Chỉ thị 18/CT-UBND năm 2015 về phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ X
Số hiệu: | 18/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Vĩnh Long | Người ký: | Nguyễn Văn Quang |
Ngày ban hành: | 31/12/2015 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:18/CT-UBND |
Vĩnh Long, ngày 31 tháng 12 năm 2015 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC PHÁT ĐỘNG THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM (2016 - 2020) THEO NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TỈNH VĨNH LONG LẦN THỨ X
Trong những năm qua, phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã có bước chuyển biến tích cực, đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2010 - 2015), quy mô nền kinh tế tăng lên, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, các ngành đều có bước phát triển, tổng sản phẩm bình quân hàng năm đạt 6,97% cao hơn bình quân chung của cả nước. Đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; phát huy dân chủ có tiến bộ, khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được tăng cường; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới, đạt một số kết quả tích cực. Công tác xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện quyết liệt, đến cuối năm 2015 toàn tỉnh có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu đề ra.
Qua các phong trào thi đua, tỉnh Vĩnh Long đã được tặng 4 Cờ thi đua của Chính phủ trong cụm thi đua 12 tỉnh Tây Nam bộ; đặc biệt năm 2012, tỉnh đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Những thành tựu nêu trên đã tạo ra tiền đề quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Long trong giai đoạn tiếp theo.
Giai đoạn 2016 - 2020, dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức. Để phong trào thi đua được thực hiện sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và mang lại hiệu quả thiết thực, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng tỉnh Vĩnh Long phát triển nhanh, mạnh và bền vững; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức kinh tế và đơn vị trong tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện tốt các nội dung sau đây:
1. Tiếp tục quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc; Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng tâm hiệp lực của toàn xã hội; hướng đến sự lan tỏa và có tác dụng lâu dài, nhất là nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương; thường xuyên nêu gương tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất cách mạng, lối sống, phong cách, trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân.
2. Ra sức thi đua thực hiện hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ X và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020) theo tinh thần Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp thứ 15 khóa VIII đề ra. Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, đảm bảo tăng trưởng hợp lý và bền vững với mức tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm tăng 7,5%.
3. Thi đua chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, hiện đại. Tiếp tục ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; ưu tiên đầu tư những dự án quan trọng có hiệu quả, tạo sự đột phá và có tác động lan tỏa tích cực đến thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh, nhất là đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tập trung thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, đẩy mạnh thương mại - dịch vụ, góp phần tiêu thụ sản phẩm gắn với thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU, ngày 06/11/2015 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020 và Đề án tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
4. Thi đua thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 50% số xã và một đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt 12 tiêu chí trở lên. Đồng thời, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, giải quyết tốt các vấn đề bức xúc về văn hóa - xã hội - môi trường ở nông thôn nhằm thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước.
5. Thi đua phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ. Phát triển và phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao; mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục, đào tạo và nâng cao kỹ năng để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Tiếp tục phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nền tảng cho phát triển nguồn lực con người; nâng cao chất lượng cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và nếp sống văn minh nơi công cộng.
6. Đẩy mạnh phong trào thi đua cải cách hành chính gắn với công tác dân vận cơ quan trên cơ sở vận dụng sáng tạo những quy định pháp luật hiện hành; lấy việc công khai minh bạch các quy định và thủ tục hành chính của Nhà nước theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và bố trí cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực theo yêu cầu công việc làm khâu đột phá trong cải cách hành chính; đồng thời gắn với đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ các dịch vụ công. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính trên địa bàn tỉnh nhằm mục tiêu đáp ứng tốt nhất yêu cầu của nhân dân.
7. Tổ chức phong trào thi đua gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, đơn vị. Cùng với việc tổ chức phát động, tổng kết phong trào thi đua chung hàng năm, cần phải quan tâm phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề với nội dung và hình thức phù hợp, bảo đảm thiết thực và hiệu quả. Đánh giá kết quả thi đua và công nhận danh hiệu thi đua phải theo các tiêu chí phù hợp với nhiệm vụ công tác của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị và mỗi cá nhân.
8. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 14- CT/TU, ngày 22/7/2014 của Tỉnh ủy Vĩnh Long. Khen thưởng phải trên cơ sở đánh giá đúng thành tích, đúng tiêu chuẩn, bảo đảm dân chủ, công khai, được dư luận xã hội đồng tình, tránh khen thưởng tràn lan, làm suy giảm ý nghĩa của việc khen thưởng.
Chú trọng phát hiện các nhân tố mới để khen thưởng; bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương “Người tốt, việc tốt”. Mỗi cơ quan, đơn vị cần xây dựng và lựa chọn các mô hình tốt, sáng kiến, điển hình tiên tiến tiêu biểu để biểu dương, tôn vinh, tuyên truyền, nhân rộng ở địa phương, ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, tạo sự lan tỏa rộng rãi. Đồng thời, tổ chức tốt việc chia cụm, khối thi đua, đăng ký giao ước thi đua, nâng cao chất lượng hoạt động cụm, khối thi đua ở cơ sở.
9. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, chính sách và các quy định về thi đua, khen thưởng; kịp thời động viên, biểu dương những đơn vị, những địa phương làm tốt, phê bình những nơi chậm triển khai và không thực hiện đúng các quy định của Luật Thi đua, khen thưởng. Xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong công tác khen thưởng.
10. Đề nghị các cấp ủy Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; chính quyền tập trung tổ chức thành công cuộc Bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XIV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, bảo đảm tỉ lệ cử tri đi bầu cao nhất, an toàn và đúng các quy định của pháp luật.
11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, các đoàn thể chính trị và các tổ chức xã hội phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, phát huy sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân trong việc vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng và thực hiện phong trào thi đua đạt được hiệu quả thiết thực, để phong trào thi đua yêu nước thực sự là phong trào hành động cách mạng của quần chúng, góp phần tích cực vào phong trào thi đua yêu nước của tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ của từng địa phương đơn vị, có trách nhiệm cụ thể hóa để thực hiện Chỉ thị này.
Thường trực Hội đồng Thi đua khen thưởng tỉnh Vĩnh Long (Ban Thi đua khen thưởng) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kiểm tra, đôn đốc và thường xuyên báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Chỉ thị này./.
Nơi nhận: |
CHỦ TỊCH |