Chỉ thị 18/CT-UBND năm 2011 tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Số hiệu: 18/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An Người ký: Nguyễn Xuân Đường
Ngày ban hành: 02/06/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Lao động, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/CT-UBND

Nghệ An, ngày 02 tháng 6 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC ĐẢM BẢO AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG VÀ PHÒNG CHỐNG CHÁY NỔ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

Trong thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành nên công tác an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ đạt được những kết quả tích cực. So với năm 2009, năm 2010 số vụ tai nạn lao động, số vụ cháy nổ, số người bị thương và thiệt hại vì tai nạn giảm. Tuy nhiên, tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và sự cố cháy nổ trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra phức tạp. Trong năm 2010, toàn tỉnh đã xảy ra 72 vụ tai nạn lao động và sự cố cháy nổ, làm 68 người chết và bị thương, thiệt hại tài sản lên đến hàng tỷ đồng. Đặc biệt là vụ tai nạn lao động sập mỏ đá Lèn Cờ, xã Nam Thành, huyện Yên Thành, làm chết 18 người và 06 người bị thương. Hậu quả từ các vụ tai nạn lao động đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người lao động và gia đình họ, ngân sách trợ cấp xã hội từ đó cũng tăng lên.

Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là do công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ ở các ngành, các cấp, nhất là cấp cơ sở chưa được quan tâm đúng mức. Công tác tuyên truyền, chỉ đạo, kiểm tra chưa được coi trọng thường xuyên. Tình trạng vi phạm quy định an toàn lao động, phòng cháy, chữa cháy còn xảy ra khá phổ biến; nhiều cơ quan, đơn vị, cơ sở chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm và đầu tư đúng mức cho công tác An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ. Đối với những lĩnh vực có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động cao như: khai thác, chế biến khoáng sản, xây dựng, điện…, thì việc quy hoạch, xây dựng cải tạo công trình chưa thực hiện đồng bộ các quy trình, giải pháp về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ. Ý thức chấp hành pháp luật về lao động, phòng cháy, chữa cháy của người sử dụng lao động, người lao động và nhân dân chưa nghiêm.

Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời nâng cao ý thức trong việc thực hiện công tác An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban ngành cấp tỉnh, thủ trưởng các cơ quan đơn vị trên địa bàn; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các nội dung nhiệm vụ sau:

1. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về An toàn vệ sinh lao động theo quy định của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi bổ sung ngày 02/4/2007, Nghị định số 110/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002 của Chính phủ về việc bổ sung, sửa đổi một số điều Nghị định số 06/CP ngày 20/01/1995 và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan, thực hiện tốt nội dung, mục tiêu chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, An toàn vệ sinh lao động giai đoạn 2011 - 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2281/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2010.

2. Công an tỉnh tiếp tục quán triệt và thực hiện Luật phòng cháy và chữa cháy, Nghị định số 35/2003/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy; Chỉ thị số 15/2007/CT-UBND ngày 07/5/2007 của UBND tỉnh về tăng cường chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy. Các địa phương, đơn vị phải chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy trong phạm vi mình quản lý theo phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ; xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy quần chúng bảo đảm về số lượng và chất lượng, đầu tư kinh phí trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy phù hợp và ngày càng hiện đại.

3. Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp Liên đoàn lao động, Sở Lao động - TB&XH, Sở Y tế, Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn công tác An toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ đến các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ và các khu dân cư. Nội dung tuyên truyền cần nói rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của thủ trưởng các cấp, các ngành, thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, các cơ sở lao động, trách nhiệm của hộ gia đình và cá nhân đối với công tác An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ; phổ biến các văn bản pháp luật và những quy định của Nhà nước về công tác An toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ. Chú trọng các biện pháp phòng ngừa trong lĩnh vực An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ.

4. Giám đốc các Sở, thủ trưởng các ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ trên địa bàn. Đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở lao động thực hiện công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ; Chịu trách nhiệm tổ chức phát động hưởng ứng tuần lễ An toàn lao động - Phòng chống cháy nổ hàng năm theo quy định của Chính phủ, hướng dẫn của các ngành và cơ quan liên quan. Thực hiện nghiêm túc việc báo cáo kết quả triển khai và tình hình đảm bảo An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ hàng năm cho UBND tỉnh và Ban chỉ đạo tuần lễ vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ tỉnh.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh, chú trọng kiểm tra các làng nghề, các hộ sản xuất cá thể, các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản, các cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng,… Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ; báo cáo UBND tỉnh xử lý, đình chỉ hoạt động của các đơn vị vi phạm pháp luật an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ đã được kiến nghị, xử lý nhưng không tiếp thu sửa chữa.

5. Trường hợp có tai nạn lao động nghiêm trọng và sự cố cháy nổ xảy ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương và các ngành liên quan phải nhanh chóng có biện pháp xử lý và báo cáo đến cơ quan chức năng để phối hợp giải quyết hậu quả.

Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam; Giám đốc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Lao động - TB&XH để tổng hợp trình UBND tỉnh xử lý./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Đường