Chỉ thị 21/2006/CT-UBND tăng cường biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch lở mồm, long móng ở gia súc trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
Số hiệu: | 21/2006/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Quảng Nam | Người ký: | Nguyễn Ngọc Quang |
Ngày ban hành: | 26/05/2006 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/2006/CT-UBND |
Tam Kỳ, ngày 26 tháng 5 năm 2006 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH NGĂN CHẶN DỊCH BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG Ở GIA SÚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH.
Hiện nay tình hình dịch bệnh Lở mồm long móng trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng (đã có 57 ổ dịch ở 13 huyện, thị xã). Nguyên nhân để xảy ra tình trạng này là do nhiều địa phương còn chủ quan, chưa triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 06/CĐ/UBND ngày 14/4/2006, Thông báo số 165 /TB-UBND ngày 05/5/2006 của UBND tỉnh đã chỉ đạo, chưa tổ chức thực hiện triệt để việc tiêm phòng cho đàn gia súc theo quy định; ý thức của người dân chưa cao; việc giám sát, phát hiện bệnh không chặt chẽ, kịp thời; các biện pháp bao vây, khống chế, dập tắt các ổ dịch chưa được thực hiện kiên quyết; việc vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc không được kiểm soát chặt chẽ về thú y...
Để triển khai có hiệu quả Chỉ thị 16/2006/CT-TTg ngày 04/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện ngày 10/5/2006 của Chủ tịch Nước và Công điện số 19
BNN/CĐ ngày 18/5/2006 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phòng, chống bệnh dịch LMLM ở gia súc; đồng thời nhanh chóng dập tắt các ổ dịch LMLM trên địa bàn tỉnh, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị:
1. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Giám đốc các Sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc công điện số 06/CĐ-UBND ngày 14/4/2006, Thông báo số 165/TB-UBND ngày 04/5/2006 của UBND tỉnh về triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng, chống, dập dịch; tập trung các nguồn lực để khống chế, dập tắt dịch bệnh không để lây lan và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất của các ngành, cơ quan và chính quyền các cấp; phấn đấu khống chế được dịch bệnh trong thời gian sớm nhất.
2. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn (Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thú y) có trách nhiệm:
a) Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh LMLM trên địa bàn nhất là các ổ dịch cũ; báo cáo kịp thời với UBND tỉnh và ngành chức năng (Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thú y), đồng thời chủ động triển khai các biện pháp để ngăn chặn, dập tắt dịch bệnh khi phát hiện trên đàn gia súc có dịch, hướng dẫn người chăn nuôi trong việc phòng ngừa, vệ sinh chuồng trại, tiêu độc...
b) Tổ chức thực hiện triệt để chủ trương 5 không trong công tác phòng, chống dập dịch: không dấu dịch; không mua gia súc không rõ ràng nguồn gốc bị bệnh; không bán gia súc bị bệnh; không giết mổ gia súc bị bệnh và không tiêu hủy, xử lý gia súc bừa bãi. Thực hiện nghiêm túc công tác tiêm phòng bắt buộc đối với gia súc cả ở vùng có dịch và vùng bị uy hiếp.
Đối với các địa phương xảy ra ổ dịch, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND địa phương chỉ đạo triển khai thành lập các tổ công tác liên ngành, chốt chặn để bao vây, cách ly các khu vực khác trong vùng; tổ chức tiêm phòng bao vây vành đai ở các xã có ổ dịch theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
c) Chỉ đạo, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thú y tại địa phương mình. Chỉ cấp giấy phép kinh doanh giết mổ gia súc khi có biên bản kiểm tra, xác nhận đủ điều kiện của cơ quan thú y; phối hợp với cơ quan thú y trong việc kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh. Kiên quyết xử lý các vi phạm Pháp lệnh thú y ở các lò mổ và các chủ kinh doanh thực phẩm động vật chưa qua kiểm tra, kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chỉ đạo Chi cục Thú y hướng dẫn, phối hợp với các địa phương triển khai cụ thể các biện pháp tiêm phòng bắt buộc, chống, dập dịch theo quy trình phù hợp, có hiệu quả; chấn chỉnh công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật trên địa bàn tỉnh.
- Thường xuyên kiểm tra, theo dõi kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh, đề xuất các biện pháp tích cực báo cáo kịp thời cho UBND tỉnh biết, chỉ đạo.
4. Các Sở: Thương mại, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Công an phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước chuyên ngành trong công tác kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y thực phẩm có nguồn gốc động vật. Tăng cường hoạt động có hiệu quả các Trạm kiểm soát phía Nam và phía Bắc của tỉnh trong thời gian có dịch.
5. Các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu rõ sự nguy hại của bệnh dịch này để có trách nhiệm chủ động, tích cực tham gia các biện pháp phòng, chống, dập dịch; phản ảnh kịp thời những cơ sở, địa phương chưa làm tốt công tác này để có biện pháp chỉ đạo, chấn chỉnh nhằm thực hiện tốt pháp lệnh thú y.
6. Sở Tài chính phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh bảo đảm nguồn kinh phí kịp thời cho yêu cầu phòng, chống dịch.
7. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch gia súc của tỉnh tăng cường theo dõi, chỉ đạo, phân công các thành viên kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai đầy đủ, kịp thời các yêu cầu của công tác phòng, chống dịch đang xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, đơn vị liên quan phối hợp triển khai thực hiện./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Chỉ thị 16/2006/CT-TTg về biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng ở gia súc Ban hành: 04/05/2006 | Cập nhật: 20/05/2006