Chỉ thị 22/CT-UBND năm 2017 về tăng cường nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Số hiệu: 22/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai Người ký: Nguyễn Hòa Hiệp
Ngày ban hành: 15/12/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Lao động, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/CT-UBND

Đồng Nai, ngày 15 tháng 12 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Trong những năm qua, công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp đã đạt được một số kết quả như: Số lượng và chất lượng dạy nghề ngày càng nâng cao, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; các đối tượng chính sách tham gia học nghề (dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ, người khuyết tật, lao động nông thôn, người nghèo, lao động thất nghiệp…) được Nhà nước hỗ trợ học nghề đã từng bước ổn định việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Số lượng học viên được đào tạo có trình độ từ trung cấp trở lên và nhất là các nghề chất lượng cao còn thấp so với nhu cầu thực tế, cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa hợp lý, tỷ lệ tốt nghiệp nghề còn thấp… Trong thời gian tới, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và đảm bảo xu thế hội nhập Quốc tế, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị:

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Tiếp tục rà soát tham mưu UBND tỉnh sắp xếp tinh gọn hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh (nhất là đối với các cơ sở thuộc tỉnh quản lý nhiều năm liền hoạt động không hiệu quả) theo nhu cầu thị trường lao động, phù hợp cơ cấu ngành nghề, đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; các giải pháp nâng cao số lượng đào tạo trình độ từ trung cấp trở lên.

b) Thực hiện có hiệu quả "Mục tiêu 1" thuộc Chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 - 2020; trong đó, tăng cường nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nhất là các ngành, nghề chất lượng cao. Chủ động trong việc đào tạo, cung cấp nhu cầu nguồn nhân lực có tay nghề cao nhằm đáp ứng phục vụ cho dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành và một số dự án khác đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

c) Phối hợp Sở Nội vụ, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa rà soát, tham mưu UBND tỉnh cơ cấu lại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và hoạt động thực tế tại địa phương.

d) Chủ động phối hợp các sở, ban, ngành liên quan, doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để xác định chỉ tiêu, cơ cấu ngành nghề đào tạo sát với nhu cầu thực tế, phù hợp với năng lực đào tạo của từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp (xem xét các điều kiện như: Đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, trang thiết bị…) nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và xu thế hội nhập Quốc tế.

đ) Phối hợp Cục Thống kê tỉnh rà soát, hoàn chỉnh hệ thống số liệu về cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh; thống nhất lại chỉ tiêu và phương pháp tính các chỉ tiêu về tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động qua đào tạo có trình độ từ trung cấp trở lên.

e) Tiếp tục khuyến khích các cơ sở dạy nghề trong tỉnh mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào quá trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp do tỉnh quản lý xây dựng phương án hoạt động theo cơ chế tự chủ và có lộ trình thực hiện phù hợp với điều kiện phát triển của đơn vị.

g) Tiếp tục rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên giáo dục nghề nghiệp phù hợp cơ cấu ngành nghề và đảm bảo trình độ đào tạo; duy trì việc bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp giảng dạy mới, có trình độ tin học, ngoại ngữ đạt chuẩn khu vực (ASEAN) và Quốc tế nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho học sinh, sinh viên.

h) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Thực hiện các chế độ cho giáo viên, việc lưu trữ hồ sơ, sổ sách, thực hiện các quy định về liên kết đào tạo…

i) Nghiên cứu, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh xem xét mở rộng đặt hàng đào tạo dài hạn, đào tạo lao động chất lượng cao cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục đủ điều kiện đào tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc quản lý, tổ chức giảng dạy chương trình phổ thông tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

b) Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tham gia vừa học nghề, vừa học văn hóa.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xác định chỉ tiêu đào tạo tương xứng với quy mô, trình độ của từng đơn vị.

b) Cung cấp, giới thiệu các doanh nghiệp đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để phục vụ cho việc định hướng xây dựng chỉ tiêu, cơ cấu ngành nghề tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu phát triển của tỉnh.

4. Sở Tài chính

Phối hợp các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sử dụng nguồn kinh phí cải cách tiền lương.

5. Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai

Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc cung cấp số lượng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, xây dựng chỉ tiêu và cơ cấu ngành nghề đào tạo cho phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Giới thiệu các doanh nghiệp liên kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong quá trình đào tạo và giải quyết việc làm.

6. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh

Tổ chức rà soát, đánh giá tình hình thực tế nhu cầu vay vốn trong quá trình học nghề và giải quyết việc làm; phối hợp Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư có phương án bố trí tăng nguồn vốn vay, mở rộng đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ dàng vay vốn học nghề và giải quyết việc làm, thu nhập ổn định và phát triển sản xuất.

7. UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa

a) Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và các phòng, ban liên quan rà soát, đánh giá hiệu quả công tác đào tạo nghề tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đầu tư, điều chuyển các trang thiết bị, máy móc cho phù hợp với nhu cầu đào tạo tại địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi về học nghề.

b) Có kế hoạch, lộ trình sắp xếp, điều chuyển tinh gọn biên chế của trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế hoạt động của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn; thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên tại trung tâm.

c) Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tổ chức nghiên cứu, khảo sát, định hướng cho nông dân học nghề phù hợp với nhu cầu thực tế để có việc làm ổn định, tăng thu nhập.

d) Kiểm tra, giám sát và đánh giá công tác giáo dục nghề nghiệp nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng tại địa phương nhằm điều chỉnh, kiến nghị, đề xuất việc thực hiện công tác đào tạo nghề ngày càng hiệu quả.

8. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

a) Cập nhật, điều chỉnh, đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình giảng dạy đáp ứng nhu cầu thực tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao. Chủ động tìm kiếm tạo mối liên kết với các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và đội ngũ chuyên gia tham gia vào quá trình đào tạo cũng như đánh giá người học, gắn đào tạo với giải quyết việc làm.

b) Có các giải pháp nhằm nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên dạy nghề về kỹ năng nghề, ngoại ngữ, tin học, phương pháp sư phạm để chuẩn hóa đội ngũ giáo viên đặc biệt là giáo viên các nghề trọng điểm theo chuẩn Quốc gia, khu vực (ASEAN) và Quốc tế.

c) Chủ động nghiên cứu thị trường lao động để xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh, cơ cấu ngành nghề sát với thực tế, các giải pháp thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, tư vấn nghề nghiệp… nhằm thu hút học sinh học nghề; thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người học; có biện pháp để duy trì sĩ số lớp học.

d) Thực hiện đầy đủ hồ sơ, sổ sách theo đúng quy định hiện hành; thực hiện thăm dò ý kiến của học viên, người học sau đào tạo về chương trình, nội dung, năng lực của giáo viên để có sự điều chỉnh cho phù hợp.

đ) Nghiên cứu tổ chức các hoạt động dịch vụ có liên quan đến ngành, nghề đào tạo để học sinh, sinh viên vừa thực hành, vừa tạo ra sản phẩm,...; chủ động xây dựng kế hoạch theo lộ trình tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện các nhiệm vụ nêu trên; báo cáo kết quả thực hiện gửi UBND tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) trước ngày 20/12 hàng năm để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hòa Hiệp