Chỉ thị 15/CT-UBND năm 2012 về tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm và kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật
Số hiệu: 15/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa Người ký: Nguyễn Đức Quyền
Ngày ban hành: 24/05/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/CT-UBND

Thanh Hóa, ngày 24 tháng 05 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA CẦM VÀ KINH DOANH THỰC PHẨM CÓ NGUỒN GỐC ĐỘNG VẬT

Những năm gần đây, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác quản lý hoạt động giết mổ, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật; hoạt động giết mổ, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc giết mổ gia súc, gia cầm hiện nay vẫn còn tùy tiện, nhỏ lẻ, phân tán, chưa kiểm soát được đầy đủ các hoạt động giết mổ và kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật; thậm chí có lúc, có nơi còn buông lỏng công tác quản lý giết mổ, gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tình hình trên là nguy cơ làm phát sinh, phát triển các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm và đe dọa đến sức khoẻ cộng đồng.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 30/2005/CT-TTg ngày 26/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Củng cố hoặc thành lập mới Ban chỉ đạo, quản lý hoạt động giết mổ và kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật để tăng cường quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y theo quy định của Pháp lệnh Thú y, Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y, Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản; định kỳ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành của huyện kiểm tra ngay tại gốc (tại các cơ sở, điểm giết mổ), xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn cho các hộ kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm những quy định về điều kiện kinh doanh giết mổ và trách nhiệm với cộng đồng, tự giác chấp hành đúng quy định của Nhà nước.

- Rà soát, lập danh sách, quản lý tốt các cơ sở và điểm giết mổ; thực hiện việc cấp đăng ký kinh doanh cho các cơ sở giết mổ theo quy định của pháp luật.

- Thành lập Ban chỉ đạo xã, phường, thị trấn về hoạt động giết mổ và kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật. Giao trách nhiệm cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quy hoạch lại và quản lý đối với từng cơ sở giết mổ, tụ điểm thu mua, buôn bán gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn. Chỉ đạo ban quản lý các chợ trên địa bàn kiên quyết không để động vật, sản phẩm động vật chưa có dấu kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, chưa dán tem vệ sinh thú y vào chợ buôn bán; không để các hộ giết mổ gia súc, gia cầm tại chợ; xử phạt nghiêm, ở mức cao nhất các trường hợp vi phạm theo quy định tại Nghị định số 40/2009/NĐ-CP ngày 24/4/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ hoặc tập hợp các hộ tham gia đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ, nâng cấp các điểm giết mổ, tham gia tổ chức và quản lý hoạt động kinh doanh giết mổ đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thú y, vệ sinh thực phẩm, môi trường; các huyện, thị xã, thành phố có chính sách hỗ trợ ưu đãi hợp lý đối với tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Khẩn trương hoàn thành việc lập quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; yêu cầu việc lập quy hoạch phải phù hợp với từng địa bàn trên phạm vi toàn tỉnh, trong đó chú trọng đến quy hoạch, thiết kế, xây dựng cơ sở giết mổ tập trung. Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng, quản lý các cơ sở và điểm giết mổ gia súc, gia cầm.

- Chủ trì, phối hợp với các sở: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Y tế; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở giết mổ, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật thực hiện tốt công tác quản lý giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; kiểm tra gia súc, gia cầm và sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn.

- Chỉ đạo Chi cục Thú y làm tốt công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm; kiểm dịch động vật, kiểm tra vệ sinh thú y. Căn cứ các quy định, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, xây dựng tiêu chí về điều kiện tổ chức hoạt động của cơ sở, điểm giết mổ phù hợp với điều kiện của tỉnh Thanh Hóa, làm cơ sở cho các cơ quan chức năng cấp giấy phép kinh doanh.

- Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, giao ban rút kinh nghiệm để tiếp tục chỉ đạo các địa phương chưa làm tốt công tác quản lý giết mổ và kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý giết mổ, các cơ sở giết mổ về chuyên môn nghiệp vụ và tăng cường nhận thức để chấp hành tốt các quy định của pháp luật về quản lý giết mổ gia súc, gia cầm.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT trong quá trình thực hiện lập quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, đảm bảo chất lượng, đúng các quy định hiện hành của Nhà nước; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí tổ chức thực hiện công tác quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm và kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT; các sở, ban, ngành liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thẩm định, đánh giá tác động môi trường và các tiêu chí về môi trường của các dự án xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

5. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của nhân dân, đặc biệt là các hộ buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm chấp hành các quy định về kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y theo quy định của pháp luật.

Yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT; các sở, ban, ngành liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện tốt các nội dung nêu trên. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT đôn đốc, theo dõi, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (để b/c);
- Thường trực: Tnh ủy, HĐND tỉnh (để b/c);
- Ch tịch UBND tỉnh (để b/c);
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Các sở, ban, ngành liên quan;
- Đài PTTH tnh; Báo Thanh Hóa;
- UBND các huyện, th xã, thành phố;
- Lưu: VT, NN. (177)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Đức Quyền