Chỉ thị 18/2007/CT-UBND về chống đưa tạp chất vào nguyên liệu thủy sản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Số hiệu: 18/2007/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Người ký: Trần Ngọc Thới
Ngày ban hành: 08/06/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18 /2007/CT-UBND

Vũng Tàu, ngày 08 tháng 6 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHỐNG ĐƯA TẠP CHẤT VÀO NGUYÊN LIỆU THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU

Thời gian gần đây, tình trạng đưa tạp chất vào nguyên liệu thủy sản xảy ra ngày càng nhiều với quy mô rộng lớn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản, đặc biệt là ảnh hưởng đến uy tín của hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới, tác động xấu đến kế hoạch phát triển xuất khẩu của ngành thủy sản tỉnh, đồng thời làm giảm kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta. Để ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào nguyên liệu thủy sản, giữ vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản, bảo vệ uy tín của sản phẩm thủy sản Việt Nam và thực hiện nghiêm túc các văn bản của Chính phủ, của Bộ Thủy sản về việc cấm đưa tạp chất vào trong nguyên liệu thủy sản, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ thị:

1. Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh kinh doanh thủy sản đưa các loại tạp chất như: kim loại, que tre, cọng dừa, bơm chích nước, agar, tinh bột, phụ gia và các loại hóa chất vào nguyên liệu thủy sản gây thiệt hại về kinh tế và sức khỏe của người tiêu dùng.

2. Sở Thủy sản nghiên cứu ý kiến chỉ đạo của Bộ Thủy sản và các tài liệu có liên quan, khẩn trương biên soạn tài liệu tuyên truyền về tác hại của việc đưa tạp chất vào nguyên liệu thủy sản để giáo dục nhận thức cho các đối tượng liên quan. Sở Thủy sản phải hoàn thành xong nội dung tài liệu trong thời gian sớm nhất và cung cấp cho các sở, ban, ngành, các địa phương liên quan để phục vụ tốt công tác tuyên truyền.

Sở Thủy sản có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiến hành kiểm tra về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản; tăng cường công tác tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyên truyền về tác hại của tạp chất vào nguyên liệu thủy sản cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh thủy sản. Thực hiện công nhận về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở đạt tiêu chuẩn theo đúng qui định của pháp luật. Chủ trì, phối hợp với Sở Thương mại, Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành nhằm triển khai kiểm soát, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp đưa tạp chất vào nguyên liệu thủy sản, thiết lập duy trì hệ thống đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Thực hiện đầy đủ chương trình lấy mẫu kiểm tra tạp chất, hóa chất độc hại trong nguyên liệu thủy sản. Tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo công tác kiểm tra, xử lý việc đưa tạp chất vào nguyên liệu thủy sản trong lĩnh vực bảo quản, thu mua, chế biến thủy sản của tỉnh theo hướng: Trưởng ban là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương liên quan. Định kỳ, tổ chức họp Ban Chỉ đạo để đánh giá tình hình, rút kinh nghiệm để triển khai tốt nhiệm vụ được giao.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng, đoàn thể của địa phương tổ chức lực lượng đến tận các cơ sở thu mua, các tàu cá và ngư dân khai thác tuyên truyền, giáo dục, yêu cầu các đối tượng viết cam kết không vi phạm việc đưa tạp chất vào nguyên liệu thủy sản; nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

4. Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Báo Bà Rịa – Vũng Tàu thường xuyên đưa tin, hình ảnh, phản ánh kịp thời, tích cực về công tác tuyên truyền, giáo dục của các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương; chú ý tránh đưa những thông tin lệch lạc, thiếu chính xác, gây ảnh hưởng không tốt đến hoạt động sản xuất của địa phương.

5. Công an tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức rà soát, theo dõi, phát hiện để xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm về mua bán, tiêu thụ và sử dụng hóa chất cấm trong thu mua, bảo quản và chế biến thủy sản.

6. Yêu cầu các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh, quán triệt thống nhất các doanh nghiệp chế biến thủy sản tích cực phối hợp cùng các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt các nội dung chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh; cam kết không thu mua nguyên liệu đã phát hiện hoặc nghi ngờ có tạp chất. Kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng phối hợp xử lý các lô nguyên liệu đầu vào đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng và duy trì mạng lưới cung cấp nguồn nguyên liệu sạch cho đơn vị mình.

Yêu cầu các tổ chức, các cá nhân kinh doanh thủy sản, các sở, ban, ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc thực hiện chỉ thị này để nhanh chóng chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào nguyên liệu thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Thủy sản,
- Cục KTVB QPPL- Bộ Tư pháp;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh;
- TT. Tỉnh ủy; HĐND tỉnh;
- CT, các phó CT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban , Ngành ;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo , Đài PTTH tỉnh;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Các DN chế biến thủy sản tỉnh;
- Lưu VT, TH
S2 31/5/2007 TS-P43

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Thới

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.