Chỉ thị 20/2001/CT-UB về tăng cường xây dựng phòng đọc sách xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Cần Thơ
Số hiệu: | 20/2001/CT-UB | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Cần Thơ | Người ký: | Trần Thanh Mẫn |
Ngày ban hành: | 06/06/2001 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Văn hóa , thể thao, du lịch, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số : 20/2001/CT-UB |
Cần Thơ, ngày 6 tháng 6 năm 2001 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG PHÒNG ĐỌC SÁCH XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Hệ thống thư viện, phòng đọc sách là một thiết chế quan trọng của sự nghiệp văn hoá - thông tin, cung cấp thông tin phục vụ nhu cầu công tác, học tập, nghiên cứu và giải trí của mọi tầng lớp nhân dân; góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hoá, phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Trong các năm qua, ngoài thư viện tỉnh và hệ thống thư viện của thành phố, thị xã và các huyện, UBND tỉnh Cần Thơ đã chỉ đạo các ngành, các cấp tiến hành xây dựng tủ sách pháp luật và phòng đọc sách tại các xã, phường, thị trấn và cơ quan, ban ngành. Đến nay 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã xây dựng tủ sách pháp luật, có gần 30 phòng đọc sách xã, 50 tủ sách tại các điểm bưu điện văn hoá xã và trên 150 tủ sách tại ấp văn hóa, khu vực văn hóa gia đình với hàng chục ngàn quyển sách các loại, đã góp phần phục vụ kịp thời nhu cầu hưởng thụ văn hoá, nâng cao kiến thức cho nhân dân địa phương. Công tác xây dựng tủ sách, luân chuyển sách và phong trào đọc sách ở ấp, xã văn hóa, khu văn hóa gia đình ngày càng thu hút đông đảo bạn đọc.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả thu được, nhìn chung cơ sở vật chất của phòng đọc sách chưa nhiều, phong trào đọc sách chưa phát triển rộng rãi, nhất là ở vùng nông thôn sâu; một số nơi chưa quan tâm xây dựng phòng đọc sách tại xã, phường, thị trấn, do đó không có nguồn luân chuyển sách, báo cho cơ sở nên chất lượng một số tủ sách ấp, khu vực không giữ vững, xuống cấp trầm trọng, hạn chế một phần việc đáp ứng nhu cầu nâng cao kiến thức và đời sống văn hóa của nhân dân.
Để thực hiện tốt Pháp lệnh Thư viện và phát triển phong trào đọc sách trong nhân dân, đồng thời phấn đấu xây dựng hệ thống phòng đọc sách tại xã, phường, thị trấn, ấp, khu vực trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Chỉ thị:
1/- Giao Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, thị xã Vị Thanh và các huyện tổ chức thực hiện xây dựng và phát triển phòng đọc sách xã, phường, thị trấn trong phạm vi địa phương. Phấn đấu từ nay đến cuối năm 2001 đạt 50-70% xã, phường, thị trấn có phòng đọc sách và khép kín 100% xã, phường, thị trấn đều có phòng đọc sách vào cuối năm 2002.
Đầu tư vốn sách và cơ sở vật chất ban đầu, từng bước trang bị cho mỗi phòng đọc sách có các loại sách, báo thuộc lĩnh vực: chính trị xã hội, kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật, sách thiếu nhi, sách pháp luật để phục vụ tốt đời sống và nâng cao trình độ dân trí của nhân dân. Có thể thành lập phòng đọc sách xã, phường, thị trấn trên cơ sở tủ sách pháp luật, tủ sách của bưu điện văn hóa xã và tủ sách tại các cơ quan ở địa phương.
Bố trí phòng đọc sách độc lập, thích hợp và thuận tiện đảm bảo phục vụ cho các đối tượng bạn đọc và mượn sách. Hỗ trợ, cung cấp cơ sở vật chất và trang bị cần thiết, xây dựng nội quy quản lý, bảo quản, khai thác và sử dụng nguồn sách, báo, ấn phẩm của phòng đọc sách một cách có hiệu quả; bố trí phân công cán bộ chuyên môn về thư viện phụ trách phòng đọc sách và tổ chức phục vụ bạn đọc.
Chỉ đạo, hướng dẫn UBND xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn quản lý:
+ Trích một phần ngân sách xã, phường, thị trấn để đầu tư và vận dụng phương thức xã hội hoá huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân để duy trì và phát triển hoạt động của phòng đọc sách.
+ Hàng năm cần phải thực hiện chế độ kiểm kê phòng đọc sách, báo cáo về cơ quan quản lý cấp trên và có kế hoạch bổ sung thêm các loại sách, báo, tài liệu, đồng thời lập dự toán kinh phí về phòng đọc sách trong dự toán ngân sách xã, phường, thị trấn.
+ Xây dựng quy chế sử dụng, cho mượn, đọc các loại sách, báo, tài liệu, đảm bảo quản lý tốt phòng đọc sách. Người đọc có trách nhiệm phải bảo quản, giữ gìn, nếu làm hư hỏng, mất mát phải đền bù theo quy định.
2/- Giao Giám đốc Sở Tài chính-Vật giá phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin, Sở Tư pháp xây dựng dự toán kinh phí hàng năm để thực hiện kế hoạch xây dựng và phát triển phòng đọc sách; hướng dẫn UBND xã, phường, thị trấn lập dự toán cân đối ngân sách xã hàng năm, trong đó có dự toán kinh phí xây dựng phòng đọc sách. Đảm bảo cấp phát và quản lý việc sử dụng kinh phí xây dựng phòng đọc sách ở xã, phường, thị trấn đúng mục đích, đúng Luật Ngân sách Nhà nước.
3/- Giao Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tổ chức hướng dẫn, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp phụ trách phòng đọc sách xã, phường, thị trấn; hỗ trợ kịp thời các hoạt động thông tin tuyên truyền, kiểm tra đôn đốc thường xuyên hiệu quả hoạt động của phòng đọc sách.
4/- Giao Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, Sở Tư pháp có kế hoạch phối hợp chỉ đạo tốt nghiệp vụ quản lý, khai thác và phát huy hiệu quả phòng đọc sách ở xã, phường, thị trấn.
Yêu cầu Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan Ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, thị xã Vị Thanh và các huyện tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc, báo cáo về UBND tỉnh để chỉ đạo uốn nắn kịp thời./.
Nơi nhận :
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CẦN THƠ |