Chỉ thị 19/2007/CT-UBND về một số biện pháp tăng cường quản lý việc sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản
Số hiệu: 19/2007/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Người ký: Trần Ngọc Thới
Ngày ban hành: 08/06/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/2007/CT-UBND

Vũng Tàu, ngày 08 tháng 6 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ VIỆC SỬ DỤNG HÓA CHẤT, KHÁNG SINH TRONG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Trong thời gian qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản ở cả 03 vùng nước ngọt, lợ mặn, cửa sông và biển, nhiều đối tượng có giá trị được nuôi và phát triển mạnh mẽ cả về diện tích và sản lượng, hình thức nuôi cũng phong phú và đa dạng , nhiều mô hình nuôi đạt hiệu quả cao, như nuôi tôm sinh thái, tôm công nghiệp, nuôi cá nước lợ trong ao, đầm và nuôi cá lồng bè, nuôi ngọc trai trên biển. Từ đó, cũng nảy sinh ra việc sử dụng hoá chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản ngày một nhiều. Trước những yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm của người tiêu dùng và của thị trường xuất khẩu, gần đây một số lô hàng thủy sản xuất khẩu bị đình chỉ lưu thông do dư lượng kháng sinh cấm trong quá trình nuôi trồng thủy sản. Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, người sản xuất, kinh doanh chưa cao, các cơ sở nuôi trồng thủy sản vẫn ở trình độ thấp, năng lực quản lý còn hạn chế, đặc biệt là chính quyền các cấp chưa quan tâm đúng mức đến việc chỉ đạo thực hiện công tác quản lý việc kinh doanh và sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh ở từng địa phương.

Để khắc phục tình trạng trên nhằm thiết lập trật tự kỷ cương trong việc sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Tăng cường công tác tập huấn tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản hiểu rõ những yêu cầu của việc dùng thuốc, về nguồn gốc, tác dụng và hậu quả của nó trong nuôi trồng thủy sản. Tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân những loại thuốc cấm, thuốc hạn chế sử dụng theo qui định hiện hành.

2. Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản sử dụng các loại hóa chất, thuốc kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng nêu trong danh mục do Bộ Thủy sản ban hành. Không được sử dụng thuốc dùng cho người, hóa chất dùng trong công nghiệp để phòng trị bệnh cho động vật thủy sản và xử lý môi trường để nuôi trồng thủy sản. Không sử dụng các loại thuốc, hóa chất dùng cho động vật trên cạn để phòng và chữa trị cho động vật dưới nước. Không được lạm dụng, sử dụng quá mức các loại kháng sinh, hóa chất đối với động vật thủy sản. Khuyến khích sử dụng công nghệ sinh học trong nuôi trồng thủy sản.

3. Các cơ sở nuôi trồng phải ngưng sử dụng các loại hóa chất, thuốc kháng sinh ít nhất là 2 tuần trước khi thu họach và phải thực hiện lấy mẫu kiểm tra dư lượng hoá chất, kháng sinh cho nguyên liệu thủy sản trước khi thu hoạch. Cơ sở nuôi trồng thủy sản phải có đủ điều kiện vệ sinh thú y theo quy định.

4. Nghiêm cấm các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thuốc thú y, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản nhập khẩu, tàng trữ, sản xuất buôn bán các loại hóa chất, kháng sinh cấm theo qui định, các loại hóa chất, thuốc kháng sinh không rõ nguồn gốc, chưa hợp quy cách, chưa công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, không có tên trong danh mục các loại thuốc, hóa chất được lưu thông tại Việt Nam do Bộ Thủy sản công bố hàng năm. Cơ sở kinh doanh phải có đủ điều kiện vệ sinh thú y mới được hoạt động. Người trực tiếp kinh doanh hóa chất, thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản phải có chứng chỉ hành nghề thú y thủy sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có trình độ trung cấp trở lên về chuyên ngành nuôi trồng thủy sản.

5. Tất cả các loại thuốc thú y, hoá chất dùng trong nuôi trồng thủy sản phải thực hiện theo chế độ ghi nhãn rõ như: tên của hàng hóa; tên và địa chỉ thương nhân chịu trách nhiệm về háng hóa; định lượng; thành phần; ngày sản xuất, thời hạn bảo quản, thời hạn sử dụng; hướng dẫn bảo quản sử dụng; xuất xứ nguồn gốc hàng hóa.

6. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát từ khâu xuất nhập khẩu, sản xuất tới khâu lưu thông và kinh doanh các loại hóa chất, kháng sinh dùng trong nuôi trồng thủy sản, đồng thời tăng cường công tác hướng dẫn cho bà con ngư dân tránh trường hợp sử dụng thuốc không đúng lúc, không đúng cách, không đúng loại gây ô nhiễm và làm suy thoái môi trường.

7. Tăng cường công tác quản lý dịch bệnh, phối hợp với các tỉnh bạn lân cận cùng khu vực trong công tác kiểm tra, kiểm dịch động vật thủy sản. Đồng thời nâng cao năng lực chuyên môn, trang bị các phương tiện kỹ thuật phân tích và chẩn đoán sớm mầm bệnh để xử lý kịp thời hạn chế việc sử dụng thuốc.8. Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh phân công nhiệm vụ các sở, ban, ngành và địa phương có nuôi trồng thủy sản cụ thể như sau:

a) Sở Thủy sản chủ trì phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã tổ chức triển khai tập huấn, tuyên truyền kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, nuôi có trách nhiệm (GAP, CoC), phương pháp phòng chống dịch bệnh, kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định liên quan đến nuôi trồng thủy sản cho bà con ngư dân trên phạm vi toàn tỉnh.

Tổ chức kiểm tra và chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản thương phẩm, cơ sở sản xuất giống, cơ sở kinh doanh thức ăn, hóa chất, thuốc, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản. Rà soát khống chế dịch bệnh, lấy mẫu kiểm tra dư lượng kháng sinh, hoá chất thường xuyên. Ngăn ngừa hiệu quả việc sử dụng các loại thuốc kháng sinh, hoá chất cấm trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

Thường xuyên thông báo cho người sản xuất về tình hình cập nhật các loại thuốc, hoá chất bị các nước nhập khẩu cấm sử dụng, các điều kiện của thị trường nhập khẩu chủ yếu các loại thủy sản. Thông qua hệ thống khuyến ngư hướng dẫn ngư dân sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, tự kiểm tra chất lượng trước khi đưa vào chế biến và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tăng cường kiểm tra trước khi xuất khẩu, bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ vững uy tín và thị trường đối với thuỷ sản.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Thủy sản kiểm tra chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh hoá chất, kháng sinh, chế phẩm sinh học trong cả hai lĩnh vực dưới nước và trên cạn.

c) Sở Y tế: chủ trì phối hợp với Sở Thủy sản tăng cường kiểm soát sản phẩm thủy sản, các loại thuốc kháng sinh, hóa chất dùng trong sản xuất kinh doanh thực phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung nhằm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng và môi trường nước.

d) Sở Thương mại: tăng cường kiểm tra việc lưu thông hàng hóa chuyên ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra, kiểm soát việc lưu thông hàng giả, hàng kém chất lượng, không đúng quy cách, không rõ nguồn gốc đặc biệt các loại thuốc, hoá chất, chế phẩm sinh học trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

e) Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Tài chính: xem xét và cân đối nguồn vốn ngân sách để bố trí cho đầu tư trang thiết bị và phục vụ cho công tác kiểm tra, quản lý việc sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.

f) Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố: phối hợp với cơ quan chuyên ngành tổ chức tập huấn, tuyên truyền rộng rãi việc sử dụng hóa chất, kháng sinh, kiến thức phòng chống dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản cho bà con ngư dân.

Tổ chức triển khai các mô hình hoạt động sản xuất hiệu quả như hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh, nuôi có trách nhiệm (GAP, CoC) trong nuôi trồng thủy sản.

Xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thuộc thẩm quyền đối với các cơ sở sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản thương phẩm, kinh doanh thức ăn, hoá chất, thuốc thú y, chế phẩm sinh học cho các cơ sở thuộc địa phương mình quản lý.

g) Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh tuyên truyền rộng rãi nội dung chỉ thị này lên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân biết và cùng có trách nhiệm thực hiện.

Yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các thành phố, huyện, thị và các xã có nuôi trồng thủy sản tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị này.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Thủy sản,
- Cục KTVB QPPL- Bộ Tư pháp;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh;
- TT. Tỉnh ủy; HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban ngành trong tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo , Đài PTTH tỉnh;
- Trung tâm công báo tỉnh;
- Các DN chế biến thủy sản tỉnh;
- Lưu VT , TH
S2 31/5/2007 TS – P40

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Thới

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.