Chỉ thị 26/2006/CT-UBND thực hiện cuộc vận động Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục
Số hiệu: 26/2006/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Người ký: Võ Thành Kỳ
Ngày ban hành: 15/08/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU

----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2006/CT-UBND

Vũng Tàu, ngày 15 tháng 8 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CUỘC VẬN ĐỘNG “NÓI KHÔNG VỚI TIÊU CỰC TRONG THI CỬ VÀ BỆNH THÀNH TÍCH TRONG GIÁO DỤC”

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương, sự phấn đấu nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên và học sinh ngành giáo dục và đào tạo, sự đồng thuận của nhân dân và các đoàn thể xã hội, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có bước phát triển mạnh mẽ góp phần thực hiện mục tiêu: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho địa phương và đất nước.

Tuy nhiên trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước, phát triển và hội nhập, giáo dục và đào tạo còn những thiếu sót khuyết điểm mà một trong những nguyên nhân cơ bản của nó là hiện tượng tiêu cực trong kiểm tra, thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Ngày 28 tháng 7 năm 2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số: 3859/QĐ-BGD&ĐT về Kế hoạch tổ chức cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.

Để triển khai thực hiện cuộc vận động “ Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục ” trên địa bàn tỉnh có hiệu quả, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm:

- Triển khai cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” đến toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh toàn ngành.

- Xây dựng chương trình hành động của ngành thực hiện cuộc vận động và chỉ đạo các đơn vị giáo dục trong ngành xây dựng cam kết của từng cá nhân, tập thể trong việc “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.

- Kiên quyết chấn chỉnh các hiện tượng tiêu cực trong dạy học và thi cử, như dạy thêm vì mục đích vụ lợi, dạy thêm ngoài nhà trường học sinh mình phụ trách, chạy điểm. Có quy định công khai minh bạch về trường hợp dạy thêm có hưởng thù lao và dạy thêm không hưởng thù lao.

- Thiết lập lại kỷ cương nền nếp dạy học trong các cơ sở giáo dục, tạo ra sự khuyến khích mạnh mẽ sức sáng tạo của đội ngũ thầy cô giáo, thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục những non yếu, hạn chế trong ngành giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng và hiệu quả của quá trình giáo dục.

- Phát huy chủ động, sáng tạo của mỗi cơ sở giáo dục, mỗi thầy cô giáo và mỗi địa phương trong việc tổ chức các phong trào thi đua thiết thực nhằm tạo điều kiện phát triển của mỗi học sinh, sinh viên, mỗi trường, mỗi địa phương góp phần vào sự phát triển của toàn ngành. Đổi mới cơ bản công tác thi đua khen thưởng, công tác thi đua phải phục vụ thiết thực việc dạy tốt hơn, học tốt hơn, quản lý có hiệu quả hơn. Khuyến khích và khai thác tối đa các nguồn lực của xã hội và trong nhân dân để phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường và đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra phục vụ thiết thực, hiệu quả cho cuộc vận động. Phải tạo sự chuyển biến về chất trong quá trình dạy - học; chống cách dạy nhồi nhét, thầy đọc, trò chép; đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của người học; đổi mới công tác kiểm tra, thi cử, đánh giá xếp loại học sinh đúng thực chất.

- Việc thực hiện các chương trình hành động của cuộc vận động đặt dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, đặc biệt với Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ban đại diện cha mẹ học sinh, Hội Khuyến học và Hội cựu giáo chức.

- Tổ chức sơ kết, tổng kết cuộc vận động theo từng học kỳ, năm học, nhân rộng các điển hình tiên tiến và duy trì kết quả cuộc vận động trong năm học 2007 - 2008 và các năm tiếp theo, làm cho cuộc vận động này được duy trì bền vững.

2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, chỉ đạo các phòng chuyên môn của Uỷ ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với Phòng Giáo dục huyện và các cơ sở giáo dục trực thuộc thực hiện cuộc vận động, nhằm tạo ra sự đồng thuận của toàn xã hội trước yêu cầu cấp bách và lâu dài chống các hiện tượng tiêu cực để phát triển giáo dục.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội khuyến học tỉnh, Hội cựu giáo chức tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục - Đào tạo và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên trong đơn vị mình cũng như toàn dân, nhằm tạo ra sự đồng thuận và quyết tâm cùng với ngành giáo dục thực hiện cuộc vận động “ Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục ” .

4. Các cơ quan chức năng: Sở Văn hoá - Thông tin, Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu có trách nhiệm phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, thường xuyên có tin bài, hình ảnh biểu dương những gương “ Người tốt việc tốt ”, những điển hình tiên tiến mới trong ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh, những người có hành động dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực trong giáo dục và đào tạo, cùng với ngành giáo dục hưởng ứng và thực hiện cuộc vận động này.

5. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Yêu cầu Giám đốc sở Giáo dục Đào tạo, thủ trưởng các cơ quan chức năng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Thành Kỳ

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.