Chỉ thị 20/CT-UBND năm 2009 về tăng cường quản lý, thực hiện luật thuế trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu: 20/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Hoàng Mạnh Hiển
Ngày ban hành: 22/06/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thuế, phí, lệ phí, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 20/CT-UBND

Hà Nội, ngày 22 tháng 06 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, THỰC HIỆN LUẬT THUẾ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Những năm qua, thu Ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tục hoàn thành vượt mức dự toán thu và đạt được tốc độ tăng thu khá cao, đã có đóng góp tích cực cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn Thủ đô cũng như của cả nước. Đạt được kết quả trên là do sự nỗ lực của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nộp thuế đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả và thực hiện tốt nghĩa vụ thuế; Sự quan tâm chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương, của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, của cấp ủy, chính quyền quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, các đoàn thể chính trị xã hội trên địa bàn trong việc triển khai thực hiện các Luật thuế, trong công tác quản lý thu thuế trên từng địa bàn, lĩnh vực; Cơ quan Thuế các cấp đã có nhiều cố gắng nỗ lực trong công tác quản lý thuế, khai thác nguồn thu, chống thất thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách được giao.

Tuy nhiên, do số lượng các doanh nghiệp, hộ kinh doanh rất lớn, địa bàn hoạt động rộng, ngành nghề kinh doanh đa dạng, phức tạp; Ý thức chấp hành Pháp luật thuế của một bộ phận doanh nghiệp, hộ kinh doanh còn hạn chế; Công tác quản lý thuế trên một số lĩnh vực còn nhiều khó khăn; Hiện tượng thất thu về đối tượng nộp thuế và doanh thu, mức thuế vẫn còn, tình trạng nợ đọng thuế và trốn thuế lậu thuế chưa được khắc phục triệt để; việc doanh nghiệp được thành lập để lợi dụng buôn bán hóa đơn bất hợp pháp chưa được ngăn chặn hiệu quả; công tác quản lý thu các khoản liên quan đến đất đai, phí, lệ phí còn bất cập … thực trạng này đã ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp và gây thất thu cho Ngân sách Nhà nước; Sự phối hợp của các ngành, các cấp với cơ quan Thuế trong công tác quản lý thuế, trong việc tuyên truyền pháp luật thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, xử lý các vi phạm pháp luật về thuế … theo quy định của Luật quản lý thuế có lúc, có nơi chưa thường xuyên, chặt chẽ, làm giảm hiệu quả của công tác quản lý thuế trên địa bàn.

Để tăng cường hơn nữa công tác quản lý thu thuế theo quy định của Luật quản lý thuế, tổ chức thực hiện tốt các Luật, Chính sách thuế trên địa bàn Thành phố Hà Nội, đảm bảo nguồn thu ngân sách, khắc phục các tồn tại nêu trên UBND Thành phố chỉ thị:

1. Các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân nộp thuế:

Thực hiện sản xuất kinh doanh theo đúng quy định của Pháp luật; Thực hiện nghiêm túc việc kê khai thuế, nộp thuế theo đúng quy định của Luật quản lý thuế, các Luật thuế; phản ánh kịp thời các vướng mắc khó khăn trong sản xuất kinh doanh cũng như những vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật thuế với các ban ngành liên quan để giải quyết, tháo gỡ vướng mắc kịp thời cho doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân nộp thuế.

2. Cơ quan Thuế các cấp: thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội trong công tác quản lý thu thuế trên địa bàn, tổ chức thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác thuế được giao:

2.1. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, hiện đại hóa ngành Thuế, tăng cường công tác hỗ trợ tuyên truyền pháp luật thuế, tăng cường đối thoại với tổ chức, cá nhân nộp thuế nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn, tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân người nộp thuế; Phối hợp với các ngành liên quan củng cố hoạt động của bộ phận “Một cửa”, “Một cửa liên thông” … nhằm phục vụ tốt nhất người nộp thuế khi đến giao dịch làm việc với cơ quan Thuế.

2.2. Củng cố tổ chức bộ máy cơ quan Thuế; Thực hiện luân phiên, luân chuyển cán bộ; Chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật của ngành; Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng … nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức thuế, có thái độ giao tiếp, phục vụ người nộp thuế tận tình, văn minh, lịch sự.

2.3. Triển khai thực hiện tốt Luật Quản lý thuế và các Nghị định, Thông tư, Quy trình quản lý thu thuế, Luật thuế Thu nhập cá nhân và các văn bản hướng dẫn thi hành, các cơ chế về chính sách thuế theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, UBND Thành phố Hà Nội, đặc biệt triển khai thực hiện tốt chính sách giảm, giãn thuế theo Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế để thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, ngăn chặn suy giảm kinh tế. Tập trung triển khai Luật thuế thu nhập cá nhân, lập kế hoạch và triển khai cấp mã số thuế thu nhập cá nhân với mục tiêu hoàn thành cơ bản trước tháng 10/2009. Nắm bắt và giải quyết kịp thời với các vướng mắc trong quá trình thực hiện.

- Tổ chức thực hiện tốt quy trình quản lý thu thuế, thực hiện các biện pháp công tác quản lý thuế, phí, lệ phí trên địa bàn, chống thất thu ngân sách.

- Tăng cường công tác quản lý người nộp thuế trên địa bàn: Phối hợp chặt chẽ với cơ quan cấp đăng ký kinh doanh, với chính quyền xã, phường, thị trấn để quản lý tốt người nộp thuế.

- Tăng cường công tác kiểm tra kê khai thuế, phí và lệ phí nhằm phát hiện, chấn chỉnh việc kê khai không đúng quy định, không đầy đủ các hoạt động sản xuất kinh doanh để trốn lậu thuế; Tăng cường công tác thanh tra thuế nhằm phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật thuế, chống thất thu ngân sách, đôn đốc nộp ngân sách đúng thời hạn quy định các khoản thu qua thanh tra, kiểm tra.

- Chủ động tham mưu cho chính quyền các cấp chỉ đạo các ban ngành phối hợp triển khai thực hiện các biện pháp quản lý thuế, phí và lệ phí; phối hợp đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ đọng; đôn đốc các khoản thu liên quan đến đất đai; đề xuất báo cáo Ủy ban nhân dân chỉ đạo các ngành phối hợp kiểm tra, kiểm soát quản lý thuế đối với các lĩnh vực khó quản lý như: xây dựng cơ bản tư nhân; vận tải tư nhân; cho thuê nhà, thuê cửa hàng cửa hiệu; cho thuê nhà trọ; khám chữa bệnh tư nhân; trông giữ xe đạp, xe máy, xe ô tô tại các bãi đỗ xe … Tăng cường hiệu quả hoạt động của Hội đồng tư vấn thuế, Ủy nhiệm thu thuế.

- Thực hiện các biện pháp quản lý để khai thác các nguồn thu nhằm bù đắp các khoản hụt thu do suy giảm kinh tế và thực hiện các chính sách giãn, giảm, miễn thuế, phấn đấu hoàn thành xuất sắc dự toán thu ngân sách được giao năm 2009.

- Nghiên cứu đề xuất phân cấp nhiệm vụ quản lý thuế cho các quận, huyện, thị xã, đảm bảo quản lý sát thực tiễn, hiệu quả, phù hợp với phân cấp nguồn thu và theo hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế.

3. Các ngành, các cấp phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế trong công tác quản lý thuế:

3.1. Các Sở, Ngành, Cấp ủy, Chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội … có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thuế làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách thuế, phí, lệ phí, đặc biệt là các nội dung mới của các Luật thuế, các cơ chế chính sách về thuế, phí và lệ phí, quyền và trách nhiệm của người nộp thuế, các chế tài xử lý, cưỡng chế thuế … nhằm nâng cao sự hiểu biết về pháp luật thuế trong mọi tầng lớp nhân dân, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế.

3.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an Thành phố Hà Nội phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế tháo gỡ kịp thời mọi khó khăn vướng mắc, đảm bảo hoạt động của bộ phận “Một cửa liên thông” thực sự có hiệu quả, phục vụ tốt các tổ chức, cá nhân đến đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế.

Văn phòng đăng ký đất nhà, Kho bạc Nhà nước các quận, huyện phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế trong việc tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ thu nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

3.3. Các Sở, Ngành, Tổng công ty thuộc Thành phố:

3.3.1. Chỉ đạo các doanh nghiệp trực thuộc thực hiện nghiêm túc việc kê khai thuế, nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp với cơ quan Thuế thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ, cưỡng chế nợ thuế.

3.3.2. Chỉ đạo triển khai hướng dẫn các đơn vị trực thuộc được giao thu phí, lệ phí thực hiện các quyết định thu phí, lệ phí đã ban hành theo đúng quy định. Thực hiện kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền; rà soát các khoản phí, lệ phí, đối chiếu với danh mục chi tiết phí, lệ phí đã ban hành theo Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ, báo cáo UBND Thành phố bãi bỏ (đối với khoản phí, lệ phí không đúng quy định) hoặc xây dựng đề án thu phí lệ phí (đối với khoản phí, lệ phí chưa có quy định) để tổng hợp trình HĐND Thành phố.

3.4. UBND các quận, huyện, thị xã:

3.4.1. Chỉ đạo các ban, ngành phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế trong công tác quản lý thu thuế; chống thất thu thuế qua giá, gian lận thương mại trên địa bàn; thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ, cưỡng chế nợ thuế, nợ tiền thuê đất của các doanh nghiệp trên địa bàn;

3.4.2. Chỉ đạo cấp ủy, UBND các xã, phường, thị trấn, Hội đồng tư vấn thuế phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế trong công tác quản lý người nộp thuế, quản lý doanh thu, mức thuế của người nộp thuế nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thất thu về hộ kinh doanh, về doanh thu tính thuế, đảm bảo công bằng về thuế; giám sát hoạt động của Ủy nhiệm thu thuế; tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong công tác thu thuế, đảm bảo thu ngân sách đúng quy định; phối hợp đôn đốc thu nợ thuế Ngoài quốc doanh, nợ thuế nhà đất.

3.4.3. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã: Chỉ đạo các ngành thuộc địa phương, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường các biện pháp quản lý thu phí, lệ phí trên địa bàn; giám sát, kiểm tra việc thực hiện về đối tượng thu, mức thu, sử dụng biên lai, hóa đơn, vé khi thu phí theo đúng quy định, đặc biệt đối với hoạt động trông giữ xe đạp, ô tô, xe máy; gắn trách nhiệm quản lý của chính quyền cơ sở đối với hoạt động này nhằm đưa vào nề nếp để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, quản lý thu thuế theo đúng quy định.

3.4.4. Căn cứ nguồn kinh phí ngân sách, thực hiện hỗ trợ kinh phí theo đúng quy định để đảm bảo hoạt động của ủy nhiệm thu thuế trên địa bàn có chất lượng, hiệu quả.

3.5. Công an thành phố Hà Nội phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo Công an các quận, huyện phối hợp với cơ quan Thuế trong công tác chống thất thu thuế; chỉ đạo Công an các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế trong việc thực hiện điều tra làm rõ, đưa ra xét xử một số vụ án điểm trong việc thành lập doanh nghiệp để buôn bán hóa đơn, trốn lậu thuế … nhằm răn đe, ngăn chặn tình trạng thành lập doanh nghiệp bất hợp pháp; trong việc quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh cho thuê nhà tại các địa bàn, đặc biệt đối với hoạt động cho người nước ngoài thuê nhà.

3.6. Các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính …, UBND các quận huyện rà soát lại toàn bộ các dự án đã có quyết định giao đất nhưng chưa giải phóng được mặt bằng có biện pháp quyết liệt để giải phóng mặt bằng, bàn giao đất để chủ đầu tư nộp được tiền sử dụng đất.

Tập trung triển khai các dự án đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu các dự án có sử dụng đất …; triển khai mạnh việc rà soát sử dụng tài sản công là nhà, đất trên địa bàn, thực hiện đấu giá và thu ngân sách đảm bảo nguồn thu cho việc thực hiện dự toán được giao.

Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Cục Thuế, Kho bạc nhà nước rà soát và đề xuất phân cấp quản lý thu tiền sử dụng đất của các dự án trên địa bàn, đảm bảo phù hợp với yêu cầu quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.

3.7. Các Sở: Giáo dục đào tạo, Y tế, Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Ủy ban nhân dân các cấp … phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế trong việc tạo điều kiện đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường quản lý thu thuế đối với các hoạt động sự nghiệp có thu, hoạt động cung ứng dịch vụ ngoài công lập (hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao …), các đối tượng có thu nhập cao.

3.8. Sở Công Thương (Chi cục quản lý thị trường) tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế.

3.9. Cơ quan Tài chính, Kho bạc Nhà nước các cấp phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về cơ chế chính sách, chuyển nộp kịp thời các khoản thu phát sinh vào Ngân sách Nhà nước; tổ chức thu nộp tiền thuế qua Kho bạc, thực hiện điều tiết nguồn thu cho các cấp ngân sách; khẩn trương triển khai quy trình kết nối thu nộp giữa các cơ quan: Thuế - Kho bạc – Tài chính – Hải quan.

3.10. Các cơ quan Thông tin đại chúng, các cơ quan tuyên truyền của Thành phố: Sở Thông tin truyền thông, Đài phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Báo Kinh tế đô thị, Báo Hà Nội mới … phối hợp với cơ quan Thuế làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về công tác thuế và chính sách thuế sửa đổi, bổ sung, về cấp mã số thuế thu nhập cá nhân, các chế tài xử lý những hành vi vi phạm trong lĩnh vực thuế; kịp thời biểu dương các đơn vị điển hình chấp hành tốt nghĩa vụ thuế, đồng thời phê phán các hành vi vi phạm pháp luật thuế.

3.11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp chỉ đạo công tác tuyên truyền Luật quản lý thuế, các Luật thuế.

Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã quán triệt đầy đủ, tổ chức thực hiện tốt các chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, phản ánh kịp thời về Cục Thuế Thành phố Hà Nội để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội xem xét, giải quyết.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực TU, HĐND (để báo cáo);
- Đ/c Chủ tịch UBND TP (để báo cáo);
- Các đ/c Phó Chủ tịch UBND TP;
- Ban Tuyên giáo Thành ủy;
- UB Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hà Nội;
- Các Sở, ban, ngành của Thành phố;
- Các Tổng công ty nhà nước thuộc Thành phố;
- UBND các Quận, Huyện TP;
- Đài PTTHTP, Báo KTĐT; Báo HNM;
- Trung tâm công báo; cổng giao tiếp điện tử TP;
- CPVP, Các phòng CV;
- Lưu: VT, KT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Mạnh Hiển