Chỉ thị 22/CT-UBND năm 2009 tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục cơ sở trung học đến năm 2010
Số hiệu: | 22/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Yên Bái | Người ký: | Hoàng Thương Lượng |
Ngày ban hành: | 21/10/2009 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Giáo dục, đào tạo, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/CT-UBND |
Yên Bái, ngày 21 tháng 10 năm 2009 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CÔNG TÁC CHỐNG MÙ CHỮ, PHỔ CẬP GIÁO DỤC TIỂU HỌC, PHỔ CẬP GIÁO DỤC TIỂU HỌC ĐÚNG ĐỘ TUỔI, PHỔ CẬP GIÁO DỤC TRUNG HỌC CƠ SỞ ĐẾN NĂM 2010
Sau gần 20 năm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục, tỉnh Yên Bái đã đạt được một số kết quả rất quan trọng: Tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia về công tác chống mù chữ - phổ cập giáo dục Tiểu học (CMC-PCGDTH) vào năm 1997, đến nay 180/180 xã phường thị trấn, 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt và duy trì chuẩn quốc gia CMC-PCGDTH, trong đó có 145 đơn vị cơ sở, 5 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập Tiểu học đúng độ tuổi; 174/180 xã phường, 9/9 huyện thị đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục Trung học cơ sở, tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục Trung học cơ sở vào tháng 12/2007.
Tuy nhiên, công tác chống mù chữ - phổ cập giáo dục trên địa bàn tỉnh hiện nay còn bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập, đó là việc huy động trẻ trong độ tuổi đến lớp ở một số địa phương còn khó khăn; chất lượng giáo dục ở một số cơ sở giáo dục, đặc biệt ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn còn thể hiện nhiều yếu kém; một bộ phận cán bộ thôn bản, xã vẫn chưa đọc thông viết thạo, tiến độ phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi còn chậm và chưa vững chắc do đó chưa có tác dụng củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục Trung học cơ sở.
Quán triệt Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII), phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020; Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVI, Nghị quyết 10/NQ-TU ngày 19 tháng 8 năm 2009 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo giai đoạn 2009 – 2015; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng công tác CMC-PCGDTH, bảo đảm 100% cán bộ xã, phường, thôn bản và thanh thiếu niên trong độ tuổi 15-25 đạt chuẩn xóa mù chữ vào năm 2010; 100% số xã, phường, thị trấn duy trì chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học. Năm 2009 có ít nhất 162 xã, phường, thị trấn, 6 đơn vị huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi; tỉnh đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi. Duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục Trung học cơ sở, phấn đấu đến năm 2010 toàn tỉnh có 180/180 xã, phường, thị trấn đạt và duy trì chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục Trung học cơ sở.
2. Tăng cường phổ biến sâu rộng đến cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp có nhận thức và quán triệt tầm quan trọng của công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục; từ đó tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhằm đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi vào cuối năm 2009, duy trì vững chắc và từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục Trung học cơ sở. Các Sở, ban, ngành chức năng phối hợp với UBND cấp huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, trường học, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục.
3. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục, gắn với đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 02/2008/CT-TTg ngày 08/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Ngành Giáo dục và Đào tạo tiến hành tổ chức nhiều hình thức học tập phù hợp từng đối tượng để thu hút đông đảo người học trong độ tuổi ra lớp; chuẩn bị mọi mặt để giải quyết tốt nhu cầu học tập đa dạng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; phải đảm bảo chất lượng và hiệu quả trên cơ sở nâng cao chất lượng dạy và học, không chạy theo số lượng, chạy theo thành tích.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đoàn thể có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện thường xuyên củng cố, phát huy vai trò chủ động, tích cực của Ban Chỉ đạo chống mù chữ, phổ cập giáo dục các cấp; xây dựng kế hoạch đồng bộ để triển khai công tác nâng cao chất lượng xóa mù chữ, phổ cập giáo dục Tiểu học; phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi; phổ cập giáo dục THCS ở vùng đồng bào dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Đối với thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và những đơn vị có điều kiện thuận lợi, tiến hành khảo sát trình độ văn hóa của nhân dân để phục vụ công tác phổ cập giáo dục bậc Trung học. Có kế hoạch củng cố và xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư, cung cấp thiết bị trường học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Quy hoạch mạng lưới trường phổ thông và các cơ sở giáo dục, mở rộng loại hình trường bán trú dân nuôi, trường tư thục để đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo. Quan tâm chăm lo và thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với giáo viên, nhất là giáo viên ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.
5. Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp với Ngành Giáo dục và Đào tạo, với UBND các huyện, thị xã, thành phố cân đối nguồn đầu tư, quỹ đất, phân bổ kinh phí đảm bảo cho việc phát triển cơ sở vật chất và hoạt động của các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn theo hướng bảo đảm các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục.
6. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục. Có các biện pháp phù hợp hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật để động viên học sinh ra lớp học tập, hạn chế thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường đôn đốc, chỉ đạo, tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục để kiểm điểm rút kinh nghiệm và đề ra nhiệm vụ mới nhằm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch của địa phương. Tăng cường chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi. Những nơi có điều kiện, cần có kế hoạch, đề án tiến hành ngay công tác phổ cập giáo dục bậc trung học.
8. Các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan có trách nhiệm phối hợp triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; tạo điều kiện thuận lợi để ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi vào cuối năm 2009, triệt để xóa nạn mù chữ, duy trì bền vững kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở đến năm 2010 và những năm tiếp theo.
Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban ngành, đoàn thể của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện. Sở Giáo dục và Đào tạo Thường xuyên tổng hợp tình hình và báo cáo định kỳ kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị về Ủy ban nhân dân tỉnh./.
|
CHỦ TỊCH |
Chỉ thị 02/2008/CT-TTg về đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập Ban hành: 08/01/2008 | Cập nhật: 16/01/2008