Chỉ thị 16/2000/CT-TTg về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001-2005
Số hiệu: | 16/2000/CT-TTg | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 19/09/2000 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 22/10/2000 | Số công báo: | Số 39 |
Lĩnh vực: | Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ******** |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/2000/CT-TTg |
Hà Nội, ngày 19 tháng 9 năm 2000 |
CHỈ THỊ
VỀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2001- 2005
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001-2005 nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tăng cường thế và lực của nước ta trong hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, kế hoạch 5 năm tới phải thu hút được trì tuệ của toàn Đảng, toàn dân, mọi thành phần kinh tế cho phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Để đạt dược chất lượng và tính khả thi của kế hoạch 5 năm 2001-2005, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số việc sau:
1. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch 5 năm 1996-2000
Tập trung đánh giá sát đúng tình hình thực hiện kế hoạch qua 10 năm đổi mới, trong đó cần bám sát các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là các Nghị quyết Trung ương lần thứ 4, 5, 6 để đi sâu phân tích việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch 5 năm 1996-2000 của ngành, địa phương mình; đánh giá việc thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về định hướng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các vùng, các khu vực. Chú ý làm rõ một số nội dung như việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong từng ngành, từng địa phương; tình hình khai thác các nguồn lực phát triển của các ngành, các vùng kinh tế, kết quả thực hiện các chủ trương chính sách về phát triển kinh tế nhiều thành phần, đổi mới và phát triển khu vực kinh tế nhà nước và phát huy tiềm năng các thành phần kinh tế khác; chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong từng ngành, từng vùng lãnh thổ; về phát triển kinh tế biển, phát triển kinh tế đối ngoại, xuất nhập khẩu; huy động và sử dụng các nguồn vốn đầu tư cho phát triển (bao gồm cả nguồn vốn ODA và nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài); việc khai thác nguồn đất đai và thực trạng sử dụng đất; nguồn lao động và sử dụng lao động; khai thác và sử dụng các cơ sở vật chất kỹ thuật, đổi mới công nghệ; về lĩnh vực văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, xã hội, giải quyết việc làm, phòng, chống tệ nạn xã hội, xoá đói, giảm nghèo,... an ninh, quốc phòng và thu, chi ngân sách.
Ngoài ra, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần nêu rõ kết quả thực hiện các Nghị quyết của Tỉnh ủy, Thành ủy và Hội đồng nhân dân về phát triển kinh tế - xã hội, về dự toán ngân sách hàng năm của địa phương mình.
Khi đánh giá các vấn đề trên, cần phân tích sâu những mặt làm được, chưa làm được, các nguyên nhân và trách nhiệm của từng ngành, từng cấp; từ đó rút ra bài học kinh nghiệm trong xây dựng kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo thực hiện. Đồng thời xác định rõ mục tiêu phát triển trong 5 năm tới, kiến nghị những cơ chế, chính sách cần phải sửa đổi, bổ sung và các biện pháp cụ thể thực hiện kế hoạch 5 năm 2001-2005.
2. Những căn cứ để xây dựng kế hoạch 5 năm 2001-2005
- Đường lối, quan điểm đổi mới của Đảng được thể hiện trong chiến lược 10 năm 2001-2010, nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, chủ động hội nhập; thúc đẩy hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý, có hiệu quả; gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hoá - xã hội.
- Theo dự thảo định hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001- 2005, cần bám sát mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các cân đối lớn trong nền kinh tế để xác định hướng phát triển cho từng ngành, từng lĩnh vực và các giải pháp thực hiện kế hoạch.
Thực trạng kinh tế - xã hội của từng ngành, từng vùng, khả năng mở rộng thị trường trong nước và ở ngoài nước; khả năng huy động nội lực của từng ngành, từng địa phương và thu hút vốn nước ngoài.
- Dự thảo định hướng kế hoạch phát triển của các Bộ, ngành, địa phương và quy hoạch phát triển của từng vùng lãnh thổ, từng ngành, sản phẩm đã được xây dựng, cập nhật, hiệu chỉnh.
3. Dự báo các cân đối và xây dựng các phương án bố trí kế hoạch.
Dựa trên những dự báo về một số cân đối vĩ mô đã được đề ra trong dự thảo Định hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001-2005, các Bộ, ngành và địa phương tính toán, dự báo các cân đối về nguồn lực phát triển của ngành và địa phương mình tập trung vào một số cân đối lớn như lao động, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn và trong từng ngành kinh tế, tài chính - ngân sách. Trong kế hoạch 5 năm tới, cần tập trung vào những vấn đề chủ yếu như sau:
a) Cụ thể hoá chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; xác định mục tiêu phát triển cây trồng, vật nuôi trong từng vùng, hình thành các vùng cây công nghiệp tập trung, cây ăn quả và mạng lưới công nghiệp chế biến; phát triển chăn nuôi, phát triển kinh tế biển, đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với các dịch vụ và công nghiệp chế biến; tiếp tục triển khai thực hiện dự án trồng 5 triệu ha rừmg.
b) Dự báo và tập trung phát triển những sản phẩm công nghiệp có yêu cầu, có lợi thế, nhất là sản phẩm có khả năng nâng cao được sức cạnh tranh. Phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp sử dụng nhiều lao động và công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; phát triển công nghiệp có công nghệ cao, hiện đại; tiếp tục sắp xếp đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nhà nước; khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.
c) Xây dựng chương trình xuất, nhập khẩu hàng hóa theo lộ trình chủ động hội nhập khu vực và quốc tế; cần đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm sản xuất trong nước.
d) Xây dựng kế hoạch tài chính - ngân sách, kế hoạch đầu tư phát triển bằng nhiều nguồn vốn với phương án huy động và bố trí nguồn vốn cụ thể cho các dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên từng năm; đồng thời có giải pháp cụ thể và cơ chế chính sách bảo đảm cho việc thực hiện các phương án đã đề ra; đề xuất các cơ chế chính sách, giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, huy động tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế.
đ) Xây dựng các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển giáo dục đào tạo, phát triển khoa học, đổi mới công nghệ, bảo vệ môi trường. Xây dựng các chương trình giải quyết công ăn, việc làm, xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân. Phát triển kinh tế - xã hội phải gắn liền với củng cố an ninh, quốc phòng.
e) Đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế dịch vụ như vận tải, bưu chính viễn thông, du lịch, thương mại, các loại hình dịch vụ tài chính, ngân hàng, dịch vụ khoa học công nghệ, tư vấn pháp luật....
g) Xây dựng chương trình, biện pháp tổ chức thực hiện về cải cách hành chính trong Bộ, ngành, địa phương; nâng cao chất lượng, hiệu lực hoạt động của bộ máy quản lý, tăng cường kỷ cương luật pháp và chế độ trách nhiệm cá nhân.
4. Xác định mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của kế hoạch 5 năm 2001-2005 của bộ, ngành và địa phương
a) Trên cơ sở dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2001-2010, phương hướng nhiệm vụ của thời kỳ 2001-2005 và những phân tích, dự báo về xu thế phát triển của cả nước cũng như của ngành, địa phương, cần xác định mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, xây dựng các phương án phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương, vùng lãnh thổ trong 5 năm tới để từ đó lựa chọn phương án phù hợp; đồng thời, phân bổ mục tiêu cụ thể cho từng năm để triển khai thực hiện.
b) Các Bộ, ngành kinh tế - kỹ thuật, các Tổng công ty nhà nước cần tập trung tính toán dự báo các chỉ tiêu phát triển của ngành và Tổng công ty, mức độ tăng trưởng, khả năng thu hút lao động và tạo việc làm; cơ cấu sản phẩm, sản lượng một số sản phẩm chủ yếu đến năm 2005.
c) Các Bộ, ngành quản lý lĩnh vực xã hội,... cần cụ thể hoá các mục tiêu phát triển đã được nêu trong dự thảo định hướng phát triển kế hoạch 5 năm 2001-2005, tập trung vào nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học, công nghệ; giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc của xã hội: xoá đói, giảm nghèo, chống tệ nạn xã hội... Phát triển mạnh văn hoá, thông tin, y tế, thể dục thể thao, thực hiện tích cực chương trình dân số kế hoạch hoá gia đình, nhằm ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
d) Các địa phương cần tập trung tính toán và dự báo các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tổng hợp, các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát triển các mặt xã hội, xoá đói, giảm nghèo... Đối với các vùng kinh tế trọng điểm, cần phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP cao hơn mức bình quân cả nước; các vùng còn khó khăn cần phấn đấu phát huy các tiềm năng và lợi thế trong vùng, đạt mức tăng trưởng kinh tế cao hơn thời kỳ 5 năm trước.
5. Tiến độ xây dựng kế hoạch
Việc xây dựng kế hoạch 5 năm 2001-2005 phải tiến hành đồng thời với xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001-2010.
Trong tháng 9 và tháng 10 năm 2000, các Bộ, ngành, địa phương tiến hành xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001-2005 của Bộ, ngành, địa phương mình; chậm nhất đến 15 tháng 10 năm 2000 gửi báo cáo kế hoạch này về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để kịp tổng hợp trình Chính phủ.
6. Tổ chức thực hiện
Giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng kế hoạch của các Bộ, ngành, địa phương; phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001 - 2005 của cả nước để trình Chính phủ đúng tiến độ đã nêu trên. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm cung cấp những thông tin cần thiết về định hướng chiến lược, khả năng thu hút nguồn lực ở trong, ngoài nước, xu hướng phát triển của kinh tế thế giới và khu vực để các Bộ, ngành, địa phương tham khảo trong quá trình xây dựng kế hoạch.
Các Bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng kế hoạch 5 năm 2001-2005 của Bộ, ngành, địa phương mình theo đúng yêu cầu và tiến độ nêu trong Chỉ thị này.
|
Nguyễn Tấn Dũng (Đã ký) |