Chỉ thị 18/2006/CT-UBND chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý chất lượng khảo sát, thiết kế và lập dự toán các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
Số hiệu: | 18/2006/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Đồng Tháp | Người ký: | Trương Ngọc Hân |
Ngày ban hành: | 09/06/2006 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Xây dựng nhà ở, đô thị, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/2006/QĐ-UBND |
Thị xã Cao Lãnh, ngày 09 tháng 6 năm 2006 |
CHỈ THỊ
VỀ CHẤN CHỈNH VÀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG KHẢO SÁT, THIẾT KẾ VÀ LẬP DỰ TOÁN CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP
Thời gian qua, công tác quản lý chất lượng các công trình xây dựng sử dụng ngân sách nhà nước do Tỉnh quản lý đã đạt được một số tiến bộ nhất định; các chủ đầu tư có ý thức trong công tác quản lý chất lượng công trình, đa số công trình kể cả các công trình có kiến trúc hiện đại, mỹ thuật khi triển khai xây dựng đều tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật, góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị. Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, trong lĩnh vực tư vấn xây dựng công trình vẫn còn nhiều hạn chế như: hồ sơ khảo sát thiết kế chưa đạt yêu cầu về chất lượng, còn nhiều sai sót trong tính toán, thuyết minh và bản vẽ không phù hợp, tiến độ thực hiện khảo sát thiết kế kéo dài. Năng lực hoạt động của các tổ chức tư vấn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn Tỉnh.
Để chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý chất lượng khảo sát, thiết kế và lập dự toán các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ thị:
1. Đối với chủ đầu tư
a) Chủ đầu tư phải thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc quản lý toàn diện chất lượng công trình xây dựng và hiệu quả dự án đầu tư xây dựng được quy định tại Chương III và Chương IV của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
b) Khi lựa chọn nhà thầu khảo sát xây dựng, nhà thầu thiết kế xây dựng công trình, chủ đầu tư cần phải:
- Yêu cầu nhà thầu phải xuất trình giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh còn hiệu lực pháp luật, phù hợp với nội dung công việc nhận thầu;
- Yêu cầu các cá nhân thực hiện chủ nhiệm khảo sát địa hình, chủ nhiệm khảo sát địa chất, chủ nhiệm thiết kế, chủ trì thiết kế phải có chứng chỉ hành nghề và có đủ năng lực hành nghề phù hợp với loại, cấp công trình được giao theo đúng quy định.
Nghiêm cấm chủ đầu tư giao khoán cho cá nhân hoặc nhà thầu thi công xây dựng thực hiện công tác khảo sát, thiết kế dưới bất kỳ hình thức nào.
c) Việc ký kết hợp đồng trong hoạt động xây dựng, chủ đầu tư phải yêu cầu tổ chức tư vấn đảm bảo thực hiện đúng quy định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, chủ đầu tư phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc các tổ chức tư vấn thực hiện đúng các điều khoản đã cam kết, nhất là về tiến độ thực hiện.
d) Có trách nhiệm kiểm tra và phê duyệt: nhiệm vụ khảo sát xây dựng, phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng, bổ sung nhiệm vụ khảo sát xây dựng; kiểm tra và nghiệm thu kết quả khảo sát xây dựng; phê duyệt nhiệm vụ thiết kế, nghiệm thu và xác nhận sản phẩm thiết kế. Khi cần thay đổi thiết kế xây dựng công trình, chủ đầu tư phải tuân thủ đúng quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Tất cả thay đổi thiết kế đã được phê duyệt trong quá trình thi công phải được cấp có thẩm quyền cho phép trước khi triển khai.
đ) Chủ đầu tư phải tổ chức giám sát công tác khảo sát; kiểm tra, thẩm định chất lượng hồ sơ khảo sát, thiết kế cơ sở và các bước thiết kế tiếp theo trước khi nghiệm thu và thanh lý hợp đồng theo quy định của pháp luật; báo cáo kết quả kiểm tra kịp thời cho cơ quan quản lý nhà nước theo phân cấp đối với các vi phạm hợp đồng về tiến độ và chất lượng hồ sơ khảo sát, thiết kế và lập dự toán công trình xây dựng và việc chậm khắc phục của tổ chức tư vấn.
Tùy theo tính chất, quy mô và yêu cầu của công trình xây dựng, chủ đầu tư được thuê tư vấn giám sát công tác khảo sát xây dựng, tư vấn thẩm tra thiết kế. Các đơn vị tư vấn phải có đủ điều kiện năng lực hoạt động theo quy định pháp luật.
e) Đối với những công trình gồm: Trụ sở Ủy ban nhân dân từ cấp huyện trở lên; công trình văn hoá, thể thao và các công trình công cộng khác có quy mô cấp I, cấp đặc biệt; chủ đầu tư phải tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình xây dựng theo đúng quy định về thi tuyển kiến trúc công trình xây dựng.
g) Định kỳ 6 tháng (đầu tháng 6 và đầu tháng 12), chủ đầu tư nhận xét, đánh giá tình hình hoạt động của từng tổ chức tư vấn tham gia dự án do mình quản lý gởi về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân Tỉnh.
2. Đối với tổ chức tư vấn
a) Nhà thầu khảo sát xây dựng, nhà thầu thiết kế xây dựng công trình phải thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện quản lý chất lượng khảo sát xây dựng, quản lý chất lượng thiết kế xây dựng công trình theo quy định tại Chương III và Chương IV của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
b) Mỗi đơn vị tư vấn thiết kế phải có tổ chức hệ thống quản lý chất lượng để quản lý thống nhất chất lượng hồ sơ xuất xưởng và khắc phục các thiếu sót trong hoạt động khảo sát, thiết kế và lập dự toán công trình xây dựng theo các quy định hiện hành.
c) Khi giao nhiệm vụ chủ nhiệm công trình, chủ trì khảo sát, thiết kế cho các cá nhân thực hiện phải đảm bảo có chứng chỉ hành nghề phù hợp với quy định pháp luật; phải tổ chức kiểm tra chất lượng sản phẩm của từng lĩnh vực cụ thể, đảm bảo chất lượng theo quy định hiện hành của Nhà nước, phù hợp với nội dung hợp đồng đã ký với chủ đầu tư.
Các tổ chức tư vấn khảo sát, thiết kế phải tăng cường nhân lực để đáp ứng đủ điều kiện năng lực của tổ chức theo quy định.
Các cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng chỉ ký hợp đồng lao động dài hạn với một tổ chức theo quy định của pháp luật.
d) Thực hiện mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo quy định pháp luật.
đ) Nhiệm vụ khảo sát xây dựng công trình phải được tổ chức tư vấn thiết kế hoặc nhà thầu khảo sát xây dựng lập và được chủ đầu tư ra quyết định phê duyệt. Trên cơ sở này, nhà thầu khảo sát lập phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng và được chủ đầu tư phê duyệt. Công tác khảo sát xây dựng phục vụ thiết kế hoặc công tác đo đạc xây dựng chỉ được triển khai ở hiện trường sau khi phương án kỹ thuật khảo sát đã được duyệt. Nghiêm cấm tiến hành các công tác nói trên khi chưa có phương án kỹ thuật khảo sát được duyệt.
Tất cả thiết bị, máy móc dùng để thực hiện công tác khảo sát đều phải được kiểm định và kiểm tra định kỳ. Tất cả các số liệu khoan, đào, đo, quan trắc hiện trường và các tài liệu tính toán trước khi lập báo cáo kết quả khảo sát đều phải được kiểm tra, lập thành hồ sơ để bàn giao cho chủ đầu tư và lưu trữ.
e) Khi thiết kế xây dựng công trình, nhà thầu thiết kế phải căn cứ nhiệm vụ thiết kế đã được chủ đầu tư phê duyệt; nội dung thuyết minh, bản vẽ, thành phần hồ sơ các bước thiết kế phải phù hợp với những quy định về lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, tổng dự toán các công trình xây dựng. Khi thực hiện bước sau của quá trình thiết kế, tổ chức thiết kế phải có trách nhiệm tuân thủ các hồ sơ được duyệt ở bước trước đó.
Nhà thầu thiết kế không được thay đổi thiết kế được duyệt, tất cả thay đổi thiết kế trong quá trình thi công phải được cấp có thẩm quyền cho phép trước khi triển khai.
Trong quá trình thi công xây dựng, nhà thầu thiết kế phải thực hiện công tác giám sát tác giả theo quy định. Khi phát hiện thi công sai so với thiết kế, người giám sát tác giả ghi nhật ký thi công và có văn bản thông báo chủ đầu tư yêu cầu thực hiện đúng thiết kế.
g) Trường hợp nhà thầu khảo sát, thiết kế thực hiện không đảm bảo yêu cầu theo hợp đồng; không đúng nhiệm vụ khảo sát, thiết kế; phát sinh khối lượng thi công do khảo sát, thiết kế sai; sử dụng các thông tin, tài liệu, quy chuẩn, tiêu chuẩn về khảo sát, thiết kế xây dựng không phù hợp và các hành vi vi phạm khác gây ra thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật, đồng thời bồi thường thiệt hại như sau: nhà thầu khảo sát phải khảo sát lại và chịu mọi chi phí có liên quan khác, kể cả chi phí giám sát công tác khảo sát xây dựng; nhà thầu thiết kế phải thiết kế lại và chịu mọi chi phí có liên quan khác, kể cả chi phí thẩm tra thiết kế, thiệt hại do khối lượng phải đập phá và bồi thường thiệt hại do thời gian công trình bị kéo dài vì chất lượng khảo sát kém, thiết kế sai gây ra.
3. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng
a) Các cơ quan quản lý nhà nước được phân công quản lý chất lượng công trình xây dựng thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức tư vấn thực hiện đúng các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá chuyên ngành.
b) Sở Xây dựng phối hợp với các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành tổ chức kiểm tra thường xuyên hay đột xuất để phát hiện kịp thời các tổ chức tư vấn khảo sát, thiết kế vi phạm các quy định về quản lý chất lượng khảo sát, thiết kế và xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chánh trong hoạt động xây dựng và các quy định pháp luật có liên quan.
Định kỳ 6 tháng, Sở Xây dựng tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân Tỉnh về tình hình hoạt động của các tổ chức tư vấn hoạt động trên địa bàn Tỉnh. Hàng năm, Sở Xây dựng tổng hợp đánh giá điều kiện năng lực của các tổ chức tư vấn nhằm giúp chủ đầu tư trong việc chọn thầu tư vấn khảo sát, thiết kế.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành Tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và các tổ chức, cá nhân hoạt động khảo sát, thiết kế và lập dự toán các công trình xây dựng trên địa bàn Tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này.
Trong quá trình thực hiện Chỉ thị, nếu gặp khó khăn, vướng mắc; tổ chức và cá nhân liên quan phản ảnh kịp thời về Ủy ban nhân dân Tỉnh để xem xét giải quyết./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Nghị định 209/2004/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng Ban hành: 16/12/2004 | Cập nhật: 05/05/2007