Chỉ thị 18/CT-UBND năm 2008 tổ chức thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư của tỉnh Ninh Thuận
Số hiệu: | 18/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Ninh Thuận | Người ký: | Trần Xuân Hoà |
Ngày ban hành: | 13/06/2008 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/CT-UBND |
Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 13 tháng 6 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ ĐẦU TƯ
Công tác giám sát, đánh giá đầu tư là một trong những nội dung quan trọng trong việc thực hiện quy chế quản lý đầu tư xây dựng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn triển khai thực hiện tại Thông tư số 03/2003/TT-BKH ngày 19 tháng 5 năm 2003 nhằm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đầu tư để đảm bảo đầu tư đạt hiệu quả cao, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển từng ngành, lĩnh vực, địa phương và từng dự án. Trong thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quan tâm chỉ đạo công tác giám sát, đánh giá đầu tư nên một số địa phương, một số ngành và Chủ đầu tư đã triển khai thực hiện; thông qua báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư đã giúp cơ quan chức năng phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án để đảm bảo đầu tư đúng quy hoạch, kế hoạch, mục tiêu và đảm bảo hiệu quả.
Tuy nhiên, việc thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư còn nhiều hạn chế đó là: các ngành, các cấp, các địa phương và các chủ đầu tư chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò quan trọng của công tác giám sát, đánh giá đầu tư nên còn nhiều địa phương, nhiều ngành, nhiều Chủ đầu tư chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa thường xuyên, nội dung báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không đầy đủ quy định.
Để thực hiện tốt công tác giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định tại Thông tư số 03/2003/TT-BKH ngày 19 tháng 5 năm 2003 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Các địa phương, các ngành và các chủ đầu tư phải quán triệt sâu sắc ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ và nội dung công tác giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định tại Thông tư số 03/2003/TT-BKH ngày 19 tháng 5 năm 2003 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để triển khai thực hiện ở địa phương, cơ quan mình.
2. Tất cả các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước; vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước đều phải được thực hiện và có báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định từ khâu chuẩn bị đầu tư, triển khai thực hiện đến khi kết thúc dự án đưa vào khai thác sử dụng.
3. Công tác giám sát, đánh giá đầu tư được thực hiện ở các cấp, các ngành và Chủ đầu tư gồm có:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố có báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể các dự án do mình quyết định đầu tư;
- Giám đốc các sở, ngành tổ chức thực hiện có báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư đối với dự án trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý;
- Chủ đầu tư thực hiện giám sát, đánh giá thường xuyên các dự án nhóm A, B, C do mình quản lý theo quy định; phát hiện và báo cáo kịp thời với cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án và đề xuất các giải pháp khắc phục; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư điều chỉnh dự án trong trường hợp cần thiết;
- Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo giám sát tổng thể đầu tư chung trong phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh (giao Sở Kế hoạch và Đầu tư giúp Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo).
4. Trong trường hợp cần thiết Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thành lập tổ công tác thực hiện giám sát, đánh giá các dự án do mình quyết định đầu tư; Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập tổ công tác liên ngành giám sát, đánh giá các dự án do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đầu tư.
5. Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các Chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo về giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định thì phải chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư, các vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án và phải chịu các hình thức xử lý về hành chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 53/2007/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ;
Đối với các dự án đầu tư không có báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư thì không được:
- Điều chỉnh dự án đầu tư;
- Ghi vốn kế hoạch năm sau;
- Quyết toán vốn đầu tư.
6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thủ trưởng các sở, ngành và các Chủ đầu tư chịu trách nhiệm thực hiện; báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư định kỳ 6 tháng và năm gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định;
Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các Chủ đầu tư báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) để được xem xét giải quyết./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Nghị định 53/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư Ban hành: 04/04/2007 | Cập nhật: 14/04/2007
Thông tư 03/2003/TT-BKH hướng dẫn công tác giám sát, đánh giá đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Ban hành: 19/05/2003 | Cập nhật: 05/10/2012