Chỉ thị 16/2008/CT-UBND về tăng cường công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình
Số hiệu: | 16/2008/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Quảng Trị | Người ký: | Lê Hữu Phúc |
Ngày ban hành: | 01/12/2008 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Dân số, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/2008/CT-UBND |
Đông Hà, ngày 01 tháng 12 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH
Sau hơn 03 năm thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị về Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ); Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 26/7/2006 của Tỉnh ủy về Công tác Dân số- Gia đình và trẻ em trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công tác DS- KHHGĐ của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Tỷ suất sinh giảm bình quân hàng năm gần 0,7%o. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm xuống còn 22,3% (Năm 2007). Nhiều mô hình, phong trào mới ra đời và phát huy hiệu quả. Đặc biệt phong trào làng không sinh con thứ 3 trở lên tiếp tục được triển khai và đến nay, toàn tỉnh đã có trên 330 thôn, bản, khu phố không có người sinh con thứ 3 trở lên.
Tuy nhiên, công tác DS-KHHGD của tỉnh trong thời gian qua vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm: Tỷ lệ giảm sinh chưa thực sự vững chắc và chưa đồng đều giữa các vùng, miền; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn cao; tình trạng sinh con thứ 3 trong cán bộ, công chức còn xảy ra. Đặc biệt, năm 2008, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên tăng đột biến ở một số địa phương. Nếu không khắc phục kịp thời tình hình này thì không những không đạt các chỉ tiêu dân số mà Nghị quyết Tỉnh Đảng bộ đã đề ra mà còn có nguy cơ phá vỡ những thành quả về dân số đã đạt được trong thời gian qua, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
Nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 23/2008/CT-TTg ngày 4/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc Tiếp tục đẩy mạnh công tác DS-KHHGĐ, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã thực hiện tốt những việc sau đây:
1. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung, mục tiêu về công tác DS- KHHGĐ, theo tinh thần Nghị quyết số 47/NQ-TW ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị (Khóa IX), Chỉ thị số 23/2008/CT-TTg ngày 04/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 26/7/2008 của Tỉnh ủy;
Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục đi đôi với đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định những trường hợp vi phạm chính sách DS-KHHGĐ; đưa công tác DS-KHHGĐ thành một nội dung quan trọng trong chương trình công tác trọng tâm hàng năm; lấy kết quả thực hiện mục tiêu DS-KHHGĐ là một trong các tiêu chuẩn để đánh giá mức độ chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước của các tập thể và cá nhân.
2. Tập trung chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác DS- KHHGĐ theo Thông tư số 05/2008/TT-BYT ngày 14/5/2008 của Bộ Y tế và các văn bản có liên quan.
- Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và UBND các huyện, thị xã nhanh chóng ổn định, kiện toàn tổ chức bộ máy của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh và Trung tâm DS-KHHGĐ các huyện, thị xã, đảm bảo đủ năng lực, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; xây dựng đề án tuyển dụng cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ cấp xã cho trạm y tế xã, trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện; có trách nhiệm hướng dẫn, đồng thời kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt chính sách DS- KHHGĐ;
- UBND các huyện, thị xã ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Trung tâm DS-KHHGĐ, đồng thời chỉ đạo Trung tâm DS-KHHGĐ củng cố tổ chức, chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao chất lượng hoạt động; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn chuyển giao chức năng quản lý về gia đình và trẻ em sang các bộ phận liên quan theo quy định.
3. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS/KHHGĐ).
- Sở Y tế hướng dẫn về nội dung, hình thức và chủ đề tuyên truyền, vận động, giáo dục về DS-KHHGĐ; chỉ đạo Chi cục DS-KHHGĐ phối hợp với các Sở, Ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động truyền thông. Duy trì và phát triển phong trào làng không có người sinh con thứ 3 trở lên. Triển khai có hiệu quả chiến dịch Tăng cường cung cấp thông tin lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ tại các vùng đông dân cư, vùng có nguy cơ tăng tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3, vùng khó khăn nhằm giảm dần tỷ suất sinh và tỷ lệ người sinh con thứ 3. Chỉ đạo triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ đảm bảo đáp ứng kịp thời, an toàn và thuận lợi cho đối tượng có nhu cầu;
- Các cấp, các ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách DS-KHHGĐ trực tiếp đến cán bộ công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân; thực hiện có hiệu quả các hình thức tư vấn về KHHGĐ.
- Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Trị phối hợp với Chi cục DS-KHHGĐ hướng dẫn triển khai các hoạt động tuyên truyền; tăng thời lượng phát sóng, số lượng bài viết và nâng cao hơn nữa chất lượng nội dung, hình thức tuyên truyền về dân số, sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình trong các chương trình, chuyên trang, chuyên mục; kịp thời nêu gương người tốt, việc tốt và phê phán những tập thể, cá nhân vi phạm chính sách DS-KHHGĐ;
- Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai có hiệu quả hoạt động giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản, giới và giới tính trong nhà trường.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phối hợp với Sở Y tế lồng ghép, đưa các nội dung, chỉ tiêu DS-KHHGĐ vào các chương trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh; bố trí kinh phí để bảo đảm thực hiện theo đúng tiến độ và có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ giai đoạn 2006- 2010.
5. Đề nghị UBMTTQVN tỉnh và các Hội, đoàn thể chủ động xây dựng kế hoạch, tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện tốt các chính sách DS-KHHGĐ của Đảng, Nhà nước, xây dựng mô hình gia đình nhỏ, ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững.
6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo hướng dẫn việc thực hiện tiêu chí chính sách DS-KHHGĐ trong việc đánh giá, công nhận các danh hiệu: Gia đình, làng, xã, cơ quan văn hoá và xây dựng các hương ước, quy ước tại các đơn vị, cộng đồng dân cư, góp phần tích cực vào việc thực hiện xoá đói giảm nghèo, thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số.
7. UBND các huyện, thị xã:
- Tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ giai đoạn 2006- 2010 tại địa phương; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn duy trì và phát triển phong trào làng không có người sinh con thứ 3 trở lên;
- Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ tại địa phương;
- Nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm về sự giảm sút, yếu kém của công tác DS- KHHGĐ trong thời gian qua để có biện pháp khắc phục kịp thời; cần tránh tư tưởng chủ quan, buông lỏng trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác DS-KHHGĐ.
Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể định kỳ 6 tháng báo cáo việc triển khai thực hiện chính sách DS-KHHGĐ về UBND tỉnh (Qua Chi cục Dân số- KHHGĐ tỉnh) để theo dõi, chỉ đạo./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Chỉ thị 23/2008/CT-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình Ban hành: 04/08/2008 | Cập nhật: 09/08/2008
Thông tư 05/2008/TT-BYT hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy dân số - kế hoạch hóa gia đình ở địa phương Ban hành: 14/05/2008 | Cập nhật: 23/05/2008