Chỉ thị 22/2014/CT-UBND tăng cường thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc trên địa bàn tỉnh Bình Phước
Số hiệu: | 22/2014/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bình Phước | Người ký: | Nguyễn Văn Trăm |
Ngày ban hành: | 28/10/2014 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp, hợp tác xã, Lao động, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/2014/CT-UBND |
Đồng Xoài, ngày 28 tháng 10 năm 2014 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ TẠI NƠI LÀM VIỆC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc là những quy định về quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động với các nội dung người lao động được biết, được tham gia ý kiến, được quyết định, được kiểm tra, giám sát và các hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Việc triển khai, quán triệt, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc sẽ giúp cho người lao động và người sử dụng lao động hiểu nhau hơn, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc của người lao động, hạn chế tranh chấp, ngừng việc, đình công, từ đó tiến tới xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của các cấp, các ngành của cả hệ thống chính trị và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và doanh nghiệp.
Trên thực tế việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc trong các doanh nghiệp Nhà nước đã được triển khai từ năm 1999 trên cơ sở các quy định tại Nghị định số 07/1999/NĐ-CP ngày 13/02/1999 của Chính phủ. Sau 8 năm thực hiện, Quy chế dân chủ ở cơ sở tiếp tục được triển khai đến các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn theo nội dung được quy định tại Nghị định số 87/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 của Chính phủ. Qua theo dõi và kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc trong các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh, thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận: có 30 doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức của Nhà nước có thuê mướn và sử dụng lao động theo hợp đồng lao động về cơ bản đã thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc đảm bảo theo quy định. Trong khoảng 300 doanh nghiệp (bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp dân doanh có sử dụng từ 10 lao động trở lên) thì chỉ có 40 doanh nghiệp có tổ chức Hội nghị người lao động, 118 doanh nghiệp có thành lập tổ chức Công đoàn.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, việc công khai những nội dung theo quy định và thực hiện cho người lao động được tham gia, quyết định, kiểm tra, giám sát gần như không có hoặc có nhưng chỉ là hình thức. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ còn mang tính áp đặt, soạn thảo sẵn nên rất hạn chế quyền và nguyện vọng của người lao động trong ký kết thỏa ước lao động tập thể, ký kết hợp đồng lao động và các nội dung trong quy trình tổ chức Hội nghị người lao động.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, ngày 19/6/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2013/NĐ-CP quy định chi tiết Khoản 3, Điều 63 của Bộ Luật Lao động về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2013. Nghị định này quy định đối tượng mở rộng hơn; đồng thời, về hình thức thực hiện có thêm nhiều nội dung mới;
Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc trên địa bàn tỉnh Bình Phước,
Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Đôn đốc Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị định số 60/2013/NĐ- CP tới người lao động tại nơi làm việc.
Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định của Nghị định số 60/2013/NĐ-CP .
Tổng hợp, báo cáo kết quả tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 60/2013/NĐ-CP về Ủy ban nhân dân tỉnh; hằng năm báo cáo định kỳ theo quy định.
2. Sở Tư pháp
Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn Nghị định số 60/2013/NĐ-CP đến các các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế có kế hoạch tập trung tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 60/2013/NĐ-CP đến các đơn vị có sử dụng lao động, người lao động trên địa bàn tỉnh.
3. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh
Chỉ đạo Liên đoàn Lao động các huyện, thị xã; các Công đoàn trực thuộc; Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp tổ chức quán triệt, triển khai và giám sát việc thực hiện Nghị định số 60/2013/NĐ-CP trong các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp;
Hướng dẫn các Công đoàn trực thuộc, Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp, tập thể đại diện người lao động tham gia đối thoại định kỳ, đột xuất tại nơi làm việc;
Hướng dẫn nội dung, quy trình tổ chức Hội nghị người lao động hàng năm ở các doanh nghiệp;
Phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng mô hình tiên tiến, điển hình về thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc để nhân rộng.
Kịp thời phát hiện và kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không tổ chức, triển khai thực hiện Nghị định số 60/2013/NĐ-CP .
Tham gia công tác giám sát, kiểm tra cùng các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện Nghị định số 60/2013/NĐ-CP tại các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp.
4. Ban Quản lý Khu Kinh tế
Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh trong việc hướng dẫn, kiểm tra các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu tổ chức thực hiện Nghị định số 60/2013/NĐ-CP .
Chủ trì, phối hợp với Công đoàn khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu hướng dẫn người lao động tham gia đối thoại định kỳ, đột xuất tại nơi làm việc; hướng dẫn nội dung, quy trình tổ chức Hội nghị người lao động hằng năm ở các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu.
5. Sở Thông tin và Truyền thông
Hướng dẫn các cơ quan báo, đài của tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 60/2013/NĐ-CP trên các phương tiện thông tin đại chúng; kịp thời phát hiện và giới thiệu các đơn vị thực hiện tốt, điển hình trên các phương tiện thông tin đại chúng.
6. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí tỉnh, các đơn vị có trang thông tin điện tử (Website) tích cực chủ động, kịp thời thông tin, tuyên truyền các nội dung của Nghị định số 60/2013/NĐ-CP và lập các mô hình điển hình tiên tiến.
7. Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm tổ chức phổ biến và thực hiện Nghị định số 60/2013/NĐ-CP tại cơ quan, đơn vị, tổ chức mình; tổ chức rà soát, bổ sung, điều chỉnh ban hành Quy chế dân chủ phù hợp với Nghị định số 60/2013/NĐ- CP.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã
Tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị định số 60/2013/NĐ-CP đến các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trên địa bàn huyện, thị xã và UBND các xã, phường thị trấn.
Hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị định 60/2013/NĐ-CP tới người lao động tại nơi làm việc.
Chỉ đạo Đài Truyền thanh các huyện, thị xã và Trạm Truyền thanh các xã, phường, thị trấn thường xuyên phổ biến, tuyên truyền Nghị định số 60/2013/NĐ-CP trên hệ thống loa, đài của địa phương.
Định kỳ tổ chức thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện và kết quả thực hiện Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ở các cơ quan, doanh nghiệp.
9. Tổng Giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp
Tổ chức cho người lao động nghiên cứu học tập, nắm bắt những nội dung cơ bản của Nghị định số 60/2013/NĐ-CP .
Triển khai thực hiện, đồng thời rà soát, bổ sung, điều chỉnh ban hành Quy chế dân chủ trong doanh nghiệp phù hợp với Nghi định số 60/2013/NĐ- CP.
Công khai kế hoạch, tình hình sản xuất kinh doanh, quy chế tuyển dụng, sử dụng lao động, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, định mức lao động, tiền lương - tiền công, tình hình trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động thông qua việc tổ chức đối thoại định kỳ hàng quý với người lao động và Hội nghị người lao động hàng năm.
10. Tổ chức thực hiện
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và các tổ chức, doanh nghiệp chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này; định kỳ hằng quý, 06 tháng, hằng năm báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Nghị định 60/2013/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc Ban hành: 19/06/2013 | Cập nhật: 21/06/2013
Nghị định 87/2007/NĐ-CP về Quy chế thực hiện dân chủ ở công ty cổ phần,công ty trách nhiệm hữu hạn Ban hành: 28/05/2007 | Cập nhật: 02/06/2007
Nghị định 07/1999/NĐ-CP ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp Nhà nước Ban hành: 13/02/1999 | Cập nhật: 07/12/2012