Chỉ thị 22/CT-UBND năm 2010 thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành
Số hiệu: | 22/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Quảng Nam | Người ký: | Lê Minh Ánh |
Ngày ban hành: | 28/10/2010 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/CT-UBND |
Tam Kỳ, ngày 28 tháng 10 năm 2010 |
CHỈ THỊ
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN TỐT CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 (Sau đây gọi tắt là Chương trình) là một trong các nội dung cụ thể hoá thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; có tính chất bao quát trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội và được tiến hành theo phương châm huy động nội lực của nhân dân và cộng đồng là chủ thể tổ chức thực hiện; ngân sách Nhà nước đầu tư, hỗ trợ từ lồng ghép tất cả các nguồn vốn của các Chương trình, dự án và bổ sung vốn hỗ trợ có mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Giám đốc các Sở, ban, ngành tập trung triển khai thực hiện tốt các nội dung sau:
1. UBND các huyện, thành phố
- Thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo huyện, thành phố (sau đây gọi tắt là cấp huyện); đồng thời chỉ đạo UBND các xã thành lập Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới; xây dựng kế hoạch 5 năm, hàng năm để triển khai thực hiện Chương trình;
- Chỉ đạo Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới các xã dựa theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, khẩn trương tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn và lập Đề án xây dựng nông thôn mới đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trình UBND cấp huyện phê duyệt để có cơ sở triển khai thực hiện. Đề án phải đảm bảo sự tham gia của nhân dân trong việc xác định các nội dung ưu tiên, huy động các nguồn lực và được Ban Chỉ đạo huyện thống nhất trước khi UBND cấp huyện phê duyệt.
- Cùng với việc lập Đề án nêu trên, các địa phương khẩn trương triển khai lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới để làm cơ sở lập quy hoạch sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp và các quy hoạch chuyên ngành khác, phấn đấu hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới cấp xã vào năm 2011. Việc bố trí vốn đầu tư thực hiện Chương trình phải trên cơ sở quy hoạch xây dựng nông thôn mới được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo hiệu quả đầu tư.
2. Các Sở, ban, ngành
- Sở Nông nghiệp và PTNT: là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành, hướng dẫn các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội triển khai thực hiện Chương trình; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện; tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai Chương trình; tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong quá trình tổ chức thực hiện. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân hiểu rõ và tham gia thực hiện Chương trình.
+ Chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch 5 năm, hằng năm; phối hợp với các Sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh bố trí kế hoạch vốn hằng năm và chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra quá trình thực hiện Chương trình;
+ Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện quy hoạch sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, ngành nghề nông thôn; thực hiện dồn điền đổi thửa, xây dựng giao thông, thuỷ lợi nội đồng, gắn với hình thành các vùng chuyên canh, các khu chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản tập trung; chỉnh trang nhà vườn, cải tạo vườn tạp; phát triển hợp tác xã và các hình thức tổ chức sản xuất tiến bộ ở nông thôn;
+ Phối hợp với UBND huyện tổ chức tập huấn những nội dung chuyên ngành, hướng dẫn quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp cấp xã theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;
+ Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện hướng dẫn các xã thực hiện công tác quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ;
+ Phối hợp với các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp với các loại hình kinh tế ở nông thôn.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư:
+ Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các Sở, ngành liên quan cân đối bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách hằng năm; xây dựng kế hoạch lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án; cùng với vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu xây dựng nông thôn mới, trình UBND tỉnh phân bổ kế hoạch hằng năm cho các địa phương thực hiện Chương trình;
+ Cụ thể hoá, hướng dẫn quản lý đầu tư xây dựng công trình trong quá trình thực hiện Chương trình; hướng dẫn phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn.
- Sở Tài chính:
+ Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ có mục tiêu vốn sự nghiệp ngân sách tỉnh cho các địa phương thực hiện Chương trình;
+ Hướng dẫn cơ chế tài chính phù hợp với các Đề án, dự án của Chương trình; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn thực hiện Chương trình đảm bảo đúng quy định; kịp thời báo cáo UBND tỉnh về tình hình sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình.
- Sở Xây dựng:
+ Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới và các quy hoạch chi tiết: Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường; phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có trên địa bàn xã, đảm bảo khớp nối với quy hoạch chung của huyện và tỉnh;
+ Tổ chức tập huấn, hướng dẫn huyện, xã những nội dung chuyên ngành; chỉ đạo Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn cử cán bộ tư vấn các xã lập quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới.
- Sở Tài nguyên và Môi trường:
Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các Sở: Xây dựng, Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo, hướng dẫn các xã về quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, quy hoạch về quản lý môi trường; cùng với các Sở liên quan, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
+ Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện có hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm và chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông thôn;
+ Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan chỉ đạo thực hiện các chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội; đặc biệt tập trung thực hiện có hiệu quả các Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững cho các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao (theo Nghị quyết 30a của Chính phủ).
- Sở Giao thông - Vận tải:
Chỉ đạo thực hiện chương trình bê tông hoá giao thông nông thôn theo quy chuẩn; hướng dẫn lập kế hoạch đầu tư xây mới, nâng cấp mở rộng các tuyến đường của xã, huyện khớp nối với mạng lưới giao thông chung; đầu tư mở rộng tuyến giao thông trục chính đến các trung tâm xã.
- Sở Khoa học và Công nghệ:
Phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học; hướng dẫn, hỗ trợ việc chuyển giao khoa học và công nghệ; đăng ký nhãn hiệu hàng hóa nông sản.
- Sở Công Thương:
Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện việc hoàn thiện hệ thống các công trình đảm bảo cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn xã. Hướng dẫn, sắp xếp trung tâm chợ, xây dựng chương trình hướng dẫn tiêu thụ nông sản, thông tin thị trường,... Xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ trong nông thôn để chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo yêu cầu xây dựng nông thôn mới.
- Sở Nội vụ:
Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện việc hoàn chỉnh trụ sở xã và các công trình phụ trợ; thực hiện việc tổ chức đào tạo cán bộ đạt chuẩn theo quy định của Bộ Nội vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới; tham mưu chính sách khuyến khích, thu
hút cán bộ trẻ đã được đào tạo, đủ tiêu chuẩn về công tác ở các xã, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ; bổ sung chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng nông thôn mới.
- Sở Giáo dục và Đào tạo:
Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện việc hoàn thiện hệ thống các công trình phục vụ việc chuẩn hóa về giáo dục trên địa bàn xã; hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
- Sở Y tế:
Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện việc hoàn thiện hệ thống các công trình phục vụ việc chuẩn hóa về y tế trên địa bàn xã; hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia trong lĩnh vực y tế, đáp ứng yêu cầu Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện việc hoàn thiện hệ thống các công trình phục vụ nhu cầu về hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn xã; thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa, đáp ứng yêu cầu Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
- Sở Thông tin và Truyền thông:
Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan và các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, phổ biến các vấn đề liên quan đến Chương trình trong quá trình triển khai thực hiện.
- Công an tỉnh:
+ Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” lồng ghép với phòng trào “ Xây dựng nông thôn mới”; nghiên cứu, đề xuất việc ban hành nội quy, quy ước làng, xóm về trật tự, an ninh; phòng, chống các tệ nạn xã hội và các hủ tục lạc hậu;
+ Rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ và chính sách tạo điều kiện cho lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở xã, thôn, bản hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn theo yêu cầu xây dựng nông thôn mới.
- Ban Dân tộc tỉnh:
Chủ trì, phối hợp với Sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn các huyện thực hiện các Chương trình, dự án có liên quan đến các huyện, xã miền núi.
- Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh:
Phổ biến chủ trương, cơ chế chính sách liên quan đến Chương trình cho các tổ chức tín dụng đóng trên địa bàn; đồng thời yêu cầu các tổ chức tín dụng có trách nhiệm hướng dẫn các thủ tục, điều kiện vay vốn cho nhân dân được vay vốn triển khai thực hiện các nội dung, công việc của Chương trình; kiểm tra việc thực hiện chính sách tín dụng của các ngân hàng.
- Đề nghị UBMTTQVN tỉnh và các hội, đoàn thể tỉnh chỉ đạo đoàn thể ở địa phương tổ chức vận động, tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, cơ chế chính sách liên quan đến Chương trình; tạo điều kiện cho nhân dân tích cực tham gia, thực hiện tốt Chương trình; chủ trì các cuộc vận động liên quan đến Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Chính phủ.
Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Giám đốc các Sở, ban, ngành và thủ trưởng các đơn vị, tổ chức có liên quan căn cứ triển khai thực hiện./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |