Chỉ thị 25/CT-UBND năm 2008 tăng cường công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm
Số hiệu: 25/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận Người ký: Trần Xuân Hòa
Ngày ban hành: 01/09/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/CT-UBND

Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 01 tháng 9 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TIÊM PHÒNG CHO ĐÀN GIA SÚC, GIA CẦM

Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong cả nước đang diễn biến phức tạp, bao gồm bệnh lở mồm long móng, bệnh tai xanh heo và bệnh cúm trên đàn gia cầm. Trong khi đó kết quả tiêm phòng các loại vắcxin đợt I năm 2008 trên địa bàn tỉnh đã kết thúc và kết quả đạt được như sau: đàn gà tiêm 207.746 con, đạt tỷ lệ 86,56%; đàn vịt tiêm 324.964 con, đạt tỷ lệ 90,02%; trâu, bò tiêm 50.575 con, đạt tỷ lệ 55,58%; đàn heo tiêm 32.115 con, đạt tỷ lệ 79,32%. Kết quả này chưa đạt so với kế hoạch đề ra, nhất là đối với đàn gia súc vì vậy phải tổ chức tiêm phòng bổ sung.

Để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 2349/CT-BNN-TY ngày 06 tháng 8 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đẩy mạnh công tác tiêm phòng vắcxin cho gia súc, gia cầm; đồng thời đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh có hiệu quả, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận, hệ thống truyền thanh địa phương và đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân nắm bắt, hiểu rõ về lợi ích của công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm; đồng thời phổ biến tình hình dịch bệnh và tác hại của chúng ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân để mọi người nhận biết, cùng tham gia phối hợp với chính quyền và cơ quan chuyên môn trong việc phòng, chống dịch có hiệu quả.

2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng với Sở Tài chính xây dựng kế hoạch tiêm phòng của tỉnh đối với các bệnh thuộc danh mục phải tiêm phòng bắt buộc theo quy định tại Quyết định số 63/2005/QĐ-BNN ngày 13 tháng 10 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số bệnh nguy hiểm thường xảy ra tại địa phương để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cấp kinh phí cho công tác tiêm phòng nhằm tránh thiệt hại do tiêu hủy gia súc, gia cầm cũng như phải hỗ trợ ngân sách do dịch bệnh gây ra.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc liên quan phối hợp với Chi cục Thú y tổ chức triển khai kế hoạch tiêm phòng, bao gồm: tổ chức tập huấn kỹ thuật, cung ứng vắcxin và các phương tiện cần thiết phục vụ cho công tác tiêm phòng; đồng thời chỉ đạo chính quyền thôn, bản, xã, phường, thị trấn thường xuyên đôn đốc, giám sát, cùng với cán bộ thú y cơ sở thực hiện tốt công tác tiêm phòng định kỳ và tiêm phòng bổ sung cho số gia súc, gia cầm trong diện phải tiêm phòng mà chưa được tiêm phòng hoặc trong đợt tiêm phòng vừa qua còn sót lại.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thú y chuẩn bị các điều kiện để vận chuyển, nhập và bảo quản lượng vắcxin cần thiết thuộc những bệnh phải tiêm phòng bắt buộc và một số bệnh thường xảy ra trên địa bàn để triển khai tiêm phòng định kỳ và tiêm phòng bổ sung.

5. Chi cục Thú y hướng dẫn Trạm Thú y các huyện, thành phố lập sổ theo dõi công tác tiêm phòng, tuyệt đối không cấp giấy kiểm dịch cho chủ gia súc, gia cầm không chấp hành việc tiêm phòng bắt buộc cũng như không thực hiện việc hỗ trợ kinh phí khi có dịch xảy ra theo Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05 tháng 6 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ; báo cáo tiến độ thực hiện, hằng tuần, tháng, quý bằng văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn biết, chỉ đạo.

Để khống chế, ngăn chặn có hiệu quả, giảm thiệt hại trong chăn nuôi và ô nhiễm môi trường do phải tiêu hủy gia súc mắc bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tiết kiệm ngân sách Nhà nước do phải hỗ trợ chăn nuôi khi có gia súc, gia cầm bị tiêu hủy do dịch bệnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các cấp chính quyền địa phương cơ sở và nhân dân trong tỉnh thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc kịp thời báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Xuân Hòa