt cho cán bộ quản lý và người lao động.
- Tập trung giải quyết những vấn đề liên quan đến quy hoạch, môi trường, đề xuất cơ chế chính sách đặc biệt về hỗ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng áp dụng cho các khu công nghiệp nói chung và khu công nghiệp chuyên sâu dành cho các nhà đầu tư Nhật Bản.
- Bố trí ngân sách đủ và kịp thời cho hoạt động xúc tiến đầu tư.
7. Các sở: Lao động, Thương binh và Xã hội, Giáo dục- Đào tạo;
- Rà soát hệ thống các trường, cơ sở đào tạo nghề, lựa chọn các đơn vị có năng lực, cơ sở vật chất; khảo sát và tổng hợp yêu cầu về đào tạo nghề của các nhà đầu tư trong và ngoài nước và các nhà đầu tư Nhật Bản, từ đó đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố áp dụng cơ chế đặc thù, kế hoạch hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn của các nước và của Nhật Bản trong đào tạo nghề theo yêu cầu.
- Lập kế hoạch và đề xuất chương trình hợp tác dạy tiếng nước ngoài nói chung và dạy tiếng Nhật cho nhân lực phục vụ các dự án FDI nói chung và của Nhật Bản nói riêng.
8. Sở Công Thương: Rà soát các nhóm ngành công nghiệp phụ trợ, khả năng của các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như hệ thống kết cấu hạ tầng cung cấp điện, đề xuất phương án đảm bảo cung cấp đủ và ổn định điện cho các nhà máy sản xuất.
9. Sở Ngoại vụ:
Phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối thường xuyên quan hệ với các cơ quan đại diện ngoại giao, kinh tế của Việt Nam tại nước ngoài và tại Nhật Bản để nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư và mở rộng quan hệ với các đối tác nước ngoài và Nhật Bản.
10. Ủy ban nhân dân các quận, huyện: tập trung cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp và khu công nghiệp chuyên sâu dành cho doanh nghiệp Nhật Bản.
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, đôn đốc thực hiện Chỉ thị này và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố kết quả thực hiện./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |