Chỉ thị 20/CT-UBND năm 2013 về tăng cường công tác quản lý môi trường văn hóa du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2013 - 2015
Số hiệu: | 20/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thái Nguyên | Người ký: | Dương Ngọc Long |
Ngày ban hành: | 09/09/2013 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Văn hóa , thể thao, du lịch, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/CT-UBND |
Thái Nguyên, ngày 09 tháng 9 năm 2013 |
CHỈ THỊ
V/V TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG VĂN HÓA DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN, GIAI ĐOẠN 2013 - 2015
Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, triển khai tốt các hoạt động du lịch trên địa bàn. Hoạt động du lịch đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về quy mô và chất lượng; công tác quản lý nhà nước về du lịch từng bước được nâng cao, tạo môi trường văn hóa thuận lợi cho phát triển du lịch. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, thời gian gần đây, vẫn còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp du lịch; hiện tượng ăn xin, đeo bám du khách bán hàng rong, bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không niêm yết giá cả dịch vụ cũng như hoạt động kinh doanh ở một số doanh nghiệp du lịch. Việc tổ chức các hoạt động du lịch chưa theo kịp yêu cầu đổi mới, do đó còn để xảy ra việc du khách phản ảnh, kiến nghị về thái độ, chất lượng dịch vụ du lịch, làm ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh du lịch Thái Nguyên nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung.
Để khắc phục tình trạng trên, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với môi trường văn hóa du lịch trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
I. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã
1. Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của tỉnh để tăng cường quản lý môi trường văn hóa du lịch, công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn để khắc phục, chấn chỉnh, tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi cho hoạt động kinh doanh du lịch.
2. Thành lập Ban chỉ đạo công tác quản lý môi trường du lịch tại địa phương, do lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện làm trưởng ban, thành viên là các cơ quan, đơn vị liên quan; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất, không để xảy ra tình trạng bán hàng rong, hàng giả, hàng kém chất lượng, bán hàng không niêm yết giá; ăn xin, cò mồi, đeo bám chèo kéo khách, lấn chiếm vỉa hè….; lập đường dây nóng và cử cán bộ thường trực để kịp thời giải quyết, xử lý các thắc mắc khiếu kiện của du khách.
3. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn ký cam kết chấp hành tốt các quy định của nhà nước trong hoạt động kinh doanh du lịch, kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch.
4. Rà soát các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch có biểu hiện tiêu cực làm ảnh hưởng đến môi trường văn hóa du lịch. Xác định cụ thể các hành vi vi phạm để xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định, thường xuyên báo cáo với Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh về tình hình thực tế tại địa phương.
5. Đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp nhà vệ sinh công cộng đã có theo tiêu chuẩn hướng dẫn của Tổng cục du lịch đảm bảo chất lượng phục vụ du khách tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn; bố trí lao động duy trì công tác vệ sinh thường xuyên.
II. Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên:
- Chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp chặt chẽ cùng các sở, ngành là thành viên BCĐ phát triển du lịch tổ chức triển khai các biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý môi trường văn hóa du lịch trên toàn địa bàn tỉnh, đặc biệt là thành phố Thái nguyên và các địa phương có hoạt động du lịch, lễ hội sôi động, như: Khu du lịch vùng Hồ Núi Cốc, ATK Định Hóa, Đền Đuổm,...
- Tăng cường quản lý đối với các doanh nghiệp lữ hành, nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch của tỉnh, nhằm góp phần thực hiện quảng bá, tuyên truyền về du lịch Thái Nguyên vụ phục vụ du khách tốt hơn.
- Kiểm tra, rà soát đối với các cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ du khách trên địa bàn tỉnh như: các nhà hàng ăn uống, các cơ sở mua sắm siêu thị, Trung tâm thương mại… trên địa bàn tỉnh để hướng dẫn thực hiện cấp biển hiệu: Cơ sở kinh doanh dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch theo quy định của nhà nước.
- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp chủ trì đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, định kỳ hoặc đột xuất, kiểm tra tình hình chấp hành các quy định của nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh du lịch tại các địa phương.
- Lập đường dây điện thoại nóng và niêm yết công khai, thông báo rộng rãi đến các cơ sở hoạt động kinh doanh du lịch để tiếp nhận và xử lý kịp thời về các hiện tượng hành vi gây ảnh hưởng xấu đến môi trường văn hóa du lịch địa phương
- Định kỳ 6 tháng/lần tổ chức sơ kết, hàng năm tổ chức tổng kết báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời giải quyết tháo gỡ các khó khăn cho địa phương, tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai thực hiện.
2. Các sở, ngành là thành viên Ban chỉ đạo phát triển du lịch
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành tăng cường công tác kiểm tra, quản lý, xử lý vi phạm gây ảnh hưởng đến môi trường văn hóa du lịch thuộc ngành quản lý:
- Tăng cường công tác quản lý về an ninh, trật tự; an toàn phòng chống cháy nổ tại các khu, điểm du lịch; các cơ sở hoạt động kinh doanh du lịch. Xử lý nghiêm các cơ sở gây mất an ninh trật tự trong hoạt động du lịch.
- Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thẩm định và cấp phép các phương tiện đủ điều kiện vận chuyển khách du lịch đường bộ, đường thủy nội địa theo quy định hiện hành. Hướng dẫn các doanh nghiệp vận tải đầu tư, nâng cấp chất lượng phương tiện vận chuyển, thái độ thân thiện phục vụ khách du lịch đến Thái Nguyên.
- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất chế biến, nhà hàng ăn uống phục vụ khách du lịch.
- Thường xuyên kiểm tra nhằm phát hiện các hành vi gian lận thương mại, bán hàng giả, kém chất lượng trên địa bàn tỉnh và tại những khu, điểm cơ sở kinh doanh du lịch.
3. Ban Quản lý Khu du lịch vùng Hồ Núi Cốc, Ban quản lý Khu di tích lịch sử, sinh thái ATK Định Hóa và các Ban quản lý các Đình, Đền, Chùa các địa phương trong tỉnh
- Tăng cường công tác quản lý đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch thuộc địa bàn quản lý; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan kiên quyết xử lý tình trạng đeo bám, bán hàng rong, ăn xin, cò mồi… thuộc khu vực quản lý; thông báo, kiến nghị với các cơ quan chức năng các hành vi vi phạm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn.
- Kiểm tra, rà soát hệ thống các nhà vệ sinh công cộng đã có nhưng chưa đạt yêu cầu để cải tạo, sửa chữa và xây dựng mới theo tiêu chuẩn quy định; bố trí lao động duy trì vệ sinh thường xuyên đảm bảo nhằm phục vụ khách du lịch.
III. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, dịch vụ phục vụ du khách
Thực hiện nghiêm túc các quy định của nhà nước; tích cực phối hợp với các cơ quan nhà nước trong quản lý môi trường văn hóa du lịch. Nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, văn minh lịch sự, niêm yết giá bán, không bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, tăng cường công tác quản lý, đảm bảo môi trường văn hóa du lịch lành mạnh, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp, thương hiệu uy tín của du lịch Thái Nguyên trong giai đoạn mới.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
Nơi nhận: |
CHỦ TỊCH |