Chỉ thị 20/CT-UBND năm 2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
Số hiệu: 20/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Hưng Yên Người ký: Nguyễn Văn Phóng
Ngày ban hành: 06/10/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Môi trường, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/CT-UBND

Hưng Yên, ngày 06 tháng 10 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, TÁI SỬ DỤNG, TÁI CHẾ, XỬ LÝ VÀ GIẢM THIỂU CHẤT THẢI NHỰA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt. Mỗi năm lượng chất thải nhựa do con người thải ra trên phạm vi toàn cầu đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó có 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương. Việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi ni-lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường. Vấn đề ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề thực sự đáng báo động, đã, đang và sẽ gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái ở nước ta.

Hưởng ứng lời kêu gọi cả nước chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phong trào “Chống rác thải nhựa”của Bộ Tài nguyên và Môi trường; năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh và được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia phong trào, hạn chế việc tiêu dùng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni-lông khó phân hủy góp phần giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường.

Nhằm tiếp tục tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa để bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Thủ trưởng các các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố ban hành kế hoạch giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trong ngành, lĩnh vực và địa bàn quản lý; hoàn thành trước ngày 30 tháng 10 năm 2020, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh; trong đó tập trung chỉ đạo, yêu cầu thực hiện một số hoạt động cụ thể như sau:

a) Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị phải gương mẫu, tiên phong thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (bao gồm túi ni-lông khó phân hủy, bao gói nhựa, hộp xốp đựng thực phẩm, chai lọ nhựa, ống hút, cốc, đĩa, ống hút…); sử dụng các loại túi, bao bì đựng dùng nhiều lần khi đi chợ, mua sắm; sử dụng các sản phẩm dùng nhiều lần, các sản phẩm thân thiện với môi trường trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày,…tạo hiệu ứng để lan tỏa phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh.

b) Các cơ quan, đơn vị gương mẫu, đi đầu thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa; không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, túi nhựa đựng tài liệu, ống hút nhựa, chai nhựa đựng nước dùng một lần…trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp và ngày lễ, ngày kỷ niệm, các sự kiện khác và các hoạt động tại cơ quan, nơi làm việc; thay thế bằng cốc thủy tinh, sành, sứ; thay thế phông nền biểu ngữ in bạt nhựa bằng việc sử dụng màn hình tivi, màn chiếu, màn hình led, chữ cắt dán bằng giấy; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.

c) Truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị về phân loại, thu gom, giảm thiểu chất thải nhựa; có trách nhiệm vận động người thân, cộng đồng hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt gia đình.

d) Bố trí thùng rác để phân loại rác thải tại cơ quan, đơn vị; chất thải nhựa và các chất thải khác có thể tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh) không được để lẫn với chất thải hữu cơ dễ phân hủy (thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật). Khuyến khích việc thực hiện xử lý rác thải hữu cơ ngay tại cơ quan, đơn vị.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa, túi ni-lông khó phân hủy đối với môi trường sinh thái; hình thành ý thức, thói quen của người dân về giảm thiểu chất thải nhựa, không sử dụng túi ni- lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần; phát hiện, phổ biến và đề nghị cấp có thẩm quyền trao giải thưởng đối với các mô hình, giải pháp, sáng kiến về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa; triển khai các phong trào, áp dụng hiệu quả các mô hình chống chất thải nhựa, giảm thiểu chất thải nhựa, phân loại và thu gom chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh.

- Giám sát chặt chẽ việc sử dụng, sản xuất, tái chế nhựa phế liệu nhập khẩu theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Vận hành có hiệu quả, tham mưu UBND tỉnh nâng công suất lò đốt rác thải Dị Sử, thị xã Mỹ Hào; phối hợp UBND các huyện đẩy nhanh đầu tư, vận hành các khu xử lý chất thải tập trung, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải.

-Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện tốt việc giảm thiểu chất thải, trong đó có chất thải nhựa, thu gom, phân loại chất thải tại nguồn, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải.

3. Sở Công Thương

Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng,… hạn chế sử dụng túi ni-lông khó phân hủy; sử dụng các sản phẩm bao bì, túi đựng sử dụng nhiều lần, các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường; không cung cấp miễn phí túi ni-lông cho khách hàng hoặc chuyển từ sử dụng túi ni- lông khó phân hủy sang các loại túi khác thân thiện với môi trường.

4. Sở Tài chính

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh phân bổ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm hỗ trợ cho các huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt; lắp đặt các thùng thu gom rác thải tại nơi công cộng như: Trường học, bến xe, chợ dân sinh, công viên, …; xây dựng các mô hình, phong trào chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và địa phương tổ chức thực hiện việc thu gom, xử lý bao bì chứa đựng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón sau sử dụng trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Tuyên truyền, vận động nông dân sử dụng các sản phẩm bao bì dễ phân hủy, thân thiện với môi trường thay thế các bao bì, túi ni-lông khó phân hủy trong sản xuất nông nghiệp.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo

Xây dựng nội dung lồng ghép vào hoạt động giáo dục về phân loại chất thải và giảm thiểu chất thải nhựa cho học sinh, sinh viên; phát động phong trào “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”; tổ chức các hoạt động, cuộc thi về tác hại của việc sử dụng túi ni-lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

7. Sở Khoa học và Công nghệ

Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm, vật liệu thân thiện với môi trường nhằm thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni-lông khó phân hủy, ứng dụng công nghệ dùng xenlulo, thay thế vật liệu nhựa bằng giấy; thúc đẩy, hỗ trợ các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ về tái chế và xử lý chất thải nhựa.

8. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Tăng cường công tác vệ sinh môi trường, niêm yết quy định về thu gom, phân loại rác thải tại các khu du lịch, điểm du lịch, khu di tích,…; bố trí các thùng đựng rác đảm bảo cho việc phân loại rác thải tại các khu, điểm du lịch; xây dựng, triển khai các mô hình thu gom, phân loại chất thải nhựa, túi ni-lông tại các khu, điểm du lịch.

9. Sở Y tế

Chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện phân loại, giảm thiểu chất thải nhựa; tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân viên y tế, người bệnh và người nhà bệnh nhân thay đổi hành vi, thói quen, hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt; tiến tới thay thế bằng các vật dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng.

10. Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường; tích cực vận động hội viên tham gia thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; vận động nhân dân tăng cường sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường để gói thực phẩm thay thế túi ni lông dùng một lần như bao bì giấy, lá chuối, lá sen... ; không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần như cốc nhựa, ống hút, thìa nhựa, bát nhựa....; thu gom, phân loại và giảm thiểu chất thải nhựa ra môi trường.

11. Báo Hưng Yên, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

Tăng số lượng tin, bài viết về tác hại của chất thải nhựa, túi ni lông đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe cộng đồng; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia các hoạt động giữ vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi thói quen tiêu dùng, hạn chế tối đa việc sử dụng và thải bỏ chất thải nhựa, ni-lông.

12. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu chất thải nhựa, phân loại chất thải, chất thải nhựa; phối hợp các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội xây dựng phong trào, mô hình chống rác thải nhựa; vận động người dân giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (bao gồm túi ni-lông khó phân hủy, bao gói nhựa thực phẩm, chai lọ nhựa, ống hút, hộp xốp đựng thực phẩm, cốc và bộ đồ ăn...) để bảo vệ môi trường.

- Triển khai đăng ký tham gia thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”; không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần như: cốc nhựa, ống hút nhựa, đĩa nhựa, thay thế bằng cốc thủy tinh, sành, sứ; thay thế phông nền biểu ngữ in bạt nhựa bằng việc sử dụng màn hình tivi, màn chiếu, màn hình led, chữ cắt dán bằng giấy tại các hội nghị, sự kiện.

- Tăng cường thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo gom chất thải nhựa, rác thải trên các sông, kênh, mương; xử lý dứt điểm các điểm đổ, đốt rác thải không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

- Chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện tiêu chí bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới, đảm bảo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.

- Tổ chức, duy trì các hoạt động cộng đồng cùng dọn vệ sinh môi trường, thu gom, phân loại và xử lý rác thải định kỳ vào thứ 7, Chủ nhật hàng tuần, các dịp ngày lễ, ngày kỷ niệm.

13. Tổ chức thực hiện

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc, tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phóng