Chỉ thị 18/2009/CT-UBND tăng cường nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự
Số hiệu: 18/2009/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh Người ký: Trần Minh Kỳ
Ngày ban hành: 20/08/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thi hành án, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

S: 18/2009/CT-UBND

Hà Tĩnh, ngày 20 tháng 8 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Ngày 14 tháng 11 năm 2008, tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 và Nghị quyết về việc thi hành Luật Thi hành án Dân sự. Để tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Thi hành án Dân sự có hiệu lực từ ngày 01/7/2009, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong khắc phục án tồn đọng, tăng cường pháp chế, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh, huyện, thành phố, thị xã

a. Khẩn trương kiện toàn tổ chức, xây dựng quy chế tổ chức, hoạt động và kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo qui định của Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2009.

Thi hành án dân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kiện toàn tổ chức Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh, xây dựng quy chế tổ chức hoạt động và kế hoạch công tác; chỉ đạo, hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã kiện toàn Ban Chỉ đạo, xây dựng qui chế tổ chức hoạt động theo qui định.

b. Chỉ đạo cơ quan Thi hành án Dân sự cùng cấp thực hiện các giải pháp đồng bộ, tổ chức có hiệu quả việc thi hành án; hàng năm tổ chức các đợt cao điểm giải quyết việc thi hành án tồn đọng và tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc về thi hành án.

c. Chỉ đạo các cơ quan chức năng, huy động lực lượng của các cơ quan hữu quan trong bộ máy chính quyền và các đoàn thể trong hệ thống chính trị, phối hợp hỗ trợ tổ chức thi hành án dân sự; đặc biệt là thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, theo đề nghị của Cơ quan Thi hành án Dân sự.

d. Tăng cường phối hợp với Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh và các cơ quan thông tin truyền thông, tuyên truyền phổ biến rộng rãi nội dung về Luật Thi hành án dân sự và Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật Thi hành án dân sự cho cán bộ, Đảng viên và nhân dân.

2. Cơ quan Thi hành án Dân sự tỉnh

a. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thi hành tốt Luật Thi hành án dân sự; hướng dẫn tháo gỡ kịp thời các vướng mắc của các cơ quan thi hành án, chấp hành viên và các cơ quan hữu quan trong quá trình áp dụng Luật Thi hành án dân sự.

Có kế hoạch, giải pháp đồng bộ giải quyết căn bản số vụ việc thi hành án tồn đọng, hạn chế phát sinh tồn đọng mới; phấn đấu thi hành án hàng năm vượt chỉ tiêu Bộ Tư pháp đề ra; rà soát, đề nghị miễn thi hành các khoản thu vào ngân sách nhà nước có giá trị dưới 500.000 đồng mà thời gian tổ chức thi hành đã quá 05 năm tính đến ngày 01/7/2009 nhưng không có điều kiện thi hành - hoàn thành trong năm 2009. Tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo các cơ quan Thi hành án Dân sự; chỉ đạo tiến hành xác minh, phân loại, tổ chức thi hành dứt điểm những vụ việc có điều kiện thi hành án nhưng chưa thi hành được, nhất là những việc có đơn thư khiếu nại, tố cáo; xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các cơ quan tổ chức, cá nhân cố tình dây dưa, cản trở hoạt động thi hành án; kịp thời giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động thi hành án ngay tại cơ sở.

b. Tổ chức tập huấn bồi dưỡng chuyên sâu nội dung của Luật Thi hành án dân sự, Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành cho đội ngũ Chấp hành viên, cán bộ thi hành án và cán bộ tư pháp cấp xã, hoàn thành trong năm 2009.

c. Thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan thi hành án dân sự, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, tăng cường trách nhiệm của cán bộ công chức đi đôi với giáo dục đạo đức nghề nghiệp; kịp thời khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thi hành án dân sự; xây dựng đội ngũ cán bộ, chấp hành viên thi hành án có phẩm chất đạo đức tốt, vững vàng về bản lĩnh chính trị, tinh thông về chuyên môn nghiệp vụ; đáp ứng được yêu cầu công tác thi hành án dân sự.

3. Công an tỉnh

Chỉ đạo Công an các cấp có biện pháp tăng cường công tác bảo vệ cưỡng chế thi hành án, phối hợp bảo vệ kho vật chứng của cơ quan Thi hành án Dân sự trong trường hợp cần thiết.

Chỉ đạo Trại tạm giam Công an tỉnh giáo dục người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt hoặc đang bị tạm giam, tạm giữ tại trại thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Toà án; thực hiện thông báo các giấy tờ về thi hành án dân sự cho người phải thi hành án; cung cấp cho cơ quan thi hành án dân sự các thông tin liên quan về người phải thi hành án dân sự và phối hợp thu tiền thi hành án theo qui định của Luật Thi hành án dân sự.

4. Kho bạc nhà nước, Bảo hiểm xã hội, ngân hàng và tổ chức tín dụng khác

Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm Xã hội, ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tăng cường công tác phối hợp thi hành án dân sự, có trách nhiệm: Cung cấp đúng, đầy đủ, kịp thời thông tin số liệu về tài khoản, về các khoản thu nhập của người phải thi hành án theo yêu cầu của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự; thực hiện nghiêm chỉnh, kịp thời yêu cầu của Chấp hành viên về phong toả tài khoản, phong tỏa tài sản; khấu trừ tiền trong tài khoản; giải toả việc phong toả tài khoản, phong toả tài sản của người phải thi hành án; thực hiện đầy đủ yêu cầu khác của Chấp hành viên, cơ quan Thi hành án Dân sự theo quy định của pháp luật.

5. Sở Tài chính

Phối hợp với các cơ quan liên quan có biện pháp thực hiện hiệu quả hỗ trợ tài chính để thi hành án đối với người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức do Nhà nước thành lập hoạt động hoàn toàn bằng ngân sách nhà nước; xem xét đề xuất UBND tỉnh bảo đảm kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh và hỗ trợ các cơ quan Thi hành án Dân sự trong trường hợp cần thiết.

6. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã

a. Tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác Thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật; phát huy vai trò của cơ quan tư pháp, chỉ đạo các cơ quan có liên quan phối hợp chặt chẽ cơ quan Thi hành án Dân sự trong việc tổ chức thi hành án dân sự.

b. Chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án Dân sự cấp huyện; kịp thời chuyển dịch, đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật.

c. Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp xã, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tăng cường công tác phối hợp với cơ quan Thi hành án Dân sự để thi hành có hiệu quả các việc thi hành án trên địa bàn..

7. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

Có trách nhiệm giáo dục công nhân, viên chức trong đơn vị là đối tượng phải thi hành án gương mẫu trong việc thi hành các bản án, quyết định của Toà án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật.

8. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật các cấp

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thi hành án Dân sự và Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật cho toàn thể cán bộ, Đảng viên và nhân dân; hình thức tuyên truyền, phổ biến phong phú, đa dạng, dễ hiểu; nội dung đảm bảo chất lượng, nhằm giúp cho mọi người hiểu, nhận thức đúng pháp luật về thi hành án, từ đó tôn trọng và tự nguyện, tự giác thi hành các bản án, quyết định về dân sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Kịp thời biểu dương, khen thưởng cho những người có gương tốt, việc tốt để phát huy nhân rộng trong toàn tỉnh.

Thủ trưởng cơ quan Thi hành án Dân sự tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Chỉ thị này.

Thi hành án Dân sự tỉnh phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và định kỳ báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh về kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ban hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Cục Thi hành án Dân sự - Bộ Tư pháp;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- TT Tỉnh uỷ, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp; Thi hành án Dân sự tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Chánh, Phó VP UBND tỉnh;
- Đài PT-TH tỉnh, Báo Hà Tĩnh;
- Website của Chính phủ;
- TT Công báo - Tin học tỉnh;
- Lưu: VT, NC.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Trần Minh Kỳ

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.