Chỉ thị 22/CT-UBND năm 2009 về tăng cường quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu: | 22/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thành phố Hà Nội | Người ký: | Vũ Hồng Khanh |
Ngày ban hành: | 08/07/2009 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/CT-UBND |
Hà Nội, ngày 08 tháng 07 năm 2009 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CÁC CƠ SỞ KINH DOANH DỊCH VỤ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Trong những năm qua, các Sở, Ban, ngành, UBND các cấp trên địa bàn Thành phố đã có nhiều cố gắng trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ, đặc biệt công tác quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, nhạy cảm, đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân, các tổ chức cá nhân chấp hành đúng các quy định trong kinh doanh dịch vụ; đồng thời, cố gắng làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, góp phần tích cực đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, đã có không ít cơ sở kinh doanh, dịch vụ quán bar, ca nhạc, karaoke, vũ trường, khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, massage, tắm hơi, tẩm quất, cắt tóc gội đầu thư giãn, cafe đèn mờ, nhà hàng ăn uống … có những biểu hiện vi phạm pháp luật, một số cơ sở hoạt động không phép, sai phép, trái phép, trá hình, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kinh doanh quá giờ quy định, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kiếm lời bất chính, gây mất an ninh trật tự, thậm chí có nơi đã trở thành tụ điểm phức tạp về tội phạm, tệ nạn xã hội, gây bất bình trong nhân dân và dư luận xã hội. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do nhận thức và ý thức trách nhiệm của một số cơ quan chức năng, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp chưa quan tâm thường xuyên, còn buông lỏng quản lý và ý thức của người dân còn nhiều hạn chế; công tác nắm tình hình hoạt động của các loại đối tượng, điều kiện phát sinh, phát triển tội phạm, tệ nạn xã hội và công tác quản lý, xử lý các vi phạm pháp luật, hoạt động quá giờ quy định còn nhiều bất cập; bên cạnh đó, một số đối tượng vi phạm còn dùng thủ đoạn mua chuộc, đối phó tinh vi với công tác kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng, do vậy, công tác này còn nhiều thiếu sót, tồn tại.
Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ, phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm, đặc biệt đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và xử lý những trường hợp vi phạm, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện tốt một số nội dung công tác sau:
1. Tổ chức tốt công tác điều tra cơ bản, lập danh sách, phân loại chính xác tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ, xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh, nhất là những trường hợp kinh doanh không phép, sai phép, trái phép, trá hình, quá giờ quy định, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, … trên cơ sở đó phân công, phân cấp cụ thể, rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân theo đúng quy định.
2. Thường xuyên nắm chắc thực trạng, tình hình hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên từng địa bàn, lĩnh vực quản lý, nhất là những cơ sở kinh doanh phức tạp, thường hay vi phạm thuộc các loại hình kinh doanh dịch vụ có điều kiện, nhạy cảm, như: vũ trường, quán bar có sử dụng nhạc mạnh, karaoke, nhà nghỉ, khách sạn, cắt tóc gội đầu thư giãn, hiệu cầm đồ, trò chơi điện tử có thưởng, massage, tẩm quất, bấm huyệt, quán internet, … để xác định áp dụng các biện pháp quản lý thích hợp và có các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các cơ sở có biểu hiện hoạt động vi phạm pháp luật.
3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện những tồn tại, thiếu sót, tiêu cực, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý các loại hình kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, nhạy cảm, các cơ sở hoạt động sai phép, trái phép, trá hình, quá giờ quy định có biểu hiện phức tạp, vi phạm; các cán bộ cơ quan Nhà nước có dấu hiệu tiêu cực trong việc cấp phép, kiểm tra, xử lý vi phạm hoặc có hành vi bảo kê, đối phó, vô hiệu hóa công tác kiểm tra, quản lý của các cơ quan chức năng, đề xuất, kiến nghị với UBND các cấp, các cơ quan chức năng phân công rõ trách nhiệm trong thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước đối với các loại hình kinh doanh dịch vụ.
4. Các Sở, Ban, ngành, UBND các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân nâng cao cảnh giác, tích cực tham gia phong trào phát hiện tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội và đấu tranh đối với các hoạt động vi phạm pháp luật. Thường xuyên và chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức kiểm tra, phát hiện các vi phạm để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố nếu để các cơ sở kinh doanh dịch vụ hoạt động trên địa bàn quản lý vi phạm mà không được phát hiện xử lý kịp thời, như: kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh chuyên ngành, giấy chứng nhận đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, kinh doanh sai phép, trái phép, trá hình, quá giờ quy định…
5. Công an Thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Công thương và các Sở: Tư pháp, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Lao động – Thương binh – Xã hội, Giao thông vận tải dự thảo Quyết định của UBND Thành phố về việc cấm bán hàng ăn uống và kinh doanh một số dịch vụ trên địa bàn thành phố Hà Nội từ sau 24 giờ đến 5 giờ sáng (trừ các khách sạn, nhà khách, cảng hàng không, nhà ga tàu hỏa, bến tàu, bến xe khách, phố ẩm thực), trình UBND Thành phố.
6. Công an Thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hoàn chỉnh quy định phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, nhạy cảm về an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Hà Nội, trình UBND Thành phố trước ngày 20 tháng 7 năm 2009; đồng thời, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, định kỳ tổng hợp tình hình, kết quả báo cáo UBND thành phố theo quy định.
7. Trong khi chờ UBND Thành phố ban hành quy định về xử lý vi phạm trong việc kinh doanh, dịch vụ từ sau 24 giờ đến 5 giờ sáng, Công an Thành phố, Sở Công Thương và các ngành chức năng cần tập trung kiểm tra, phát hiện và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm các Nghị định của Chính phủ: số 150/2005/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2005 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội; số 11/2006/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2006 về việc ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; số 56/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2006 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa – thông tin; số 39/2007/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2007 quy định về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh và các quy định hiện hành của UBND Thành phố Hà Nội.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, các đoàn thể xã hội và nhân dân tích cực kiểm tra, giám sát việc thực hiện; đồng thời, tạo điều kiện cho các cơ quan, lực lượng chức năng thực hiện nghiêm Chỉ thị này.
Nơi nhận: |
KT. CHỦ TỊCH |
Nghị định 39/2007/NĐ-CP về việc cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập,thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh Ban hành: 16/03/2007 | Cập nhật: 24/03/2007
Nghị định 56/2006/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá - thông tin Ban hành: 06/06/2006 | Cập nhật: 10/06/2006
Nghị định 11/2006/NĐ-CP về Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng Ban hành: 18/01/2006 | Cập nhật: 20/05/2006
Nghị định 150/2005/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội Ban hành: 12/12/2005 | Cập nhật: 20/05/2006