Chỉ thị 25/2008/CT-UBND tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
Số hiệu: | 25/2008/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Tiền Giang | Người ký: | Phan Văn Hà |
Ngày ban hành: | 03/11/2008 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tố tụng và các phương thức giải quyết tranh chấp, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/2008/CT-UBND |
Mỹ Tho, ngày 03 tháng 11 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
Sau hơn mười năm thực hiện Pháp lệnh Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, công tác hòa giải ở cơ sở đã được các ngành, các cấp quan tâm. Tất cả các ấp, khu phố đã thành lập, củng cố, kiện toàn tổ hòa giải và đi vào hoạt động ổn định; nhiều mâu thuẫn, xích mích nhỏ trong nhân dân đã được các tổ hòa giải, tổ viên tổ hòa giải giải quyết kịp thời, tỷ lệ hòa giải thành hàng năm đạt trên 70%, đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật, hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp, giảm bớt các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Nhà nước, phát huy dân chủ ở cơ sở, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư.
Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến vị trí, vai trò quan trọng của công tác hòa giải, một số tổ hòa giải hoạt động còn mang tính hình thức. Trong hòa giải chưa kiên trì vận động, thuyết phục thấu lý, đạt tình. Kỹ năng hòa giải còn hạn chế; công tác quản lý Nhà nước về hoạt động hòa giải chưa được chú trọng; kinh phí phục vụ công tác hòa giải còn ít, việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải cho các hòa giải viên chưa thường xuyên.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Tiếp tục thực hiện Pháp lệnh Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở và Quyết định 21/1999/QĐ-UB ngày 07/9/1999 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy chế tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở. Củng cố, kiện toàn tổ hòa giải đúng thành phần, đảm bảo mỗi ấp, khu phố tối thiểu có một tổ hòa giải.
2. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật các cấp quán triệt ý nghĩa, vai trò quan trọng của công tác hòa giải, nội dung Pháp lệnh Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở và các văn bản pháp luật có liên quan.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Người cao tuổi, Hội Luật gia có sự phối hợp chặt chẽ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho thành viên, hội viên tham gia vào hoạt động hòa giải; tích cực giúp đỡ, tạo điều kiện về nhân lực và tinh thần đối với công tác hòa giải ở cơ sở. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đoàn viên, hội viên của mình bằng nhiều hình thức thích hợp gắn với triển khai thực hiện đầy đủ các quy định trong Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Gắn công tác hòa giải với việc nâng cao chất lượng các phong trào: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội...
4. Đài Phát thanh - Truyền hình và đề nghị Báo Ấp Bắc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác hòa giải ở cơ sở trên các phương tiện thông tin, đại chúng. Thường xuyên đưa tin về kết quả hoạt động hòa giải ở cơ sở, giới thiệu những gương điển hình và kết quả hoạt động trong công tác hòa giải ở cơ sở.
5. Sở Tư pháp có trách nhiệm:
- Phối hợp với các sở, ngành tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn về tổ chức và hoạt động hòa giải trong phạm vi mình phụ trách;
- Thường xuyên phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện hướng dẫn, tập huấn kỹ năng hòa giải và kiến thức pháp luật để nâng cao nghiệp vụ cho các hòa giải viên;
- Tổ chức các hội thi, trao đổi kinh nghiệm giữa các hòa giải viên, có kế hoạch cung cấp tài liệu đầy đủ cho các tổ hòa giải;
- Biên soạn các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tuyên truyền pháp luật phục vụ cho công tác hòa giải ở cơ sở.
- Hàng năm tiến hành sơ kết, định kỳ tổng kết và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp về công tác hòa giải ở cơ sở; tổ chức thi đua, khen thưởng công tác hòa giải ở địa phương.
6. Sở Tài chính phối hợp với Sở Tư pháp hướng dẫn mức chi cụ thể cho các hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật.
7. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm:
- Tiếp tục quán triệt quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải cơ sở và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm nâng cao nhận thức của các Cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị, xã hội ở địa phương về công tác hòa giải ở cơ sở;
- Chỉ đạo Phòng Tư pháp phân công cán bộ trực tiếp theo dõi hoạt động của công tác hòa giải ở cơ sở, theo dõi nắm bắt trình độ, năng lực thực tiễn, quá trình hoạt động của tổ hòa giải, tổ viên và tổ trưởng tổ hòa giải, đề xuất với Ủy ban nhân dân cùng cấp giải quyết những khó khăn, vướng mắc về tổ chức và cơ chế hoạt động của tổ hòa giải.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã:
+ Tiến hành rà soát đội ngũ hòa giải viên trên địa bàn mình phụ trách, kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở địa phương theo hướng mỗi ấp, khu phố đều có tối thiểu một tổ hòa giải, tiêu chuẩn và thành phần hòa giải viên, trình tự, thủ tục đúng quy định tại Quyết định số 21/1999/QĐ.UB của Ủy ban nhân dân tỉnh, bảo đảm có sự tham gia của hội viên Hội Nông dân vào công tác hòa giải ở cơ sở;
+ Thường xuyên kiểm tra hoạt động công tác hòa giải ở cơ sở, kịp thời chỉ đạo thay đổi những hòa giải viên không đủ tiêu chuẩn, không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả. Tiếp tục kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn;
+ Bố trí trong dự toán chi cân đối từ nguồn ngân sách địa phương hàng năm để hỗ trợ cho hoạt động hòa giải như: chi mua giấy viết, thù lao cho hòa giải viên… để khuyến khích, động viên các hòa giải viên;
+ Hàng năm báo cáo kết quả về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở về Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức pháp luật cho các hòa giải viên;
- Hàng năm tiến hành sơ kết, định kỳ tổng kết công tác hòa giải ở địa phương và báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Tư pháp; tổ chức thi đua, khen thưởng công tác hòa giải của Tổ hòa giải ở địa phương.
8. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:
- Thường xuyên rà soát đội ngũ hòa giải viên trên địa bàn mình phụ trách, kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở địa phương theo đúng tiêu chuẩn và thành phần quy định;
- Thường xuyên kiểm tra hoạt động công tác hòa giải ở cơ sở, kịp thời hướng dẫn, uốn nắn các sai sót đảm bảo hoạt động hòa giải cơ sở đạt hiệu quả cao;
- Hàng năm, cần bố trí trong dự toán chi cân đối từ nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ cho các hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã tổ chức thực hiện tốt các nội dung Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo thực hiện.
Giao Sở Tư pháp phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh theo dõi việc triển khai thực hiện Chỉ thị này./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |