Chỉ thị 19/2002/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý thuế giá trị gia tăng
Số hiệu: 19/2002/CT-TTg Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Phan Văn Khải
Ngày ban hành: 13/09/2002 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 10/10/2002 Số công báo: Số 50
Lĩnh vực: Thuế, phí, lệ phí, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 19/2002/CT-TTg

Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 2002

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG

Qua hơn 3 năm thực hiện, Luật Thuế giá trị gia tăng đã phát huy tác dụng tích cực, khắc phục được nhược điểm thu trùng lắp qua các khâu kinh doanh của Luật Thuế doanh thu trước đây; đồng thời khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất, khuyến khích xuất khẩu.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng một số quy định chưa chặt chẽ của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Doanh nghiệp để lập hồ sơ khống về hàng hoá xuất khẩu, lập doanh nghiệp để buôn bán hoá đơn nhằm thực hiện hành vi gian lận, chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước. Cơ quan thuế và các cơ quan chức năng khác của Nhà nước đã có nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng chưa khắc phục được triệt để và có hiệu quả.

Để phát huy tính tích cực của thuế giá trị gia tăng, tăng cường quản lý thuế giá trị gia tăng có hiệu quả, giảm thất thoát, ngăn chặn và khắc phục kịp thời các hành vi gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng, thành lập doanh nghiệp để mua bán hoá đơn bất hợp pháp. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng các ngành liên quan và Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện tốt các việc sau:

1. Bộ Tài chính:

a) Nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng. Trước mắt, trình ủy ban Thường vụ Quốc hội bãi bỏ quy định về khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào theo tỷ lệ % đối với hàng hoá mua vào không có hoá đơn giá trị gia tăng để thực hiện ngay từ đầu năm 2003.

b) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện tốt Nghị định số 76/2002/NĐ-CP ngày 13 tháng 9 năm 2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2000/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng.

c) Ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định và quy trình hoàn thuế giá trị gia tăng để thực hiện tốt công tác quản lý hoàn thuế theo đúng luật định.

Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc in ấn, phát hành, bán hoá đơn cho các cơ sở kinh doanh, đảm bảo chỉ những cơ sở có hoạt động sản xuất kinh doanh mới được mua hóa đơn; tăng cường kiểm tra việc sử dụng hoá đơn, đối chiếu, xác minh hoá đơn; xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp mua bán hoá đơn bất hợp pháp đã phát hiện.

d) Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, đặc biệt là hoàn thuế đối với hàng hoá xuất khẩu qua đường biên giới đất liền.

đ) Chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ việc kiểm tra và xác nhận hàng hoá thực tế xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu qua đường biên giới đất liền, chặn đứng hiện tượng quay vòng hàng hoá xuất khẩu, xuất khẩu khống.

e) Tăng cường đào tạo, giáo dục cán bộ thuế, cán bộ hải quan về chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức để thực hiện tốt công tác quản lý thuế. Tăng cường kiểm tra nội bộ, xử lý nghiêm minh các trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc tiêu cực, thông đồng, tiếp tay cho đối tượng nộp thuế để gian lận tiền thuế của Nhà nước.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư các địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế và cơ quan có liên quan để có biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp sau khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhằm ngăn chặn, phát hiện kịp thời tình trạng thành lập doanh nghiệp để buôn bán hoá đơn, chiếm đoạt tài sản Nhà nước.

3. Bộ Tư pháp:

a) Phối hợp với các Bộ, ngành trong việc thẩm định ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo thực hiện đồng bộ, chặt chẽ.

b) Nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các hình thức và mức xử phạt vi phạm hành chính, các mức hình phạt trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của các hành vi vi phạm hành chính, các tội phạm về hoá đơn, chứng từ, gian lận thuế trong tình hình hiện nay.

4. Bộ Công an:

a) Chỉ đạo cơ quan công an các địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan và các cơ quan hữu quan để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận về thuế, buôn bán hoá đơn bất hợp pháp.

b) Tập trung chỉ đạo khẩn trương tiến hành điều tra, hoàn chỉnh hồ sơ những vụ gian lận, chiếm đoạt tiền hoàn thuế để truy tố kịp thời, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.

5. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

a) Chỉ đạo các ngân hàng có biện pháp mở rộng thanh toán qua tài khoản mở tại ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở tài khoản, thanh toán qua ngân hàng đối với hàng xuất khẩu.

b) Chỉ đạo các ngân hàng thực hiện nghiêm túc các lệnh thu, lệnh phạt của cơ quan Thuế.

6. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố:

Chỉ đạo Cục thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá và các cơ quan có liên quan trên địa bàn phối hợp thực hiện tốt các biện pháp tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, quản lý thị trường, đăng ký nộp thuế, quản lý thu thuế và hoàn thuế giá trị gia tăng.

7. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao chỉ đạo Viện Kiểm sát, Toà án nhân dân các cấp truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ gian lận về thuế do cơ quan Thuế và cơ quan Công an đã phát hiện chuyển sang.

8. Các cơ quan tuyên truyền thông tin ở Trung ương và địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền về thuế giá trị gia tăng, có chuyên mục tuyên truyền về thuế để mọi tổ chức, cá nhân và đối tượng nộp thuế hiểu về thuế giá trị gia tăng, qua đó góp phần tích cực vào việc thực hiện tốt pháp luật thuế. Kịp thời biểu dương các điển hình thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, đồng thời lên án các hành vi, đối tượng gian lận thuế.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo và có biện pháp cụ thể tổ chức thực hiện tốt các nội dung của Chỉ thị này, kịp thời báo cáo và kiến nghị biện pháp xử lý với Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính những vấn đề vướng mắc cần giải quyết.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)