Chỉ thị 17/2002/CT-UB chỉnh sửa giấy tờ, hộ tịch, hộ khẩu, văn bằng của công dân
Số hiệu: | 17/2002/CT-UB | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Ninh Bình | Người ký: | *** |
Ngày ban hành: | 20/03/2002 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Trật tự an toàn xã hội, Hành chính tư pháp, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/2002/CT-UB |
Ninh Thuận, ngày 20 tháng 3 năm 2002 |
CHỈ THỊ
“VỀ VIỆC CHỈNH SỬA CÁC GIẤY TỜ HỘ TỊCH, HỘ KHẨU, VĂN BẰNG CỦA CÔNG DÂN”
Các giấy tờ về hộ tịch, trong đó có giấy khai sinh, là một trong những loại giấy tờ có giá trị pháp lý để ghi nhận về nhân thân của mỗi công dân, đồng thời cũng là cơ sở cho công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình phát sinh từ sự kiện đăng ký khai sinh, đăng ký hộ khẩu và những giấy tờ liên quan khác.
Trong những năm qua, tình trạng không thống nhất về các sự kiện nhân thân giữa các loại giấy tờ của công dân trong tỉnh còn nhiều và chưa có biện pháp giải quyết đồng bộ giữa các ngành có liên quan đã gây khó khăn rất nhiều cho các cơ quan quản lý Nhà nước và trở ngại cho công dân khi tham gia vào các quan hệ xã hội.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác quản lý và đăng ký hộ tịch ở các xã phường, thị trấn trước khi có Nghị định 83/1998/NĐ-CP ngày 10-10-1998 của Chính phủ về đăng ký hộ tịch còn lỏng lẻo và chưa đi vào nề nếp ổn định. Công tác đăng ký lại khai sinh, cấp bản sao khai sinh từ sổ gốc của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (cấp xã) thiếu chặt chẽ và không đúng thực tế. Mặt khác, ý thức của một số công dân trong việc đăng ký khai sinh chưa tốt dẫn đến tình trạng sửa chữa giấy khai sinh, làm hai giấy khai sinh khác nhau về các sự kiện nhân thân... để hợp thức hóa các giấy tờ hồ sơ cá nhân khác làm sai lệch về các sự kiện nhân thân giữa giấy khai sinh với sổ hộ khẩu, bằng cấp, học bạ v. v...
Để giải quyết tình trạng nêu trên, đưa việc quản lý hộ tịch vào nề nếp, đúng pháp luật Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thực hiện đúng các nội dung sau đây:
1. Việc chỉnh sửa các loại giấy tờ về hộ tịch, hộ khẩu, bằng cấp, học bạ... phải trên nguyên tắc lấy giấy khai sinh được cấp lần đầu tiên hoặc bản sao giấy khai sinh được cấp từ sổ gốc chưa quá 3 tháng làm cơ sở pháp lý. Khi chỉnh sửa phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện tốt nhất cho việc quản lý hộ tịch, hộ khẩu và thuận tiện cho công dân.
2. Trường hợp đương sự có hai giấy khai sinh khác nhau thì căn cứ vào giấy khai sinh được cấp lần đầu tiên hoặc bản sao giấy khai sinh được cấp từ sổ gốc chưa quá 3 tháng để chỉnh sửa các loại giấy tờ cho đương sự. Nếu giấy khai sinh do đương sự cố tình sửa chữa sai với đăng ký ban đầu để hợp thức hóa các hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác thì căn cứ vào giấy khai sinh được cấp lần đầu tiên hoặc bản sao giấy khai sinh được cấp từ sổ gốc chưa quá 3 tháng để giải quyết.
3. Giám đốc Sở Tư pháp tiếp nhận và trình Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết các trường hợp có sai sót trong giấy khai sinh do ghi chép của cán bộ Hộ tịch - Tư pháp hoặc do đương sự khai báo nhầm lẫn.
4. Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng Công an các huyện thị, chỉnh sửa các loại giấy tờ về hộ khẩu, chứng minh nhân dân khi xác định được có sự sai sót giữa các giấy tờ này với giấy khai sinh là cơ sở pháp lý nguyên gốc.
Trường hợp trong tàng thư của cơ quan Công an không có giấy khai sinh (nhập khẩu trên cơ sở khai báo) của đương sự thì cơ quan Công an căn cứ vào giấy khai sinh để chỉnh sửa sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân. Nếu trong tàng thư của cơ quan Công an có lưu giấy khai sinh, nhưng đương sự lại có một giấy khai sinh khác thì căn cứ vào giấy khai sinh được cấp lần đầu tiên hoặc bản sao giấy khai sinh được cấp từ sổ gốc chưa quá 3 tháng để chỉnh sửa.
5. Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo các huyện thị xã, Hiệu trưởng các trường học chỉnh sửa các sai sót trong học bạ, văn bằng, chứng chỉ khi có sự sai sót giữa các loại giấy tờ này với giấy khai sinh là cơ sở pháp lý nguyên gốc.
Đối với văn bằng, học bạ có sự sai lệch với giấy khai sinh được cấp lần đầu tiên hoặc bản sao giấy khai sinh được cấp từ sổ gốc chưa quá 3 tháng thì cơ quan giáo dục căn cứ vào giấy khai sinh là cơ sở pháp lý nguyên gốc để chỉnh sửa theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo.
Trường hợp các văn bằng, chứng chỉ được cấp theo giấy khai sinh, nhưng giấy khai sinh này được cấp không đúng quy định của pháp luật hoặc giấy khai sinh bị sửa chữa mà có sự sai lệch với giấy khai sinh được cấp lần đầu tiên hoặc bản sao giấy khai sinh được cấp từ sổ gốc chưa quá 3 tháng thì căn cứ vào giấy khai sinh là cơ sở pháp lý nguyên gốc để chỉnh sửa theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo.
6. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm xem xét chính xác các sự kiện về nhân thân của công dân trước khi tiến hành đăng ký lại hoặc cấp bản sao khai sinh từ sổ gốc và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cấp giấy khai sinh của mình.
7. Sở Tư pháp, Sở Giáo dục - Đào tạo, Công an tỉnh có trách nhiệm phối hợp với nhau để giải quyết các vướng mắc giữa các giấy tờ về nhân thân cho công dân. Các trường hợp cá biệt khác có vướng mắc; Sở Tư pháp có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh để xem xét giải quyết.
Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc thì trình Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi bổ sung Chỉ thị cho phù hợp với quy định của pháp luật./.