Chỉ thị 26/2002/CT-UB về việc đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước của thành phố và tăng cường quản lý doanh nghiệp sau cổ phần hóa do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: | 26/2002/CT-UB | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thành phố Hồ Chí Minh | Người ký: | Mai Quốc Bình |
Ngày ban hành: | 17/12/2002 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp, hợp tác xã, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/2002/CT-UB |
TP.Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 12 năm 2002 |
CHỈ THỊ
VỀ ĐẨY MẠNH CỔ PHẦN HÓA CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC CỦA THÀNH PHỐ VÀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP SAU CỔ PHẦN HÓA.
Chủ trương cổ phần hóa là một trong các giải pháp quan trọng để đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, nhằm huy động thêm vốn, tạo động lực mới và phát huy quyền làm chủ thực sự của người lao động trong doanh nghiệp.
Từ khi Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Chỉ thị số 07/1999/CT-UB-KT ngày 24 tháng 3 năm 1999 về đẩy mạnh chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thành phố đến nay, công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước của thành phố đã có những chuyển biến tích cực, đạt một số kết quả nhất định nhưng so với yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, các kết quả đạt được chỉ là bước đầu, cần được bổ sung, hoàn thiện để phát huy hơn nữa.
Để đẩy mạnh việc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước của thành phố và tăng cường quản lý doanh nghiệp sau cổ phần hóa theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-TU ngày 16 tháng 01 năm 2002 của Thành Ủy, các quy định của Chính phủ, các Bộ-Ngành Trung ương và kế hoạch sắp sếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước của thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Chỉ thị như sau :
1. Về thủ tục xác lập sở hữu Nhà nước, giao và chuyển giao tài sản cố định là nhà, xưởng, kho bãi, vật kiến trúc (sau đây gọi tắt là bất động sản) tại các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện cổ phần hóa :
a) Tất cả bất động sản do các cơ quan Nhà nước, các sở-ngành thành phố, Ủy ban nhân dân các quận-huyện, các Tổng Công ty Nhà nước của thành phố, đã tiếp quản từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 và giao cho các doanh nghiệp Nhà nước quản lý sử dụng đúng mục đích sản xuất, kinh doanh, đã hạch toán trong sổ sách của doanh nghiệp Nhà nước, đều thuộc sở hữu Nhà nước, không cần có văn bản xác lập sở hữu Nhà nước, Ủy ban nhân dân thành phố có quyết định giao cho doanh nghiệp cổ phần hóa.
- Giao Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố hướng dẫn cho các doanh nghiệp làm thủ tục giao các bất động sản trên để thực hiện cổ phần hóa theo quy định hiện hành.
- Giám đốc các sở-ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện, Chủ tịch Hội đồng quản trị, các Tổng Công ty Nhà nước của thành phố không được cản trở, giữ lại các bất động sản hiện do các doanh nghiệp Nhà nước đang quản lý và sử dụng ; không được điều động các bất động sản này cho đơn vị khác khi đã có quyết định thực hiện cổ phần hóa của Ủy ban nhân dân thành phố.
b) Các bất động sản do doanh nghiệp Nhà nước sử dụng đúng mục đích sản xuất kinh doanh, đang thuê của các tổ chức quản lý kinh doanh nhà - kho bãi thuộc sở hữu Nhà nước của thành phố và quận-huyện, được xem xét chuyển giao cho các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện cổ phần hóa.
- Giao Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố hướng dẫn cho các doanh nghiệp Nhà nước lập hồ sơ chuyển giao các bất động sản trên để thực hiện cổ phần hóa và trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.
- Giao Chi cục Tài chính doanh nghiệp thành phố thuộc Sở Tài chánh-Vật giá lập thủ tục tăng vốn, tài sản cho doanh nghiệp Nhà nước thực hiện cổ phần hóa và giảm vốn, tài sản của cơ quan, đơn vị chuyển giao theo giá trị đang hạch toán trên sổ sách, không phải định giá lại khi chuyển giao.
c) Các bất động sản do doanh nghiệp Nhà nước sử dụng không đúng mục đích sản xuất kinh doanh, đang bỏ trống hoặc cho các tổ chức, tư nhân thuê lại hoặc nằm trong quy hoạch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố phải giải tỏa trắng không được xem xét giao hoặc chuyển giao khi thực hiện cổ phần hóa. Giao trách nhiệm cho cơ quan quản lý trực tiếp doanh nghiệp Nhà nước thực hiện cổ phần hóa kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố thu hồi và điều động cho doanh nghiệp Nhà nước khác hoặc bàn giao cho Sở Địa chính-Nhà đất theo quy định hiện hành.
d) Các bất động sản giao hoặc chuyển giao cho các doanh nghiệp Nhà nước để thực hiện cổ phần hóa không phải tham khảo ý kiến của Kiến trúc sư Trưởng thành phố hoặc của Ủy ban nhân dân các quận-huyện về quy hoạch.
Giao cơ quan chủ quản doanh nghiệp Nhà nước thực hiện cổ phần hóa, tiến hành kiểm tra theo quy định tại Công văn số 4145/UB-CNN ngày 27 tháng 10 năm 2000 của Ủy ban nhân dân thành phố và có ý kiến bằng văn bản trong vòng 15 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ đề nghị giao hoặc chuyển giao bất động sản của các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện cổ phần hóa. Quá thời hạn này, nếu cơ quan chủ quản doanh nghiệp Nhà nước không có ý kiến, được xem như đồng ý giao hoặc chuyển giao bất động sản để cổ phần hóa.
2. Về việc thuê đất của các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện cổ phần hóa :
- Các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa được ký kết hợp đồng thuê đất theo quyết định giao hoặc chuyển giao bất động sản của Ủy ban nhân dân thành phố, tiền thuê đất, thuê nhà (nếu có) được áp dụng theo khung giá hiện hành như các doanh nghiệp nhà nước khác.
- Đối với doanh nghiệp cổ phần hóa thuê đất của doanh nghiệp Nhà nước khác để xây dựng nhà xưởng, vật kiến trúc sử dụng đúng mục đích sản xuất-kinh doanh, không cho các tổ chức, tư nhân thuê lại thì giao cho Sở Địa chính-Nhà đất trình Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định thu hồi đất của doanh nghiệp cho thuê và giao cho doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa thuê trực tiếp với cơ quan địa chính-nhà đất.
3. Về xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý các vấn đề về tài chính và bán đấu giá cổ phần khi chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần :
a) Việc tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý các vấn đề về tài chính của doanh nghiệp Nhà nước và bán đấu giá cổ phần trước khi chuyển thành Công ty cổ phần, thực hiện theo các Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 64/2002/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ và các văn bản hiện hành của Ủy ban nhân dân thành phố.
Giao Chi cục Tài chính doanh nghiệp thành phố cùng với Thường trực Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố hướng dẫn các vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền xử lý của thành phố hoặc đề nghị Bộ Tài chính giải quyết.
b) Tất cả các bất động sản giao hoặc chuyển giao cho doanh nghiệp Nhà nước khi tiến hành cổ phần hóa đều phải xác định lại giá trị theo giá thị trường. Trước mắt, việc áp giá để tính giá trị nhà xưởng, vật kiến trúc trên đất được thực hiện theo bảng giá chuẩn tối thiểu trị giá nhà và các loại kiến trúc khác ban hành kèm theo các Quyết định số 5184/QĐ-UB-KT ngày 09 tháng 11 năm 1996, Quyết định số 5675/QĐ-UB-KT ngày 24 tháng 10 năm 1998 và Quyết định số 15/2001/QĐ-UB ngày 23 tháng 02 năm 2001 của Ủy ban nhân dân thành phố.
Giao Sở Xây dựng thành phố chủ trì và phối hợp với Sở Tài chánh-Vật giá và các sở-ngành chức năng, soạn thảo bảng giá chuẩn xây dựng theo giá thị trường và trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định, trong thời gian sớm nhất, kể từ ngày nhận được Chỉ thị này.
c) Doanh nghiệp Nhà nước thực hiện cổ phần hóa được ký hợp đồng với các Công ty Tư vấn xây dựng của Nhà nước theo Thông báo số 4663/UB-KT ngày 08 tháng 11 năm 1999 và công văn số 4422/UB-CNN ngày 15 tháng 11 năm 2000 của Ủy ban nhân dân thành phố để đo vẽ lập các bản đồ vị trí, diện tích đất, nhà và xác định giá trị còn lại của nhà, vật kiến trúc khác trên đất.
4. Về chính sách đối với người lao động trong doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa, thực hiện theo Pháp luật lao động, Nghị định số 41/2002/NĐ-CP , Nghị định số 64/2002/NĐ-CP , các Thông tư hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các văn bản hiện hành của Ủy ban nhân dân thành phố.
Giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện và trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, giải quyết (thông qua Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố) các vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền xử lý của thành phố hoặc đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giải quyết.
5. Về việc cử người trực tiếp quản lý phần vốn Nhà nước tại các Công ty cổ phần (còn vốn Nhà nước)
Doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa, có trách nhiệm giới thiệu người trực tiếp quản lý phần vốn Nhà nước tham gia ứng cử vào Hội đồng quản trị khi chuyển sang Công ty cổ phần. Danh sách giới thiệu này phải được Giám đốc, Cấp Ủy và Công đoàn của doanh nghiệp thống nhất đề nghị và do cơ quan chủ quản doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét và quyết định. Giao cơ quan chủ quản doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa chịu trách nhiệm cử người tham gia ứng cử vào Ban Kiểm soát đối với doanh nghiệp Nhà nước chuyển sang Công ty cổ phần còn vốn Nhà nước. Số lượng người được giới thiệu tham gia ứng cử vào Hội đồng quản trị hoặc Ban Kiểm soát phải tương ứng với tỷ lệ vốn Nhà nước trong cơ cấu vốn điều lệ của Công ty cổ phần chuyển thể từ doanh nghiệp Nhà nước.
6. Về thành lập Tổ chuyên trách cổ phần hóa :
Các sở-ngành thành phố, Ủy ban nhân dân các quận-huyện và các Tổng Công ty Nhà nước có doanh nghiệp Nhà nước thực hiện cổ phần hóa, được tiếp tục duy trì Tổ chuyên trách cổ phần hóa do một đồng chí lãnh đạo điều hành, Tổ chuyên trách cổ phần hóa có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố để giải quyết nhanh các vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp và đôn đốc thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch, tiến độ quy định của Ủy ban nhân dân thành phố.
Giao Thường trực Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố hướng dẫn, chỉ đạo các Tổ chuyên trách cổ phần hóa và các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện cổ phần hóa của các sở-ngành thành phố, Ủy ban nhân dân các quận-huyện và các Tổng Công ty Nhà nước thực hiện nhiệm vụ trên.
7. Về tổ chức Tổ tư vấn cổ phần hóa :
Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố tiếp tục duy trì Tổ tư vấn để trực tiếp cùng với doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa giải quyết và xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc về thủ tục, về xây dựng đề án cổ phần hóa…, Thường trực Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố được ký hợp đồng tuyển dụng cán bộ theo yêu cầu nhiệm vụ tư vấn được giao. Kinh phí sử dụng cho hoạt động tư vấn được Ủy ban nhân dân thành phố cấp để thực hiện nhiệm vụ theo quy định hiện hành và không được ký hợp đồng tư vấn trực tiếp với doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa.
8. Về kế hoạch thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước của thành phố :
Giám đốc các sở-ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc các Tổng Công ty Nhà nước của thành phố, căn cứ danh sách các doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc đã được chọn cổ phần hóa trong Kế hoạch số 1461/UB-CNN ngày 06 tháng 5 năm 2002 của Ủy ban nhân dân thành phố, chỉ đạo các doanh nghiệp báo cáo danh sách nhân sự Ban Đổi mới quản lý tại doanh nghiệp, chậm nhất là ngày 31 tháng 01 hàng năm, để trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét và quyết định (thông qua Thường trực Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố).
- Đến hết quý 2 năm 2003, Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố hướng dẫn để thực hiện dứt điểm việc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước đã có quyết định chọn cổ phần hóa từ năm 2002 trở về trước.
- Từ năm 2003 đến năm 2004, phấn đấu hoàn thành cơ bản công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước của thành phố theo yêu cầu của Nghị quyết số 02/NQ.TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố.
9. Về các vấn đề cần tiếp tục giải quyết sau khi doanh nghiệp Nhà nước chuyển thành Công ty cổ phần mà Nhà nước còn tham gia vốn :
a) Về việc tăng giảm vốn điều lệ và thay đổi cơ cấu sở hữu vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa :
Trước khi Công ty cổ phần tăng giảm vốn điều lệ hoặc thay đổi cơ cấu sở hữu vốn Nhà nước, người trực tiếp quản lý phần vốn Nhà nước phải báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố để có ý kiến tại các cuộc họp Hội đồng quản trị hoặc Đại hội cổ đông. Riêng đối với Công ty cổ phần mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối, phải thực hiện đúng theo các nội dung đã quy định tại Điều 52 của Luật doanh nghiệp nhà nước. Sau khi đã hoàn thành các nội dung này, Công ty cổ phần thực hiện việc tăng giảm vốn điều lệ theo quy định của pháp luật.
b) Ủy ban nhân dân thành phố Ủy quyền cho các Tổng Công ty của thành phố làm đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước để quản lý phần vốn Nhà nước tại các Công ty cổ phần (kể cả người trực tiếp quản lý phần vốn Nhà nước) và chỉ đạo các Công ty cổ phần xử lý phần tài sản và công nợ khó đòi đã được loại ra khỏi giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa và báo cáo cho Chi cục Tài chính doanh nghiệp thành phố.
Giao Chi cục Tài chính doanh nghiệp thành phố hướng dẫn các Tổng Công ty lập báo cáo các nội dung trên và tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Tài chính.
Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Giám đốc các sở-ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc các Tổng Công ty Nhà nước của thành phố, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, có trách nhiệm chỉ đạo triển khai, kiểm tra, đôn đốc và tích cực tổ chức thực hiện có kết quả Chỉ thị này. Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 07/1999/CT-UB-KT ngày 24 tháng 3 năm 1999 của Ủy ban nhân dân thành phố thành phố Hồ Chí Minh về đẩy mạnh chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước năm 1999. Những quy định trước đây của Ủy ban nhân dân thành phố trái với Chỉ thị này đều bãi bỏ.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cơ quan, đơn vị có liên quan cần thường xuyên báo cáo tình hình, kết quả thực hiện, khó khăn, vướng mắc và đề xuất các biện pháp cụ thể về Thường trực Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, giải quyết kịp thời./.
Nơi nhận : |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Nghị định 64/2002/NĐ-CP về việc chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần Ban hành: 19/06/2002 | Cập nhật: 17/09/2012
Nghị định 41/2002/NĐ-CP về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước Ban hành: 11/04/2002 | Cập nhật: 30/08/2012
Quyết định 15/2001/QĐ-UB về việc đổi tên Tuần báo thể thao văn hoá Hà Nội thành Tuần Báo Thể thao ngày nay do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành Ban hành: 11/04/2001 | Cập nhật: 23/12/2009
Quyết định 15/2001/QĐ-UB về Quy định dạy thêm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng Ban hành: 19/03/2001 | Cập nhật: 10/07/2012
Quyết định 15/2001/QĐ-UB về chia tách và thành lập thôn mới do Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Ban hành: 08/03/2001 | Cập nhật: 21/06/2012
Quyết định 15/2001/QĐ-UB điểu chỉnh bảng giá chuẩn tối thiểu trị giá nhà và các loại kiến trúc khác để tính lệ phí trước bạ ban hành tại Quyết định 5184/QĐ-UB-KT năm 1996 và Quyết định 5675/QĐ-UB-KT năm 1998 do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Ban hành: 23/02/2001 | Cập nhật: 05/01/2013
Chỉ thị 07/1999/CT-UB-KT về đẩy mạnh chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thành phố năm 1999 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Ban hành: 24/03/1999 | Cập nhật: 18/10/2008
Quyết định 5675/QĐ-UB-KT năm 1998 về bảng giá chuẩn tối thiếu trị giá xây dựng các loại kiến trúc để tính lệ phí trước bạ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Ban hành: 24/10/1998 | Cập nhật: 18/10/2008
Quyết định 5184/QĐ-UB-KT năm 1996 ban hành bảng giá chuẩn tối thiểu trị giá nhà để tính lệ phí trước bạ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Ban hành: 09/11/1996 | Cập nhật: 13/05/2009