Chỉ thị 21/2006/CT-UBND về đẩy mạnh hoạt động sinh vật cảnh và xây dựng tổ chức Hội do Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: 21/2006/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Lê Thanh Hải
Ngày ban hành: 07/06/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 25/06/2006 Số công báo: Số 4
Lĩnh vực: Môi trường, Tổ chức chính trị - xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 21/2006/CT-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 06 năm 2006 

 

CHỈ THỊ

VỀ ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG SINH VẬT CẢNH VÀ XÂY DỰNG TỔ CHỨC HỘI

Trải qua 16 năm hoạt động, Hội Sinh vật cảnh thành phố Hồ Chí Minh không ngừng phát triển, đã góp phần cùng các tổ chức, nghệ nhân, nhà vườn hình thành gần 1.000 ha chuyên canh hoặc kết hợp nuôi trồng hoa, lan, bon sai, cây kiểng, cá cảnh,... thu hút hàng vạn lao động chuyên sản xuất - kinh doanh làm dịch vụ sinh vật cảnh góp phần làm cho thành phố thêm xanh - sạch - đẹp. Nhờ sản xuất và làm dịch vụ sinh vật cảnh mà nhiều hộ dân thoát cảnh đói nghèo, nhiều gia đình phát triển thành doanh nghiệp hoặc trang trại có thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha, đã xuất hiện nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả cao trong nghề trồng lan,

trồng mai, cây kiểng, cá cảnh. Thông qua nhiều loại hình hoạt động, sinh vật cảnh đã góp phần giáo dục tình yêu thiên nhiên, đất nước, con người; giữ gìn môi trường sống trong lành, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động sinh vật cảnh vẫn chưa phát triển tương xứng với khả năng, tiềm năng phong phú và đa dạng của thành phố. Sản xuất vẫn còn phân tán, nhỏ, lẻ; tổ chức Hội yếu kém, chưa tập hợp được đông đảo nhân dân tham gia; nhận thức về vị trí, vai trò, tiềm lực sinh vật cảnh vẫn còn hạn chế trong cán bộ và nhân dân. Nhiều địa phương giàu truyền thống và nhiều thế mạnh về sinh vật cảnh nhưng chưa có quy hoạch, kế hoạch để chỉ đạo phát triển sinh vật cảnh bền vững và hiệu quả.

Nhằm tiếp tục phát triển sinh vật cảnh thành một ngành kinh tế sinh thái theo hướng hình thành nền nông nghiệp đô thị năng suất cao, sản xuất tập trung, phát triển bền vững; đồng thời, bám sát thực tiễn để phát hiện và hỗ trợ việc nuôi trồng các sản phẩm khác có hiệu quả kinh tế cao, xuất khẩu được lâu dài như rau sạch, cây kiểng, hoa, cá cảnh theo

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ VIII, làm cho đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân thành phố ngày càng được cải thiện, Ủy ban nhân dân thành phố Chỉ thị :

1. Về mục tiêu phát triển sinh vật cảnh :

a. Phấn đấu đến năm 2010 diện tích sinh vật cảnh (hoa, lan,

cây kiểng, bon sai, cá cảnh) của thành phố có từ 2.000 đến 3.000 ha.

b. Thành phố trở thành trung tâm sản xuất giống cá cảnh, phong lan, hoa, cây kiểng của cả nước.

c. Đạt doanh số bình quân 200 triệu đồng/ha/năm; nhiều mô hình đạt 500 triệu đồng/ha/năm.

d. Đạt giá trị xuất khẩu ít nhất 50 triệu USD/năm trở lên.

đ. Trước mắt, tập trung triển khai thực hiện thật tốt hai khu sinh vật cảnh ở huyện Bình Chánh và huyện Củ Chi theo quy hoạch được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt; tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ trong nước và xuất khẩu.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội Sinh vật cảnh thành phố phối hợp vận động và phát huy các tổ chức và cá nhân sản xuất - kinh doanh, làm dịch vụ sinh vật cảnh hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; đồng thời, có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển sản xuất sinh vật cảnh trong nước; liên kết mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong đó, chú ý hình thành các cơ sở sản xuất giống cây, giống con sinh vật cảnh; sản xuất sản phẩm hàng hóa; cung cấp dịch vụ và kinh doanh sản phẩm sinh vật cảnh. Những địa phương có điều kiện thích hợp thì tổ chức thành các trung tâm chuyên canh, trung tâm tiêu thụ sinh vật cảnh, các khu du lịch sinh thái, các công ty cổ phần lo đầu vào, đầu ra chuyên ngành sinh vật cảnh. Hàng năm tổ chức các hội chợ, hội thi, trưng bày, triển lãm, thông tin quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, các mô hình tiên tiến về sinh vật cảnh. Việc phát triển kinh doanh sinh vật cảnh là một bộ phận hữu cơ của chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thành phố giai đoạn 2006 - 2010.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội Sinh vật cảnh thành phố phối hợp thực hiện việc đào tạo, tập huấn tay nghề kết hợp ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm sinh vật cảnh, khuyến khích phát triển các loại sinh vật cảnh độc đáo, đặc sắc, có tính cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở - ngành thành phố, Ủy ban nhân dân huyện - quận, xã - phường và các Hội đề ra chương trình, mục tiêu cụ thể, các chính sách ưu tiên đầu tư về cơ sở hạ tầng, ưu đãi về tín dụng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thủ tục xuất - nhập khẩu sinh vật cảnh và hỗ trợ kinh phí theo Quyết định số 21/2003/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ.

5. Về tổ chức Hội Sinh vật cảnh: Tiến hành tập hợp các tổ chức

Hội hiện có, đồng thời phát triển mới tổ chức Hội sinh vật cảnh ở các huyện - quận, Chi Hội cơ sở ở xã - phường theo Điều lệ tổ chức của Hội; ngoài ra, sẽ hình thành các tổ chức câu lạc bộ chuyên sâu theo ngành, nghề. Qua đó, tổ chức Hội các cấp thực hiện vai trò tư vấn trong công tác quy hoạch, kế hoạch, kiến nghị với các cơ quan Nhà nước những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách; chọn lựa sản phẩm sinh vật cảnh và đề xuất các biện pháp, bước đi phù hợp với thế mạnh về lao động, tay nghề, thổ nhưỡng, thời tiết, thị trường, v.v... nhằm bảo vệ và phát triển sinh vật cảnh thành phố. Đối với cấp thành phố, Hội có thể tổ chức một số loại hình kinh doanh chuyên ngành cá cảnh, cây kiểng, hoa lan,... và tổ chức dạy nghề, tạo ra các nguồn lực thúc đẩy sinh vật cảnh phát triển, hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới.

6. Căn cứ Chỉ thị này các cấp, các ngành có kế hoạch triển khai quán triệt nhận thức trong cán bộ và nhân dân, phát triển mạnh mẽ và có hiệu quả các hoạt động sinh vật cảnh, kiện toàn tổ chức sinh vật cảnh ở địa phương, đơn vị mình. Giao Ban Chỉ đạo Nông nghiệp và Nông thôn thành phố theo dõi, kiểm tra, tổng hợp tình hình, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố để đôn đốc, chỉ đạo và sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực Thành ủy
- Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố
- Ủy ban nhân dân thành phố
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố
- Văn phòng Thành ủy
- Ủy ban nhân dân các quận - huyện
- Các sở - ngành, đoàn thể thành phố
- Ban Chỉ đạo Nông nghiệp và Nông thôn thành phố
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Hội Sinh vật cảnh thành phố
- VPHĐ-UB: CPVP
- Tổ CNN, VX
- Lưu P.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
 



Lê Thanh Hải