Chỉ thị 23/2003/CT-UB tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội do tỉnh Bình Dương ban hành
Số hiệu: | 23/2003/CT-UB | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bình Dương | Người ký: | Hồ Minh Phương |
Ngày ban hành: | 31/10/2003 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Văn hóa , thể thao, du lịch, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23/2003/CT-UB |
Bình Dương, Ngày 31 tháng 10 năm 2003 |
CHỈ THỊ
V/V TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CUỘC VẬN ĐỘNG THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG, LỄ HỘI
Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII), Chỉ thị số 14/1998/CT-TTg ngày 28/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc “thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”, Chỉ thị số 01-CT/TU ngày 14/2/1998 của Tỉnh ủy Bình Dương về việc “thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và nâng cao chất lượng cuộc vận động xây dựng cuộc sống mới” trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định, bước đầu hình thành những phong tục tập quán mới tiến bộ, lành mạnh trong việc cưới, việc tang, lễ hội góp phần ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ đảng viên, công chức và nhân dân. Ý thức thực hành tiết kiệm và một số nghi thức mới tiến bộ, lành mạnh trong tổ chức việc cưới, việc tang đang dần dần được hình thành ở một bộ phận dân cư. Hoạt động lễ hội đã được quản lý đi vào nề nếp, một số địa phương như ở huyện Dĩ An đã tổ chức tốt lễ trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, nhiều địa phương đã quy hoạch xây dựng nghĩa trang, phát triển hình thức hỏa táng. Tuy nhiên, nhìn chung việc cưới, việc tang theo nếp sống mới văn minh, lành mạnh chuyển biến còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Tổ chức việc tang đối với cán bộ công chức và gia đình cán bộ, công chức còn để lãng phí tràng hoa, kép dài thời gian; một số đám cưới tổ chức linh đình, lãng phí; hiện tượng mê tín dị đoan (xem ngày, xem tuổi) trong việc cưới, việc tang vẫn còn khá phổ biến trong một bộ phận nhân dân và cán bộ, công chức; hiện tượng lãng phí lẳng hoa còn diễn ra ở một số ngành, địa phương khi tổ chức lễ đón nhận huân chương, kỷ niệm ngày truyền thống, tổng kết hàng năm…Nguyên nhân của tình hình trên là do một bộ phận cán bộ đảng viên, đoàn viên chưa gương mẫu; một số cán bộ, công chức, viên chức chưa chấp hành nghiêm chỉnh Chỉ thị của Bộ Chính trị, của Thủ tướng Chính phủ và của Tỉnh ủy về việc cưới, việc tang, lễ hội.
Để tiếp tục thực hiện sâu rộng, hiệu quả hơn cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị 14/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 01-CT/TU của Tỉnh ủy, kiên quyết đấu tranh loại bỏ các hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, UBND tỉnh Chỉ thị:
1/ Các sở, ban ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các cấp phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tổ chức xã hội có trách nhiệm tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và công dân thuộc hệ thống quản lý của ngành đơn vị mình thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Không phô trương hình thức, ganh đua, lãng phí, ăn uống linh đình, ảnh hưởng đến trận tự an ninh, an toàn xã hội. Phê phán, xử lý nghiêm túc, kịp thời và kiên quyết đối với hành vi vi phạm. Trước mắt, trong năm 2003, Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh chỉ đạo hướng dẫn các địa phương sơ kết phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa năm 2003, gắn với kiểm điểm đánh giá 5 năm triển khai Chỉ thị 27-CT/TW của Đảng và Chỉ thị 14/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 01-CT/TU của Tỉnh ủy về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.
2/ Về việc cưới:
a) Công dân khi tổ chức cưới cho bản thân hoặc cho con, cháu phải thực hiện đúng Luật Hôn nhân và Gia đình, các Chỉ thị 27-CT/TW của Đảng và Chỉ thị 14/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức việc cưới văn minh, tiết kiệm, chống xa hoa, trục lợi và chống các hủ tục.
b) Cán bộ, đảng viên, viên chức giải gương mẫu trong việc tổ chức cưới, không mời nhiều người, không chọn khách sạn, nhà hàng sang trọng, đắt tiền; không lợi dụng việc cưới để trục lợi; nghiêm cấm dùng công quỹ làm quà mừng cưới dưới mọi hình thức; không mời cán bộ, công chức, viên chức dự cưới trong giờ làm việc.
3/ Về việc tang:
a) Cán bộ, đảng viên, công chức, công dân khi tổ chức đám tang phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật, quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường; tang lễ tổ chức trang trọng, chống các hủ tục, mê tín dị đoan.
Tiếp tục tổ chức quán triệt cho cán bộ công chức, viên chức tinh thần nội dung Nghị định số 62/2001/NĐ-CP ngày 12/9/2001 của Chính phủ về việc ban hành qui chế “tổ chức lễ tang đối với cán bộ công chức, viên chức từ trần cần tổ chức chu đáo các nghi thức lễ tang đã được quy định trong Nghị định. Các đoàn đến viếng vòng hoa cần thực hiện đúng điều 44 Qui chế của Chính phủ. Cụ thể là “Ban tổ chức lễ tang chuẩn bị không quá 10 vòng hoa luân chuyển, các đoàn đến viếng mang theo băng giải đen kích thước 1,2m x 0,2m, có dòng chữ trắng “Vô cùng thương tiếc ông (bà) …” để gắn vào vòng hoa do ban tổ chức lễ tang chuẩn bị”.
b) Ủy ban nhân dân các cấp phải có quy hoạch nghĩa trang và nghĩa địa bảo đảm vệ sinh môi trường, cảnh quan như một công trình văn hóa. Nghĩa địa phải quy hoạch biệt lập với các khu dân cư, công sở, trường học, bệnh viện, các công trình văn hóa, các khi công nghiệp, các công trình quân sự, các nguồn nước, các điểm di chỉ khảo cổ…, tuyệt đối tránh gây ô nhiễm. Cần hết sức tiết kiệm đất đai, vận động giáo dục và khuyến khích nhân dân áp dụng các hình thức hỏa táng, điện táng, tiến tới bãi bỏ hình thức địa táng; không xây nhà mồ, phần mộ phô trương hình thức, lãng phí, chiếm nhiều điện tích đất đai. Nghiêm cấm an táng, xây nhà mồ, phần mộ trong khu dân cư hoặc trên đất canh tác.
4/ Về lễ hội:
a) Các hoạt động lễ hội nhằm thỏa mãn nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân, nên phải có tính văn hóa, có hiệu quả thiết thực. Lễ hội phải là một nội dung của chương trình hoạt động văn hóa – du lịch. Chống khuynh hướng thương mại hóa lễ hội. Không gian lễ hội phải thật sự văn hóa. Nghiêm cấm các hoạt động mê tín dị đoan, ăn xin, ép khách mua hàng hoá trong lễ hội. Phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi trộm cắp, mại dâm, ma túy, cờ bạc, say rượu, gây gỗ và những hành vi tiêu cực khác tại các lễ hội.
b) Các địa phương khi cho phép tổ chức lễ hội cần thực hiện đúng theo qui chế tổ chức quản lý lễ hội được ban hành theo Quyết định số 39/2001/QĐ-BVHTT ngày 23/8/2001 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin, các lễ hội khi tổ chức phải có ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, nội dung và hình thức riêng, phát huy được truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phải có tính độc đáo, tránh dập khuôn cả về nội dung và hình thức.
Giao Ủy ban nhân dân thị xã Thủ Dầu Một chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể kiểm điểm, đánh giá rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, tổ chức quản lý lễ hội Chùa Bà Thiên hậu trong thời gian qua; tiếp tục tăng cường các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả, nội dung, hình thức lễ hội theo hướng văn minh, lành mạnh, vui tươi và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
c) Các cơ quan Đảng, Nhà nước, Đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị lực lượng vũ trang khi tổ chức các hoạt động kỷ niệm, ngày truyền thống, sơ kết, tổng kết, đón nhận huân chương…cần hết sức tiết kiệm, hạn chế việc gửi lẳng hoa mà thay bằng thư chúc mừng.
5/ Phân công trách nhiệm:
a) Ban thi đua - khen thưởng tỉnh cùng với Sở Văn hóa – Thông tin, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, phối hợp bổ sung các qui định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội vào tiêu chuẩn bình xét các danh hiệu thi đua khen thưởng, bình xét công nhận gia đình văn hóa, khu ấp, đơn vị văn hóa.
b) Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn việc thực hiện đăng ký kết hôn văn minh, theo đúng Luật Hôn nhân và Gia đình.
c) Sở Văn hóa – Thông tin phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức đợt sinh hoạt học tập phổ biến cho cán bộ, công chức, viên chức các qui định của nhà nước về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; nghiên cứu xây dựng những mô hình tổ chức lễ cưới, lễ tang phù hợp (chú ý đặc trưng văn hóa, hoàn cảnh lịch sử, địa lý của từng địa phương), để hướng dẫn thực hiện. Nghiên cứu, chỉnh lý các mô hình lễ hội truyền thống, lễ hội cổ truyền và xây dựng các mô hình lễ hội hiện tại, để nâng cao bản sắc dân tộc và tính văn hóa của hoạt động lễ hội.
Thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo tuyên truyền, giới thiệu, biểu dương những tấm gương tốt về thực hiện việc cưới, việc tang, lễ hội; phê phán nghiêm khắc, cụ thể những biểu hiện tiêu cực trong việc cưới, việc tang, lễ hội.
d) Các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình cần tiếp tục có chương trình cụ thể, nhằm tích cực tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị số 27-CT/TW của Đảng, Chỉ thị số 14/1998/CT-TTg và ý kiến chỉ đạo tại Chỉ thị này; biểu dương những cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức cá nhân gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội; phê phán nghiêm khắc đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương, cá nhân vi phạm, tạo thành dư luận xã hội, hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.
đ) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, Ủy ban nhân dân các cấp cần tăng cường trách nhiệm quản lý, giám sát, chỉnh đốn và xử lý kịp thời việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo tinh thần nội dung Chỉ thị số 27-CT/TW của Đảng, Chỉ thị số 14/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
e) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với Ban Tôn giáo Chính quyền tỉnh, các sở, ngành, các đoàn thể, lồng ghép nội dung tuyên truyền giáo dục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội vào phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; có các hình thức thích hợp tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân, các chức sắc tôn giáo, các tổ chức quản lý cơ sở tín ngưỡng dân gian tham gia thực hiện cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.
Chỉ thị này được phổ biến sâu rộng đến cán bộ công chức, viên chức và trong mọi tầng lớp nhân dân./.
Nơi nhận: |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN |
Quyết định 39/2001/QĐ-BVHTT ban hành Quy chế Tổ chức lễ hội do Bộ trưởng Bộ Văn hoá- Thông tin ban hành Ban hành: 23/08/2001 | Cập nhật: 24/11/2010
Nghị định 62/2001/NĐ-CP ban hành Quy chế tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước khi từ trần Ban hành: 12/09/2001 | Cập nhật: 23/03/2013
Chỉ thị 14/1998/CT-TTg về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội Ban hành: 28/03/1998 | Cập nhật: 07/12/2009