Chỉ thị 23/2002/CT-BGTVT về tăng cường công tác quản lý đầu tư và xây dựng cơ bản trong giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
Số hiệu: 23/2002/CT-BGTVT Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải Người ký: Đào Đình Bình
Ngày ban hành: 03/12/2002 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 25/12/2002 Số công báo: Số 65
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Giao thông, vận tải, Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 23/2002/CT-BGTVT

Hà Nội, ngày 03 tháng 12 năm 2002

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG TRONG GIAO THÔNG VẬN TẢI

Thực hiện quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999; Quy chế đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định số 88/1999/NĐ - CP ngày 01/9/1999 của Chính Phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ban hành một số văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế quản lý đầu tư và xây dựng, quy chế đấu thầu áp dụng trong lĩnh vực GTVT.

Thực hiện Quyết định số 273/QĐ - TTg ngày 12 tháng 4 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra quản lý đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng đất đai, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành kế hoạch số 1518/KH - BGTVT ngày 7/5/2002 về việc kiểm tra quản lý đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng đất đai trong ngành GTVT. Kết quả kiểm tra cho thấy, các cơ quan, đơn vị trong ngành đã cơ bản thực hiện đúng và có kết quả công tác quản lý đầu tư xây dựng, từ chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, kết thúc xây dựng đến bàn giao đưa dự án vào khai thác sử dụng. Tuy nhiên cũng còn nhiều thiếu sót, tồn tại ở mọi khâu trong quản lý đầu tư xây dựng như: chất lượng khảo sát thiết kế chưa cao; nhiều hạng mục bổ sung, phát sinh lớn trong quá trình thực hiện đầu tư làm tăng tổng mức đầu tư (TMĐT) so với TMĐT được duyệt nhưng không làm đầy đủ các thủ tục như đề nghị điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi, điều chỉnh giá trị hợp đồng, bổ sung và bố trí nguồn vốn tăng thêm đã cho thiết kế kỹ thuật(TKKT), đấu thầu, thi công dẫn đến việc thiếu vốn, không bảo đảm tiến độ thực hiện dự án gây dư luận xã hội không tốt cho ngành; tổ chức đấu thầu xây lắp chưa thực hiện đầy đủ thủ tục quy định tại Nghị định số 88/1999/NĐ - CP ngày 01/9/1999 của Chính phủ; công tác thẩm định TKKT, dự toán chưa thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước; công tác giám sát thi công và thi công ở một số dự án còn nhiều sai sót ảnh hưởng đến chất lượng công trình; một số bộ phận công trình sau khi đưa vào khai thác bộ lộ chất lượng kém. Công tác giám định đầu tư chưa được chú trọng đúng mức, nhất là đối với các dự án giao thông do địa phương làm chủ đầu tư.

Để thực hiện tốt việc quản lý đầu tư và xây dựng trong ngành GTVT, khắc phục triệt để các tồn tại, thiếu sót đã nêu trên, Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ thị:

1. Các cơ quan trực thuộc Bộ, căn cứ chức năng, nhiệm vụ rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật mà Bộ đã ban hành, kịp thời tham mưu cho Bộ sửa đổi, bổ sung cho đúng các quy định hiện hành của Nhà nước; Tổ chức phổ biến, hướng dẫn các Chủ dự án, Sở GTVT (GTCC), tổ chức tư vấn, nhà thầu trong ngành thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng, các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật của Nhà nước.

2. Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở GTVT (GTCC), phải tổ chức phổ biến, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng, các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng trong ngành Giao thông vận tải, phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện và chấn chỉnh cá sai sót theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình.

3. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện công tác thẩm định TKKT, dự toán phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Nghị định 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ; Quyết định số 17/2000/QĐ-BXD ngày 02/8/2000 của Bộ trưởng Bộ xây dựng về quy định quản lý chất lượng công trình. Cơ quan có thẩm quyền chỉ được phê duyệt TKKT, dự toán khi hồ sơ thẩm định dã đầy đủ, theo đúng quy định của Nhà nước.

4. Các chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư khi tổ chức đấu thầu các dự án phải thực hiện đầy đủ các thủ tục quy định tại Quy chế đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999, Nghị định số 14/2000/NĐ-CP ngày 20/5/2000 của Chính phủ. Đặc biệt tổ chức đánh giá hồ sơ dự thầu phải thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc; không được phân công những người không đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, kém phẩm chất hoặc đã có các sai sót trong đánh giá hồ sơ dự thầu trước đây làm thành viên tổ tư vấn đánh gia hồ sơ dự thầu. Phải xử lý nghiêm những người vi phạm trong quá trình tổ chức chấm thầu.

5. Các tổ chức tư vấn khảo sát thiết kế phải tự sắp xếp lại tổ chức, sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng công tác khảo sát thiết kế, phải chịu trách nhiệm về nội dung tư vấn. Những phát sinh, thay đổi, bổ sung khảo sát TKKT do lỗi chủ quan phải được quy rõ trách nhiệm cho cá nhân, tổ chức và phải bị xử lý hành chính, hình sự theo quy định của pháp luật.

6. Công tác tư vấn giám sát (TVGS) phải được chấn chỉnh. Vụ TCCB-LĐ, Vụ KHCN, Cục giám định và QLCLCTGT nghiên cứu sớm trình Bộ ban hành tiêu chuẩn cụ thể về TVGS; trong đó chỉ có những người đủ tiêu chuẩn về đạo đức, nghề nghiệp mới được đào tạo thành giám sát viên. Giám sát viên ký xác nhận cho nhà thầu sai thì phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra, tùy theo tính chất, mức độ sai phạm mà bị xử lý hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nghiêm cấm các chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư sử dụng TVGS không đúng quy định của Bộ.

7. Các nhà thầu xây lắp phải tự củng cố hệ thống quản lý chất lượng công trình của mình để đảm bảo thi công đúng quy trình, quy phạm, đúng thiết kế kỹ thuật, đảm bảo chất lượng. Nghiêm cấm nghiệm thu thanh toán hạng mục công trình hay công trình mà chưa có đầy đủ các chứng chỉ xác nhận chất lượng công trình theo quy định.

8. Giao Vụ KH-ĐT chủ trì và phối hợp với Vụ KH-CN, Vụ pháp chế vận tải, Cục giám định và QLCLCTGT soạn thảo và trình Bộ trưởng ban hành "Quy chế Quản lý các dự án đầu tư và xây dựng thuộc Bộ GTVT".

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, giám đốc Sở GTVT (GTCC) trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức triển khai thực hiện ngay Chỉ thị này, báo cáo kết quả thực hiện bằng văn bản về Bộ GTVT (qua Thanh tra Bộ để tổng hợp) trước 31/12/2002 và định kỳ sáu tháng, một năm có báo cáo kết quả thực hiện.

 

 

Đào Đình Bình

(Đã ký)