Chỉ thị 2101/CT-TTg năm 2009 triển khai biện pháp cấp bách khắc phục tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong những tháng cuối năm 2009, đầu năm 2010
Số hiệu: | 2101/CT-TTg | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Người ký: | Hoàng Trung Hải |
Ngày ban hành: | 16/12/2009 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tài nguyên, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2101/CT-TTg |
Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2009 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI MỘT SỐ BIỆN PHÁP CẤP BÁCH KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG THIẾU NƯỚC PHỤC VỤ SẢN XUẤT VÀ SINH HOẠT TRONG NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM 2009, ĐẦU NĂM 2010
Những tháng cuối năm 2009, lượng mưa trên địa bàn cả nước đều thấp hơn mức trung bình nhiều năm. Mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội xuống dưới cao trình 1,0m, thấp nhất trong vòng hơn 100 năm qua, hầu hết các hồ chứa nước đến cuối mùa mưa chưa đạt mực nước dâng bình thường. Dự báo, sẽ xảy ra tình trạng khô hạn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt trong các tháng cuối năm 2009 và đầu năm 2010.
Để chủ động phòng, chống và khắc phục hậu quả tình trạng thiếu nước do hạn hán gây ra, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ cấp bách sau đây:
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án phòng, chống hạn, đảm bảo sản xuất, bố trí chi tiết lịch lấy nước phục vụ đổ ải làm đất canh tác vụ Đông-Xuân, điều hành việc lấy nước luân phiên để các địa phương đều được cấp nước, dùng nước tiết kiệm; đồng thời chỉ đạo các địa phương có kế hoạch điều chỉnh mùa vụ sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với khả năng cung cấp nguồn nước.
- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam căn cứ vào thời gian triều cường và lịch lấy nước canh tác vụ Đông-Xuân của các địa phương, lên kế hoạch xả nước từ các hồ thủy điện, đảm bảo đủ nguồn nước và lợi dụng thủy triều duy trì mực nước trên sông ở mức các công trình thủy lợi có thể lấy được nước phục vụ sản xuất, tận dụng tối đa nguồn nước xả tăng cường từ các hồ chứa thủy điện;
- Chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương bị lũ lụt khẩn trương sửa chữa, khôi phục các công trình thủy lợi cấp bách để phục vụ cấp nước cho sản xuất; đồng thời chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi để đưa vào khai thác sử dụng; đối với các hồ chứa đang xây dựng nếu đủ điều kiện an toàn cũng thực hiện tích nước phục vụ công tác chống hạn.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn, dòng chảy để có dự báo, cảnh báo sớm về tình hình khô hạn, thiếu nước; thông báo kịp thời cho các nhà máy thủy điện, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các Bộ, ngành, địa phương liên quan và nhân dân biết để có giải pháp chủ động phòng, chống hạn, bảo vệ sản xuất có hiệu quả.
3. Tập đoàn Điện lực Việt Nam:
- Rà soát tình hình trữ nước của các hồ chứa thủy điện, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện xả nước tăng cường từ các hồ thủy điện theo lịch lấy nước đã thống nhất với các địa phương, đảm bảo nhiệm vụ cung cấp điện và cấp nước phục vụ canh tác vụ Đông Xuân năm 2009-2010 đúng thời vụ;
- Tổ chức tuyên truyền các biện pháp thực hiện chương trình tiết kiệm điện trong sản xuất và tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu về điện năng trong các tháng mùa khô năm 2010. Có biện pháp bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn cho các trạm bơm trong thời gian cần lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Chỉ đạo các cấp, các ngành đánh giá, kiểm tra, quản lý chặt chẽ nguồn nước hiện có trên địa bàn, chống rò rỉ, thất thoát nước từ các hồ chứa, các công trình thủy lợi, có biện pháp quản lý phân phối nước hợp lý, hiệu quả; thống kê nhu cầu sử dụng nước cụ thể của từng ngành, từng địa phương; lên kế hoạch bảo đảm nguồn nước để phục vụ sản xuất vụ Đông-Xuân, cấp nước cho sinh hoạt và chăn nuôi. Có các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, ngăn ngừa, xử lý ô nhiễm nguồn nước và phòng, chống dịch bệnh phát sinh do thiếu nước khi tình trạng khô hạn kéo dài.
- Chỉ đạo các Công ty quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn rà soát, kiểm tra các công trình thủy lợi, chủ động tu bổ, sửa chữa các sự cố, hư hỏng ở trạm bơm và công trình đầu mối lấy nước, sẵn sàng cho việc cấp nước phục vụ sản xuất. Triển khai lực lượng, phương tiện thực hiện nạo vét, khai thông các kênh trục chính, các cửa lấy nước, bể hút các trạm bơm và huy động nhân dân địa phương tham gia làm thủy lợi, nạo vét kênh mương nội đồng bảo vệ và sử dụng hiệu quả nguồn nước.
- Tăng cường các biện pháp trữ nước, khi có nguồn nước lấy dự trữ vào các ao, đầm và kênh trục lớn, thực hiện sử dụng nước hợp lý; chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện kịp thời lấy nước, tận dụng tối đa nguồn nước điều tiết từ các nhà máy thủy điện để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Rà soát lại kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân, có phương án chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với khả năng cung cấp nước, đảm bảo canh tác hết diện tích; chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết về giống, phân bón, vật tư… để canh tác thắng lợi vụ Đông Xuân 2009 – 2010.
- Chủ động sử dụng ngân sách của địa phương để thực hiện nhiệm vụ bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa công trình thủy lợi, phục vụ công tác phòng, chống hạn, bảo đảm sản xuất theo quy định tại khoản 2, Điều 19a của Nghị định số 154/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ.
Đối với các tỉnh bị thiệt hại do bão, lũ, chủ động sử dụng nguồn ngân sách được hỗ trợ, ngân sách địa phương và huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác để khẩn trương khôi phục, sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hại do mưa lũ, sớm đưa vào khai thác để kịp thời lấy nước phục vụ sản xuất.
5. Bộ Tài chính cân đối, bố trí kịp thời khoản kinh phí từ ngân sách trung ương để cấp bù cho các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi tương ứng với số thủy lợi phí được miễn, theo quy định tại khoản 2, Điều 19a của Nghị định số 154/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi.
6. Bộ Giao thông vận tải kiểm tra tình hình giao thông thủy trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình và các sông khác, chỉ đạo việc phân luồng, xử lý đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trong điều kiện mực nước các sông xuống thấp.
7. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương đưa tin kịp thời về thời gian xả nước tập trung từ các hồ thủy điện, diễn biến mực nước trên các sông để các địa phương chủ động triển khai lấy nước; đồng thời tiếp tục tuyên truyền, giáo dục cộng đồng thực hiện sử dụng điện tiết kiệm.
8. Giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định lập Tổ điều hành công tác phòng, chống hạn do một Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Tổ trưởng, thành viên gồm đại diện các Bộ, ngành: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Văn phòng Chính phủ; Tổ điều hành công tác phòng, chống hạn có nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành và địa phương trong việc phòng, chống hạn, đảm bảo sản xuất và khắc phục hậu quả do hạn hán gây ra, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị này./.
Nơi nhận: |
KT. THỦ TƯỚNG |
Nghị định 143/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi Ban hành: 28/11/2003 | Cập nhật: 06/12/2012