Chỉ thị 18/CT-UBND năm 2017 về tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh nhằm giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh do tỉnh Lào Cai ban hành
Số hiệu: | 18/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Lào Cai | Người ký: | Đặng Xuân Thanh |
Ngày ban hành: | 27/09/2017 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Y tế - dược, Dân số, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/CT-UBND |
Lào Cai, ngày 27 tháng 09 năm 2017 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHĂM SÓC SỨC KHỎE BÀ MẸ VÀ TRẺ SƠ SINH NHẰM GIẢM TỬ VONG MẸ, TỬ VONG SƠ SINH
Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của Đảng và Nhà nước, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn thách thức như: sự khác biệt về tình trạng sức khỏe, tử vong bà mẹ và trẻ em giữa các vùng miền; tốc độ giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em có xu hướng chậm lại; tử vong sơ sinh vẫn còn cao với khoảng 70% tử vong trẻ em dưới 1 tuổi.
Tại Lào Cai, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng với nỗ lực của ngành y tế, các chỉ số về sức khỏe bà mẹ, trẻ em trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Theo báo cáo thống kê của ngành y tế tỉnh, tỷ số tử vong mẹ năm 2011 là 47,9/100.000 trẻ đẻ sống, giảm xuống còn 45,0/100.000 trẻ đẻ sống năm 2016. Tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi năm 2011 là 29,8‰, giảm xuống còn 28,8‰ vào năm 2015; tử vong sơ sinh chiếm hơn 66,6% tổng số tử vong trẻ dưới 1 tuổi. Thống kê số liệu thực tế cho thấy có sự khác biệt đáng kể về tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh giữa khu vực thành thị và nông thôn.
Tuy đạt được kết quả như đã nêu trên, song công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại tỉnh Lào Cai vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc bà mẹ mang thai trước, trong và sau khi sinh còn có những hạn chế nhất định. Phong tục tập quán lạc hậu trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh còn tồn tại ở một số địa phương, tình trạng phụ nữ đẻ tại nhà không được nhân viên y tế đỡ đẻ vẫn còn cao tại các huyện miền núi, huyện nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đặc biệt ở các bệnh viện tuyến huyện còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc điều trị cấp cứu sản khoa và sơ sinh; thiếu nhân lực chuyên ngành sản phụ khoa và nhi khoa các tuyến.
Để đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trên địa bàn tỉnh, góp phần cùng cả nước đạt được mục tiêu thiên niên kỷ về giảm tử vong mẹ và trẻ em; đồng thời thực hiện Chỉ thị 06/CT-BYT ngày 11/8/2017 của Bộ Y tế về việc tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh nhằm giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh, UBND tỉnh yêu cầu:
1. Sở Y tế
- Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát các cơ sở khám, chữa bệnh (kể cả các cơ sở y tế tư nhân) trên địa bàn tỉnh để chấn chỉnh việc thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh; các quy định liên quan của pháp luật (Giấy phép hoạt động, phạm vi chuyên môn, điều kiện và năng lực thực tế về chăm sóc, cấp cứu sản khoa và sơ sinh); quy chế bệnh viện và các quy trình, quy chuẩn chuyên môn về chẩn đoán, theo dõi, cấp cứu sản khoa, cấp cứu hồi sức sơ sinh; kiên quyết xử lý nghiêm minh theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về khám chữa bệnh.
- Rà soát tình hình nhân lực y tế, trang thiết bị và tổ chức nhân sự làm công tác chăm sóc sản khoa, nhất là công tác cấp cứu sản khoa ở các tuyến y tế trên địa bàn tỉnh để có kế hoạch đào tạo cán bộ, đầu tư mua sắm trang thiết bị đảm bảo theo quy định.
- Rà soát, củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức mạng lưới khám, chữa bệnh sản phụ khoa và nhi khoa trên địa bàn tỉnh (nhất là công tác cấp cứu sản khoa ở các tuyến y tế); tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cần thiết cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, ưu tiên cho các nội dung về xử trí cấp cứu tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh.
- Chỉ đạo củng cố, tăng cường đơn nguyên sơ sinh thuộc khoa nhi đối với bệnh viện đa khoa tỉnh, huyện, thành phố.
- Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường sự phối hợp giữa chuyên khoa sản với chuyên khoa nhi và hồi sức cấp cứu trong chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh, đặc biệt trong việc xử lý cấp cứu, hồi sức sơ sinh tại phòng đẻ. Đối với các trường hợp đẻ non, đẻ thiếu cân, các bác sĩ nhi khoa phải có mặt để cùng tham gia hội chấn, hồi sức cấp cứu.
- Tích cực triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện; nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ người bệnh và tuân thủ nghiêm quy chế bệnh viện, quy trình chuyên môn của cán bộ y tế.
- Tổ chức các lớp tập huấn cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực thực hành cho cán bộ y tế các tuyến về cấp cứu hồi sức sản khoa, cấp cứu hồi sức sơ sinh; tổ chức đào tạo lại cho cán bộ y tế làm công tác sản khoa ở các tuyến để đạt tiêu chí về người đỡ đẻ có kỹ năng theo tài liệu hướng dẫn và quy định của Bộ Y tế. Tiếp tục đào tạo, củng cố và duy trì hoạt động của đội ngũ cô đỡ thôn bản ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường thực hiện các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình để hạn chế tình trạng mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn, bất hợp pháp; đẩy mạnh công tác sàng lọc trước sinh nhằm hạ thấp tỷ lệ sơ sinh dị tật.
- Tiếp tục tăng cường công tác tiêm chủng mở rộng để đảm bảo tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin hàng năm đạt từ 95% trở lên. Bảo đảm cho trẻ sơ sinh được tiêm Vitamin K, tiêm vắc xin phòng viêm gan B trước 24 giờ sau sinh và các loại vắc xin khác thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng.
- Tăng cường công tác truyền thông - giáo dục sức khỏe để nâng cao kiến thức, thay đổi thái độ, hành vi của người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số về chăm sóc thai nghén, nguy cơ của việc không khám thai định kỳ, lợi ích của việc sinh đẻ tại cơ sở y tế, phương pháp chăm sóc trẻ sơ sinh, kịp thời cho trẻ bị bệnh đi khám chữa bệnh tại cơ sở y tế.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Sở Y tế đề xuất đưa các chỉ tiêu về giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh hàng năm. Bố trí nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các Bệnh viện đa khoa huyện, thành phố và Bệnh viện Sản Nhi để có thể thực hiện chăm sóc sản khoa toàn diện.
3. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước để tập trung thực hiện các biện pháp tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh nhằm giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh.
4. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Lào Cai, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh
Tích cực phối hợp với Sở Y tế trong việc đẩy mạnh tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và phòng, chống các tai biến sản khoa; tăng cường các hoạt động thông tin - truyền thông - giáo dục sức khỏe, nâng cao kiến thức, thay đổi thái độ, hành vi của người dân, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số về chăm sóc thai nghén, nguy cơ của việc không khám thai định kỳ và không đến sinh con ở các cơ sở y tế, đỡ đẻ không có cán bộ y tế đỡ.
5. UBND các huyện, thành phố
- Đưa mục tiêu, chỉ tiêu giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương. Chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động phối hợp liên ngành trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân nói chung, bà mẹ và trẻ em nói riêng. Tăng cường đầu tư cho trạm y tế tuyến xã để thực hiện đạt và duy trì việc thực hiện Bộ Tiêu chí Quốc gia về Y tế xã.
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đảm bảo chi trả kinh phí theo đúng chế độ đối với đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản thuộc thẩm quyền quản lý.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể tỉnh:
Tăng cường phối hợp với ngành y tế và các cơ quan liên quan trong việc tổ chức tuyên truyền cho nhân dân về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, địa phương báo cáo về Sở Y tế để được hướng dẫn kịp thời theo chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao. Giao Sở Y tế tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các Đoàn thể tỉnh phối hợp và yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này. Đồng thời thường xuyên báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Y tế để tổng hợp)./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Chỉ thị 06/CT-BYT năm 2019 về tăng cường vận động thể lực trong ngành y tế Ban hành: 14/05/2019 | Cập nhật: 15/05/2019
Chỉ thị 06/CT-BYT năm 2017 về tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh nhằm giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh Ban hành: 11/08/2017 | Cập nhật: 18/12/2017
Chỉ thị 06/CT-BYT năm 2016 về tăng cường bảo đảm chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh khi thực hiện điều chỉnh, thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc Ban hành: 29/03/2016 | Cập nhật: 01/04/2016
Chỉ thị 06/CT-BYT năm 2014 tăng cường công tác thanh, kiểm tra phòng chống hành vi gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh Ban hành: 13/06/2014 | Cập nhật: 25/06/2014
Chỉ thị 06/CT-BYT năm 2013 tăng cường quản lý, giám sát hoạt động đấu thầu cung ứng thuốc trong các cơ sở y tế Ban hành: 14/06/2013 | Cập nhật: 10/09/2013
Chỉ thị 06/CT-BYT năm 2011 về tăng cường công tác phòng chống tay chân miệng Ban hành: 18/08/2011 | Cập nhật: 26/08/2011
Chỉ thị 06/CT-BYT năm 2010 về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh đặc biệt cúm A(H5N1), cúm A(H1N1) trong mùa Đông - Xuân Ban hành: 07/12/2010 | Cập nhật: 11/12/2010