Chỉ thị 25/CT-UB năm 1996 về thực hiện chuyển đổi giống lúa có giá trị xuất khẩu trong vụ Đông Xuân 1996 - 1997
Số hiệu: | 25/CT-UB | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh An Giang | Người ký: | Nguyễn Hoàng Việt |
Ngày ban hành: | 06/08/1996 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số : 25/CT-UB |
Long Xuyên, ngày 06 tháng 8 năm 1996 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHUYỂN ĐỔI GIỐNG LÚA CÓ GIÁ TRỊ XUẤT KHẨU TRONG VỤ ĐÔNG XUÂN 1996 - 1997
Năm 1996, tỉnh ta đạt sản lượng gần 2,3 triệu tấn lúa, đã góp phần không nhỏ trong việc điều hoà lương thực chung trong cả nước và tạo ra sản lượng hàng hoá ngày càng lớn tham gia xuất khẩu.
Tuy nhiên, việc sản xuất của bà con nông dân trong tỉnh, chủ yếu mới đi vào phát triển số lượng, sản xuất với những giống lúa có năng suất cao, như MTL 58, IR 50404 ... ít quan tâm đến chất lượng sản phẩm làm ra, dẫn đến giá bán thấp, thu nhập trên một ha, thường thấp hơn so các giống lúa mới có phẩm cấp cao để xuất khẩu (như trong năm qua, vụ đông xuân chỉ có 37% là giống mới, vụ hè thu 1996 cũng ở tỷ lệ khoảng dưới 30%...)
Năm 1997 trở đi, Tỉnh chủ trương: Phải đồng loạt thay đổi cơ cấu giống lúa mới, có năng suất, chất lượng cao; ngay trong vụ đông xuân 1996 – 1997 phải đạt đến 70 đến 80% diện tích trồng các giống mới. Để thực hiện được chủ trương này Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị cho các ngành, các cấp thực hiện ngay những vấn đề liên quan như sau :
1- Khẩn trương kiểm tra lại lượng giống lúa mới tồn trong dân, trên cơ sở đó phát động trong dân tự trao đổi giống mới, đây là biện pháp chủ yếu và cấp bách nhằm thực hiện chủ trương của Tỉnh.
Để làm công việc này, phải lấy ấp và tổ liên kết sản xuất là cấp tổ chức kiểm tra lại lượng giống mới và điều hoà, trao đổi giống. Chính quyền Xã nhất thiết phải tổ chức họp các tổ liên kết và các ấp lại, giao nhiệm vụ cụ thể thực hiện công tác này và xã phải tập hợp báo cáo lên huyện, thị lượng giống mới, chủng loại giống hiện còn trong dân (theo biểu mẫu đính kèm) và chỉ đạo điều hoà lượng giống trong địa bàn xã, thị trấn quản lý.
Thời gian chậm nhất vào 20/9/1996, UBND các huyện phải báo cáo về tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT) lượng giống mới còn tồn trong dân và kế hoạch của từng xã về thực hiện chuyển đổi giống mới vụ đông xuân 1996 – 1997.
2- Giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT, Công ty Lương thực tỉnh, UBND các huyện thị phối hợp với đoàn thể, tổ chức thực hiện công tác khuyến nông về đổi giống mới trên địa bàn từng huyện, xã và các ấp trọng điểm sản xuất lúa. Khuyến cáo, động viên nhân dân không bán lúa giống mới làm lúa thịt, mà hướng dẫn chọn lọc, phơi rê... để lại làm giống cho vụ đông xuân.
3- Sau khi tổng hợp số lượng giống mới có trong dân, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các huyện thị xây dựng kế hoạch cân đối, điều hoà lượng giống mới trên địa bàn huyện thị và vùng sản xuất, nếu thiếu phải có biện pháp mua nhanh giống mới về tỉnh, đảm bảo giống mới tới tận tay người sản xuất.
4- Ngân hàng phát triển Nông nghiệp, có kế hoạch ưu tiên cho vay vốn đối với các hộ đổi giống mới và sản xuất giống mới trong vụ đông xuân.
5- Công ty Lương thực, Cục thuế tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp &PTNT nghiên cứu và sớm ban hành kế hoạch mua lúa và thu thuế nông nghiệp năm 1997, với mặt bằng giá là lúa xuất khẩu
Trên đây là một số công tác trọng tâm, cần tổ chức thực hiện cho xong từ nay đến trước khi vào thời vụ xuống giống đông xuân (tháng 10-11/1996). Căn cứ vào nhiệm vụ được giao, các Sở, Ngành và Chính quyền các cấp cần nghiêm chỉnh thực hiện chỉ thị này. Hàng tuần huyện, thị phải báo cáo kết quả thực hiện chuyển đổi giống lúa mới về Thường trực UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp & PTNT.
Nơi nhận: |
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG |