Chỉ thị 18/CT-UBND năm 2019 về tăng cường công tác quản lý di sản địa chất, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường trong khu vực công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh
Số hiệu: | 18/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Quảng Ngãi | Người ký: | Trần Ngọc Căng |
Ngày ban hành: | 27/11/2019 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Môi trường, Văn hóa , thể thao, du lịch, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/CT-UBND |
Quảng Ngãi, ngày 27 tháng 11 năm 2019 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ DI SẢN ĐỊA CHẤT, VĂN HÓA, CẢNH QUAN THIÊN NHIÊN, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG KHU VỰC CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT LÝ SƠN - SA HUỲNH
Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh (tiền thân là Công viên địa chất Lý Sơn) được thành lập cuối năm 2015 với tư cách là một công viên cấp tỉnh. Trải qua quá trình nhiều năm xây dựng, đến nay diện mạo của một công viên địa chất toàn cầu đang từng bước được định hình và phát triển. Trong thời gian qua, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã và đang có nhiều cố gắng trong công tác triển khai xây dựng Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh trở thành Công viên địa chất toàn cầu.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế trong công tác bảo vệ di sản địa chất, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, môi trường trong khu vực Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh. Sự vào cuộc của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trong việc bảo vệ các điểm di sản chưa thật sự quyết liệt, công tác quản lý các di sản đã được công nhận hoặc đang đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận thuộc khu vực Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh chưa được quan tâm đúng mức, chưa chặt chẽ...Dẫn đến trong thời gian qua đã diễn ra một số hoạt động có thể gây mất an toàn và xâm hại các điểm di sản đang được lập hồ sơ để được công nhận.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh trở thành Công viên địa chất toàn cầu; nhằm tăng cường công tác quản lý di sản địa chất, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường để góp phần phát triển kinh tế xã hội và phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Lý Sơn, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ, Tây Trà, Trà Bồng, Sơn Hà và thành phố Quảng Ngãi tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Hướng dẫn, đôn đốc Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các sở, ngành có liên quan triển khai các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ các khu vực di tích đã và đang được cấp thẩm quyền xem xét, công nhận trên địa bàn tỉnh.
b) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố hướng dẫn, định hướng và khuyến khích người dân phát triển các làng nghề, các điểm du lịch cộng đồng; giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc sản của địa phương để phục vụ du lịch, tạo việc làm và thu nhập cho người dân trong khu vực Công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh.
c) Tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh.
d) Khuyến khích các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành cùng tham gia quảng bá Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh đến du khách trong và ngoài nước; chung tay bảo vệ các công trình, di tích, di sản tại các khu, điểm du lịch trong khu vực công viên.
2. Ban Quản lý Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh
a) Khẩn trương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh công bố ranh giới Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh và các khu vực thuộc Công viên cần được bảo vệ nghiêm ngặt để hạn chế tối đa các tác động tiêu cực ảnh hưởng đến các điểm di sản.
b) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát triển Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Tham mưu, đề xuất đưa các điểm mỏ khoáng sản đang được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định là điểm di sản vào khoanh định khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản của tỉnh.
b) Phối hợp với Ban Quản lý Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh trong việc đánh giá, xếp hạng các di sản đáp ứng các tiêu chí liên quan đến địa chất, khoáng sản.
c) Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, môi trường, đặc biệt là đối với các điểm di sản liên quan đến địa chất, khoáng sản.
d) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai các phương án quản lý bảo vệ môi trường để bảo vệ, phát huy có hiệu quả, bền vững, lâu dài các giá trị di sản địa chất trong khu vực Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh.
e) Hoàn thiện phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh, tiến hành lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ di sản địa chất với công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Công Thương
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động mua bán, vận chuyển các sản phẩm mẫu vật địa chất, khoáng sản trái pháp luật; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo
Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn nội dung thông tin phù hợp để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; tăng cường giáo dục các giá trị đạo đức, truyền thông văn hóa, khơi dậy niềm tự hào về những di sản quý giá của tỉnh nhà. Tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị các di sản địa chất, lịch sử, văn hóa cảnh quan thiên nhiên trên địa bàn tỉnh.
6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng và rừng phòng hộ trong khu vực Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh. Có kế hoạch phục hồi lại môi trường sinh thái ở khu vực này bằng các chương trình phát triển rừng hoặc nông lâm kết hợp.
7. Sở Tài chính
Căn cứ khả năng cân đối ngân sách tỉnh, hằng năm phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời bố trí kinh phí thực hiện công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác để lồng ghép với nhiệm vụ bảo vệ di sản địa chất, kinh phí bảo vệ, quản lý các di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh để các đơn vị triển khai thực hiện.
8. Các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp thực hiện công tác quản lý, bảo vệ các di sản địa chất, di sản văn hóa, cảnh quan môi trường.
9. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh
Tăng cường công tác phối hợp với chính quyền các cấp thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân, hội viên, đoàn viên tham gia, bảo vệ công trình, di sản địa chất, văn hóa, bảo vệ cảnh quan, môi trường trong khu vực Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh.
10. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị các huyện, thành phố tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp thẩm quyền xem xét, xử lý đối với các hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển các di sản, các hành vi phá hoại các công trình, di tích lịch sử, di sản văn hóa, di sản địa chất trong khu vực Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh.
11. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Lý Sơn, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ, Sơn Hà, Tây Trà, Trà Bồng và thành phố Quảng Ngãi
a) Tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý, bảo vệ các di sản văn hóa, địa chất, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trong khu vực Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh, đặc biệt là đối với các điểm di sản đã được công nhận hoặc đang được cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố nêu trên chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh trường hợp để xảy ra tình trạng các di sản đã được công nhận hoặc đang được xem xét, công nhận bị phá hoại hoặc để xảy ra tình trạng khai thác các loại khoáng sản trái phép trên địa bàn nhưng không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài.
b) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vận động nhân dân tham gia bảo vệ các công trình, di sản địa chất, văn hóa, cảnh quan môi trường; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra trên địa bàn quản lý để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển mẫu vật địa chất trái pháp luật; bổ sung nhiệm vụ bảo vệ di sản địa chất vào Kế hoạch Bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của địa phương.
c) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng, phê duyệt phương án quản lý, bảo vệ môi trường, nội quy, quy chế quản lý bảo vệ các công trình, di tích, di sản tại các điểm tham quan, khu du lịch.
12. Báo Quảng Ngãi, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh
Lồng ghép chuyên mục về quản lý di sản địa chất, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường trong công tác thông tin, tuyên truyền về Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh.
Trong quá trình thực hiện, định kỳ hằng quý hoặc đột xuất (khi có yêu cầu của cấp thẩm quyền), các sở, ban, ngành, đơn vị và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Lý Sơn, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ, Tây Trà, Trà Bồng, Sơn Hà và thành phố Quảng Ngãi gửi kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, tổ chức, cá nhân kịp thời báo cáo về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường (theo từng lĩnh vực cụ thể) để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
|
CHỦ TỊCH |