Chỉ thị 26/2003/CT-UB thực hiện Chương trình kiên cố hoá - hiện đại hoá trường, lớp học ở Thủ đô Hà Nội do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà nội ban hành
Số hiệu: | 26/2003/CT-UB | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thành phố Hà Nội | Người ký: | Nguyễn Quốc Triệu |
Ngày ban hành: | 31/07/2003 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Giáo dục, đào tạo, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/2003/CT-UB |
Hà Nội, ngày 31 tháng 07 năm 2003 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH KIÊN CỐ HOÁ - HIỆN ĐẠI HOÁ TRƯỜNG, LỚP HỌC Ở THỦ ĐÔ HÀ NỘI
Ngày 15/11/2002, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 159/2002/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học và có thư kêu gọi các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đóng góp tiền của, trí tuệ và công sức, góp phần cùng Chính phủ triển khai Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn thực hiện Quyết định của Thủ tướng tại các văn bản số 11059/KHTC ngày 06/12/2002, số 549/KHTC ngày 21/01/2003, số 2096/KHTC ngày 14/3/2003 và số 4316B/KHTC ngày 26/5/2003.
Ngày 30/10/2002, Thành uỷ Hà Nội có Đề án số 22-ĐA/TU về việc thực hiện Kết luận Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá IX về giáo dục – đào tạo ở Hà Nội, trong đó nêu rõ “ Tăng cường cơ sở vật chất trường học ở Hà Nội theo hướng chuẩn hoá, kiên cố hoá và hiện đại hoá”.
Để triển khai Quyết định số 159/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và chủ trương của Thành uỷ về thực hiện Chương trình kiên cố hoá - hiện đại hoá trường, lớp học, UBND Thành phố chỉ thị:
I- Các cấp, các ngành trong toàn Thành phố huy động mọi nguồn lực trong xã hội, ưu tiên đầu tư về mọi mặt (đất đai, nguồn vốn, phương tiện...) thực hiện chủ trương kiên cố hoá - hiện đại hoá trường, lớp học ở Thủ đô Hà Nội, nhằm xoá bỏ hoàn toàn phòng học cấp 4 trong giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở vào năm 2005; tăng nhanh số trường học ở các ngành học, cấp học đạt chuẩn Quốc gia; đủ phòng học để toàn bộ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày vào năm 2005, toàn bộ học sinh trung học cơ sở được học 2 buổi/ngày vào năm 2010; tách riêng cơ sở vật chất các trường học vào năm 2004; các trường học không còn hộ dân ở trong khuôn viên trường, trường lớp có đủ trang thiết bị cần thiết phục vụ dạy và học, tiến tới có các trang thiết bị dạy và học hiện đại, đồng bộ, được quản lý và sử dụng có hiệu quả cao.
II- Để đạt mục tiêu trên, UBND Thành phố giao trách nhiệm cho các ngành, các cấp như sau:
1- Sở Giáo dục và Đào tạo:
Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan thường trực thực hiện Chương trình kiên cố hoá, hiện đại hoá trường, lớp của Thủ đô Hà Nội, có trách nhiệm quán triệt thực hiện Chương trình trong toàn ngành; tham mưu, đề xuất, theo dõi, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các nhiệm vụ của UBND Thành phố giao để thực hiện Chương trình; tổng hợp tình hình định kỳ báo cáo UBND Thành phố; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND các quận, huyện xây dựng và thực hiện các đề án, kế hoạch:
1.1- Kiên cố hoá, hiện đại hoá trường, lớp học ở Thủ đô Hà Nội;
1.2- Xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia ở các ngành học, cấp học;
1.3- Quản lý và hỗ trợ các trường ngoài công lập;
1.4- Thực hiện Quyết định 161 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non.
1.5- Di chuyển các hộ dân trong khuôn viên các trường trực thuộc, trả lại mặt bằng phục vụ dạy và học.
1.6- Xây dựng cụm trường trung học chuyên nghiệp tại khu đất do trường Trung học Nông nghiệp quản lý.
1.7- Biên soạn chương trình, giáo trình sử dụng trong các trường trung học chuyên nghiệp của Thành phố Hà Nội.
1.8- Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nghiệp vụ trường học, đáp ứng yêu cầu hiện đại hoá trường, lớp.
2- UBND các quận, huyện:
UBND các quận, huyện là cơ quan trực tiếp và chủ yếu thực hiện Chương trình kiên cố hoá - hiện đại hoá trường, lớp học của Thủ đô Hà Nội, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan xây dựng và thực hiện Chương trình kiên cố hoá - hiện đại hoá trường, lớp học trên địa bàn quận, huyện trên cơ sở kết hợp nguồn ngân sách Nhà nước với các nguồn lực huy động trong xã hội; tập trung thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau:
2.1- Ưu tiên dành đất để xây dựng, mở rộng các trường học trên địa bàn; phát hiện các khu đất để hoang hoá không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích, báo cáo với UBND Thành phố để thu hồi theo Chỉ thị 15, phục vụ xây dựng, mở rộng các trường học.
2.2- Di chuyển các hộ dân ra khỏi khuôn viên các trường học thuộc phạm vi quản lý.
2.3- Xây dựng và thực hiện kế hoạch tăng nhanh số trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn Quốc gia.
2.4- Đảm bảo đủ các phòng chức năng trong nhà trường để thực hiện giáo dục toàn diện học sinh; đảm bảo đủ phòng học để toàn bộ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày vào năm 2005, toàn bộ học sinh trung học cơ sở được học 2 buổi/ngày vào năm 2010.
2.5- Chỉ đạo thực hiện xoá toàn bộ phòng học cấp 4 ở tiểu học và trung học cơ sở vào năm 2004; cơ bản xoá phòng học cấp 4 ở mầm non vào năm 2005.
2.6- Chỉ đạo tách riêng cơ sở vật chất các trường học vào năm 2004.
2.7- Chỉ đạo các phòng, ban chức năng và các nhà trường để mua sắm, làm mới trang thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học, tiến tới các trường có trang thiết bị dạy học hiện đại, đồng bộ, được quản lý và sử dụng có hiệu quả.
2.8- Chỉ đạo triển khai Kế hoạch thực hiện Quyết định 161 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non được UBND Thành phố phê duyệt trên địa bàn quận, huyện.
2.9- Có kế hoạch chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường học, kết hợp ngân sách Nhà nước và các nguồn lực huy động từ xã hội.
3- Sở Địa chính Nhà đất: Lập kế hoạch, báo cáo UBND Thành phố:
- Quỹ đất phục vụ việc xây dựng, mở rộng các trường học.
- Quỹ nhà tái định cư phục vụ di chuyển các hộ dân hiện ở trong khuôn viên các trường học, trả lại đất cho trường phục vụ dạy và học, theo đề gnhị của Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND các quận, huyện...
4- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính Vật giá:
- Cân đối nguồn ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực khác ưu tiên phục vụ Chương trình kiên cố hoá - hiện đại hoá trường, lớp của Thủ đô.
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các quận, huyện xây dựng và thực hiện các đề án, kế hoạch, nhiệm vụ phục vụ Chương trình kiên cố hoá - hiện đại hoá trường, lớp học.
- Hướng dẫn, kiểm tra việc huy động, sử dụng các nguồn lực phục vụ Chương trình kiên cố hoá - hiện đại hoá trường, lớp học của Thủ đô.
- Hướng dẫn xây dựng và thẩm định các dự án xây dựng trường học theo yêu cầu của Chương trình kiên cố hoá - hiện đại hoá trường, lớp học ( Quy mô, diện tích, vật liệu, trang thiết bị...).
5- Sở Quy hoạch Kiến trúc:
- Ưu tiên giới thiệu các khu đất trống, đất thu hồi theo Chỉ thị 15 của UBND Thành phố để xây dựng, mở rộng các trường học.
- Quy hoạch xây dựng các khu đô thị mới đảm bảo có trường học các cấp phù hợp theo tiêu chuẩn của trường đạt chuẩn Quốc gia.
- Ưu tiên thẩm định, phê duyệt các dự án liên quan xây dựng, mở rộng trường học.
6- Ban Tổ chức chính quyền Thành phố: chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các quận, huyện:
- Xây dựng cơ chế, chính sách chuyển các trường mầm non nông thôn, các trường mầm non công lập ở nội thành và các thị trấn, khu công nghiệp sang mô hình trường bán công.
- Đề xuất cơ chế, chính sách cho phép các trường chủ động ký kết hợp đồng lao động với các giáo viên, nhân viên trên cơ sở tăng quỹ lương ( bằng các nguồn thu hợp pháp) mà không tăng biên chế và ngân sách Nhà nước.
- Đề xuất cơ chế, chính sách phân cấp quản lý cán bộ ngành giáo dục – đào tạo; đề xuất quy chế tiếp nhận, xét tuyển giáo viên vào ngành giáo dục – đào tạo.
7- Các Sở Công nghiệp, Thương mại, Du lịch, Xây dựng, Giao thông công chính:
- Phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để ngành giáo dục – đào tạo, UBND các quận, huyện thực hiện Chương trình kiên cố hoá - hiện đại hoá trường, lớp học của Thủ đô.
- Vận động các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ đóng góp tiền của, trí tuệ và công sức, góp phần cùng Thành phố triển khai chương trình kiên cố hoá - hiện đại hoá trường, lớp học ở Thủ đô Hà Nội.
8- Các báo, đài phát thanh truyền hình của Hà Nội:
- Tăng số lượng, thời lượng tin bài tuyên truyền, vận động thực hiện Chương trình kiên cố hoá - hiện đại hoá trường, lớp học của Thủ đô Hà Nội.
- Phản ánh, biểu dương kịp thời các điển hình thực hiện tốt Chương trình, phê phán những đơn vị, cá nhân gây cản trở thực hiện Chương trình.
Chương trình kiên cố hoá - hiện đại hoá trường, lớp học là chương trình quan trọng của Thủ đô Hà Nội. UBND Thành phố yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực thực hiện nghiêm Chỉ thị này. Đơn vị, cá nhân thực hiện tốt sẽ được khen thưởng xứng đáng; gây cản trở, chậm trễ hoặc cố tình không thực hiện sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành.
|
TM/ UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
Quyết định 159/2002/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học Ban hành: 15/11/2002 | Cập nhật: 24/12/2009