Chỉ thị 26/2006/CT-UBND tăng cường công tác bảo vệ môi trường ở các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
Số hiệu: | 26/2006/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Quảng Nam | Người ký: | Lê Minh Ánh |
Ngày ban hành: | 18/07/2006 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Môi trường, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/2006/CT-UBND |
Tam Kỳ, ngày 18 tháng 7 năm 2006 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG Ở CÁC KHU, CỤM CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Trong những năm qua, nhiều khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng và phát triển, thu hút nhiều dự án vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động tại các địa phương, tăng thu ngân sách nhà nước, đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực đó nhiều vấn đề môi trường đã và đang nảy sinh, tình trạng ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm môi trường do chất thải, rác thải ở một số khu, cụm công nghiệp có nơi, có lúc đã đến mức báo động, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của cộng đồng, gây bức xúc cho nhân dân và chính quyền địa phương.
Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do chưa có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường; một số doanh nghiệp chỉ chú trọng đến phát triển sản xuất, chạy theo lợi nhuận mà ít quan tâm đến bảo vệ môi trường; kinh phí đầu tư cho hạng mục xử lý môi trường còn rất hạn chế. Hầu hết các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn hiện nay chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý môi trường tập trung. Công tác quản lý nhà nước về môi trường ở tỉnh và các địa phương còn nhiều yếu kém,bất cập, mang nặng thủ tục hành chính, việc thi hành pháp luật về môi trường còn chưa nghiêm, ...
Ðể khắc phục cơ bản tình trạng nêu trên, đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường ở các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, UBND tỉnh yêu cầu:
1. Sở Tài nguyên và Môi trường và Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã phối hợp với Ban Quản lý Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai và Ban Quản lý các khu, cụm công nghiệp các huyện, thị xã tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa bàn thực hiện đúng các quy trình xử lý nước thải, chất thải, phải đảm bảo đạt tiêu chuẩn quy định mới được thải ra hệ thống mương thoát chung.
Yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng đỗ chất thải bừa bãi, xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra môi trường xung quanh. Đặc biệt là các nhà máy chế biến thủy sản, chế biến tinh bột sắn, nhà máy bia, ...Xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất và sức khỏe của nhân dân. Kiên quyết đình chỉ để buộc khắc phục đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhân dân đã khiếu nại nhiều lần trong thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường đã yêu cầu nhiều lần nhưng vẫn không chấp hành thực hiện.
2. Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Ban Quản lý Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Ban Quản lý các khu, cụm công nghiệp và UBND các huyện, thị xã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp, cán bộ, công nhân ở các nhà máy, cơ sở sản xuất và cộng đồng dân cư trên địa bàn để mọi người hiểu, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường;
Khẩn trương lựa chọn địa điểm phù hợp và bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Đối với Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Khu công nghiệp Tam Hiệp phấn đấu đưa hệ thống xử lý vào họat động trong năm 2007; các khu, cụm công nghiệp khác còn lại trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đưa vào hoạt động trước năm 2008.
Trong thời gian chưa xây dựng được hệ thống xử lý môi trường tập trung, Ban Quản lý khu, cụm công nghiệp và Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai sớm đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các hệ thống cống, mương thoát nước, có nắp đậy để hạn chế mùi hôi trong quá trình xả nước thải, nhất là đoạn qua các khu dân cư. Phối hợp với Công ty Môi trường đô thị có biện pháp xử lý tốt rác thải, chất thải rắn ở các cơ sở sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Khi cấp phép cho các dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp cần phải xem xét, bố trí hợp lý theo loại hình sản xuất, ưu tiên cho các dự án sản xuất thân thiện với môi trường.
3. UBND các huyện, thị xã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường tăng cường theo dõi, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các nhà máy, cơ sở sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp; yêu cầu xử lý, khắc phục kịp thời, không để xảy ra điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Ưu tiên bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý môi trường tập trung tại các cụm công nghiệp trong thời gian đến.
4. Các nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh phải thực hiện đúng các nội dung đã cam kết tại Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Bản cam kết bảo vệ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào vận hành các công trình xử lý nước thải, rác thải, khí thải đảm bảo đạt tiêu chuẩn quy định mới được thải ra hệ thống chung và môi trường xung quanh.
Tổ chức bộ phận theo dõi thường xuyên diễn biến về môi trường ở cơ sở sản xuất; kiểm tra và có biện pháp xử lý kịp thời, không để gây ô nhiễm môi trường trong khu vực. Các ngành, địa phương, doanh nghiệp có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này, báo cáo kết quả cho UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo./.
|
TM.ỦY BAN NHÂN DÂN |