Chỉ thị 22/CT-UB năm 1998 về tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 03/NQ-TU và quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre thời kỳ 1996- 2010
Số hiệu: 22/CT-UB Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre Người ký: Huỳnh Văn Cam
Ngày ban hành: 31/08/1998 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Công nghiệp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/CT-UB

Bến Tre, ngày 31 tháng 8 năm 1998

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 03/NQ-TU VÀ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE THỜI KỲ 1996- 2010”

Ngày 13-5-1997 Tỉnh ủy Bến Tre có ban hành Nghị quyết 03/NQ-TU về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh 1996-2010. Từ nội dung Nghị quyết, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã tiến hành xây dựng quy hoạch phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh thời kỳ 1996-2010, và ngày 08-6-1998 Uỷ ban nhân dân tỉnh có Quyết định số 873/QĐ-UB phê chuẩn quy hoạch nêu trên.

Sau khi được chính thức ban hành, Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy đã được tổ chức quán triệt đến các sở, ban ngành tỉnh, các huyện, thị xã và các cơ sở sản xuất công nghiệp quốc doanh trên địa ban tỉnh. Qua nội dung Nghị quyết, đại bộ phận các cấp, các ngành, các đơn vị sản xuất thấy rõ hơn hướng đi của ngành công nghiệp trong giai đoạn mới, xác lập được mối liên quan giữa công nghiệp với các ngành kinh tế khác trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Vận dụng Nghị quyết vào thực tế cuộc sống, công tác quản lý Nhà nước đối với ngành có bám sát mục tiêu nhiệm vụ do Nghị quyết đề ra và đã làm được một số việc cơ bản, cụ thể hóa nội dung Nghị quyết và làm căn cứ cho các ngành các cấp triển khai thực hiện như quy hoạch ngành, quy hoạch cụm công nghiệp, tổ chức hội thảo chuyên đề về công nghiệp hóa - hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh, xây dựng công trình khuyến công, tổ chức điều tra ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, quan tâm đầu tư xây dưng cơ bản cơ sở hạ tầng, tăng cường khâu quản lý cấp huyện. Sản xuất vẫn tiếp tục phát triển tuy chậm song từng thời kỳ có tăng lên.

Song nhìn chung, việc triển khai Nghị quyết 03/NQ-TU chưa rộng khắp ở các ngành. Nhiều nơi triển khai chỉ mang tính “quán triệt” cho nên hầu như chưa có nơi nào xây dựng chương trình hành động hoặc kế hoạch cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ do Nghị quyết nêu ra. Các ngành tỉnh, nhất là những ngành có quản lý sản xuất và các huyện chưa bám sát Nghị quyết để có phương án, kế hoạch, triển khai các công việc cụ thể có liên quan, chính vì vậy cho nên có rất nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đã và đang có vướng mắc đến nay vẫn chưa được tháo gỡ, phần nào có ảnh hưởng đến sản xuất và hiệu quả sử dụng đồng vốn.

Để Nghị quyết 03/NQ-TU thực sự đi vào thực tế cuộc sống và công cuộc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh tiến triển nhanh theo con đường công nghiệp hóa- hiện đại hóa, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã thực hiện một số công việc trọng tâm có liên quan như sau:

Tiếp tục tổ chức quán triệt sâu rộng trong nội bộ và nhân dân nội dung Nghị quyết 03/NQ-TU “về phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre 1996-2000- 2010”. Trong quán triệt cần nắm vững mục tiêu và quan điểm phát triển những nội dung cơ bản của phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp trên từng địa bàn trong tỉnh, các giải pháp chủ yếu- các biện pháp lớn bảo đảm thực hiện thắng lợi nội dung Nghị quyết và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp.

 Từ nay về sau, khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hoặc kế hoạch phát triển ngành trong từng thời kỳ 5 năm hay hàng năm có liên quan đến công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh, các ngành các địa phương phải căn cứ vào nội dung Nghị quyết 03/NQ-TU và quy hoạch phát triển ngành để đảm bảo tính thống nhất chung trong toàn tỉnh.

 Sau khi quán triệt nội dung Nghị quyết và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp, các Sở, ngành tỉnh có quản lý công nghiệp, Uỷ ban nhân dân các huyện và thị xã, các doanh nghiệp công nghiệp quốc doanh cần xây dựng các kế hoạch, các dự án phát triển ngành nghề trên địa bàn, phát triển các doanh nghiệp theo mục tiêu và nội dung đã định.

 Giám đốc Sở Công nghiệp tỉnh có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh kiểm tra đôn đốc thực hiệc các công việc nêu trên, phối hợp với các ngành, huyện thị xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch, đề án phát triển ngành công nghiệp và các lĩnh vực có liên quan.

Trên cơ sở quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre thời kỳ 1996-2010, tiến hành quy hoạch các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở Công nghiệp phối hợp các ngành thị xã và huyện Giồng Trôm khẩn trương hoàn chỉnh quy hoạch Cụm công nghiệp Phú Hưng- Mỹ Thạnh trong năm 1998 và đến năm 1999 quy hoạch xong các cụm công nghiệp còn lại để làm cơ sở cho công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp tỉnh nhà có điều kiện phát triển. Đồng thời ở các huyện và thị xã cũng phải tiến hành quy hoạch phát triển Công nghiệp- Tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn quy hoạch một số cụm công nghiệp để tập trung năng lực sản xuất và thuận tiện trong việc điều hành. Trong kế hoạch ghi vốn đầu tư hàng năm, Sở Kế hoạch- Đầu tư, Sở Tài chánh- Vật giá cần quan tâm bố trí hỗ trợ vốn để các ngành chức năng, các huyện, thị có điều kiện thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.

Ban chỉ đạo đổi mới các doanh nghiệp của tỉnh phải nhanh chóng sắp xếp lại hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp Nhà nước theo nội dung Chỉ thị số 20/1998 -CT-TTg ngày 21-4-1998 của Thủ tướng Chính phủ và tinh thần Nghị quyết số 04 khóa VIII của Ban Chấp hành Trung ương, trong đó đặc biệt lưu ý đến việc thực hiện chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp, phải làm cho các doanh nghiệp của tỉnh đủ mạnh có khả năng đứng vững trong cơ chế thị trường, thực hiện rõ vai trò chỉ đạo của kinh tế Nhà nước dẫn dắt các thành phần kinh tế khác đi đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong khi chưa sắp xếp xong, phải có biện pháp tháo gỡ ngay các vướng mắc về vốn, tổ chức sản xuất và tổ chức quản lý... để tạo điều kiện hoạt động được thuận lợi. Phần nào sở, huyện thị không giải quyết được kịp thời báo cáo xin ý kiến Uỷ ban nhân dân tỉnh để có hướng giải quyết cho phù hợp.

 Song song với việc củng cố sắp xếp các doanh nghiệp, công nghiệp quốc doanh, Sở Công nghiệp, Hội đồng Liên minh các Hợp tác xã, Uỷ ban nhân dân các huyện và thị xã... phải đồng thời quan tâm đến việc tăng cường củng cố sắp xếp lại sản xuất của các thành phần kinh tế công nghiệp ngoài quốc doanh, các làng nghề truyền thống nhằm hướng dẫn họ hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, thực thi đúng pháp luật, khuyến khích mở mang thêm ngành nghề mới. Phấn đấu khai thác sử dụng triệt để tiềm năng đất đai nguyên liệu, nguồn vốn lao động, tay nghề hiện có tại địa phương để chế biến phần lớn nguyên liệu nông sản của tỉnh phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu góp phần làm gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp đồng thời giải quyết tốt việc làm cho người lao động.

Một trong những nguyên nhân làm cho năng suất lao động trong ngành công nghiệp luôn đạt thấp, chất lượng sản phẩm không cao là do công nghệ sản xuất trong ngành quá lạc hậu, thiết bị cũ. Để có hướng khắc phục, Sở Khoa học Công nghệ & Môi trường, Sở Công nghiệp phải có biện pháp cùng các ngành các cấp tiến hành đánh giá lại toàn bộ quy trình công nghệ và thiết bị để qua đó hướng dẫn các đơn vị sản xuất xây dựng các dự án đầu tư nâng cấp nhà xưởng, thay đổi thiết bị, công nghệ để từng bước đưa trình độ công nghệ các ngành công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp đạt tới trình độ tiên tiến, hiện đại, đủ khả năng hoạt động có hiệu quả trong cơ chế thị trường, góp phần đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hoá- hiện đại hoá tỉnh nhà.

Sở Công nghiệp chủ trì cùng với Sở Khoa học Công nghệ & Môi trường, các ngành huyện, thị có biện pháp triển khai kết quả hội thảo về “Công nghiệp hóa- hiện đại hoá” trên địa bàn tỉnh tổ chức trong 2 ngày 22 và 23-5-1998, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng các xã điểm, xây dựng các phương án phát triển công nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hoá nông nghiệp và nông thôn, đảm bảo đủ điều kiện chế biến nguyên liệu tại chỗ, phát triển mạnh ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở những nơi có đủ điều kiện, phải làm cho nông thôn trở thành địa bàn thích hợp để cho công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp phát triển, góp phần giải quyết lao động ở nông thôn nhằm tạo ra nhiều mô hình nông thôn mới trong toàn tỉnh.

Cùng với việc thực hiện chương trình khuyến nông, khuyến ngư, từ năm 1999 trên địa bàn tỉnh sẽ từng bước triển khai thực hiện chương trình khuyến công, Sở Công nghiệp có trách nhiệm xây dựng hoàn chỉnh nội dung chương trình kế hoạch và biện pháp triển khai, Sở Kế hoạch- Đầu tư và Sở Tài chánh- Vật giá cân đối kinh phí trong phạm vi cho phép để đưa chương trình vào hoạt động.

Liên quan đến việc phát triển toàn diện các ngành sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đến chương trình khuyến công và hiệu quả hoạt động của toàn ngành là việc kéo vốn đầu tư nâng cao năng lực sản xuất đối với các cơ sở hiện có, xây dựng các cơ sở mới, là chính sách giá cả, thuế, biện pháp quản lý nguồn nguyên liệu tại chỗ và thu hút nguyên liệu kỹ thuật công nghệ mới từ ngoài vào, là thị trường tiêu thụ thành phẩm ... những vấn đề nêu trên cần được thể hiện thành một phương án hoàn chỉnh, cụ thể, Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho Sở Công nghiệp, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Thương mại- Du lịch, Sở Tài chánh- Vật giá, Cục Thuế, Cục vốn... có trách nhiệm căn cứ các luật, các chính sách chế độ có liên quan do Nhà nước ban hành để cụ thể hoá thành phương án hoàn chỉnh phù hợp đưa vào vận dụng tại địa phương.

8) Uỷ ban nhân dân tỉnh đã có Quyết định số 551/QĐ-UB ngày 07-4-1998 về việc tách Phòng Kinh tế các huyện để thành lập Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Phòng Công Thương nghiệp. Đến nay còn một số huyện chưa thực hiện quyết định nêu trên, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các huyện chưa thành lập được Phòng Công Thương nghiệp phải khẩn trương thực hiện xong trong tháng 9-1998. Những nơi đã thành lập xong Phòng Công Thương phải bố trí cán bộ để thực thi nhiệm vụ theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao cho Phòng, Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh, Sở Công nghiệp và Sở Thương mại du lịch ... có trách nhiệm giúp Phòng Công Thương sớm ổn định tổ chức, biên chế và quy chế hoạt động, bảo đảm hoạt động có hiệu quả.

9) Uỷ ban nhân dân tỉnh sẽ thành lập BCĐ thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp thuộc địa bàn tỉnh giai đoạn 1996-2010, BCĐ do đồng chí Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban; Giám đốc Sở Công nghiệp- Phó ban ; Sở KH-ĐT, Sở Khoa học CN-MT và các ban, ngành có liên quan là thành viên. Ban chỉ đạo có trách nhiệm tham mưu giúp cho Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Uỷ ban nhân dân tỉnh mong rằng các sở ngành tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện và thị xã, các doanh nghiệp công nghiệp trong, ngoài quốc doanh nhận thức được vị trí quan trọng của nhiệm vụ phát triển công nghiệp trong giai đoạn công nghiệp hoá- hiện đại hóa hiện nay, tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, có hiệu quả nội dung chỉ thị này./.

 

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Huỳnh Văn Cam

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.