Chỉ thị 15/CT-UBND năm 2011 về tăng cường quản lý kỹ thuật an toàn đối với các máy, thiết bị, hoá chất độc hại đặc thù chuyên ngành công nghiệp
Số hiệu: 15/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Hà Giang Người ký: Đàm Văn Bông
Ngày ban hành: 29/04/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Khoa học, công nghệ, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số 15/CT-UBND

Hà Giang, ngày 29 tháng 4 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ KỸ THUẬT AN TOÀN ĐỐI VỚI CÁC MÁY, THIẾT BỊ, HOÁ CHẤT ĐỘC HẠI ĐẶC THÙ CHUYÊN NGÀNH CÔNG NGHIỆP

Trong những năm qua, việc quản lý nhà nước về kỹ thuật an toàn đối với các máy, thiết bị, hoá chất độc hại đặc thù chuyên ngành công nghiệp đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện và bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần thiết thực và có hiệu quả cho sự phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Giang.Tuy nhiên, việc quản lý kỹ thuật an toàn đối với các máy, thiết bị, hoá chất độc hại đặc thù chuyên ngành công nghiệp của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến công tác bảo đảm an toàn chưa thực sự hiệu quả.

Để tăng cường công tác quản lý và nâng cao trách nhiệm của các Sở, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, tổ chức và cá nhân đối với việc bảo đảm an toàn trong sử dụng các máy, thiết bị, hoá chất độc hại đặc thù chuyên ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đối với việc bảo đảm an toàn trong sử dụng bảo quản các loại máy, thiết bị, hoá chất độc hại đặc thù chuyên ngành công nghiệp.

a) Tăng cường công tác quản lý kỹ thuật an toàn các máy, thiết bị:

- Nghiêm túc thực hiện kiểm định và đăng ký theo quy định đối với máy, thiết bị có yêu cầu an toàn đặc thù chuyên ngành công nghiệp. Khi không còn sử dụng các máy, thiết bị đặc thù chuyên ngành công nghiệp, các đơn vị phải báo cáo cho Sở Công thương nơi đã đăng ký các máy, thiết bị đặc thù chuyên ngành công nghiệp biết để làm thủ tục xoá tên trong danh sách đăng ký.

- Lựa chọn tổ chức kiểm định các thiết bị áp lực, thiết bị nâng đáp ứng các điều kiện theo quy định của Bộ Công thương;

- Thực hiện nghiêm chế độ định kỳ khám nghiệm, thử nghiệm, bảo dưỡng, sửa chữa máy, thiết bị. Chỉ được đưa các máy, thiết bị đặc thù chuyên ngành công nghiệp vào sử dụng sau khi đã kiểm định và bảo đảm an toàn.

- Theo dõi, xử lý các sự cố, tai nạn liên quan đến kỹ thuật an toàn trong phạm vi quản lý; Lưu ý toàn bộ hồ sơ, tài liệu kỹ thuật liên quan đến các máy, thiết bị đặc thù chuyên ngành công nghiệp; Tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn theo quy định.

- Lập báo cáo thống kê tình hình đăng ký, kiểm định trong năm và kế hoạch kiểm định năm tiếp theo gửi về Sở Công thương vào ngày 30 tháng 11 hàng năm theo mẫu báo cáo quy định.

b) Quản lý an toàn hoá chất nguy hiểm:

- Nghiêm túc thực hiện công tác khai báo hoá chất với cơ quan có thẩm quyền; Lưu giữ hồ sơ khai báo và tài liệu liên quan đến xếp loại hoá chất nguy hiểm theo quy định; Khi chấm dứt hoạt động hoá chất nguy hiểm phải thông báo cho cơ quan tiếp nhận khai báo biết.

- Lập phiếu an toàn hoá chất nguy hiểm đầy đủ theo quy định; khi sản xuất, kinh doanh, sử dụng, cất giữ và bảo quản hoá chất nguy hiểm thuộc danh mục hoá chất quy định tại phụ lục IV nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07/10/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hoá chất với khối lượng vượt ngưỡng tương ứng phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Thực hiện nghiêm túc chế độ bảo quản hoá chất nguy hiểm và chế độ thống kê báo cáo, thủ tục xuất nhập kho, chế độ kiểm tra sổ sách thống kê hoá chất nguy hiểm theo quy định.

- Phải thực hiện đúng các yêu cầu an toàn quy định trong vận chuyển và sử dụng hoá chất nguy hiểm; Chỉ được phép sử dụng hoá chất nguy hiểm nằm trong danh mục hoá chất nguy hiểm được phép sử dụng.

- Nghiêm cấm mọi người dân tự ý ra vào, tụ họp, chăn thả súc vật hoặc trồng hoa mầu, đốt lửa hoặc thải chất cháy, rác, chất ăn mòn, chất độc trọng phạm vi vùng nguy hiểm hoặc vành đai an toàn; không phá hoại hoặch làm hư hỏng hàng rào bảo vệ, tường che chắn an toàn; không lấn chiếm đất xây dựng công trình vi phạm vành đai an toàn; không xê dịch cột mốc vành đai an toàn hoặc tự ý di chuyển các loại biển báo hiệu vùng nguy hiểm.

2. Sở Công Thương có trách nhiệm:

- Chủ trì phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và các Sở, ngành có liên quan tuyên truyền hệ thống văn bản pháp luật về bảo đảm an toàn trong sử dụng bảo quản các máy, thiết bị, hoá chất độc hại đặc thù chuyên ngành công nghiệp.

- Đôn đốc các đơn vị thực hiện đầy đủ việc đăng ký sử dụng đối với các máy thiết bị, hoá chất độc hại đặc thù chuyên ngành công nghiệp theo quy định tại Quyết định số 136/2004/QĐ-BCN ngày 19/11/2004 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương); Thống nhất kế hoạch kiểm định với các trung tâm kiểm định để kiểm định đối với các máy, thiết bị yêu cầu phải kiểm định kỹ thuật an toàn đối với các máy, thiết bị đặc thù chuyên ngành công nghiệp trước khi đưa vào sử dụng, đồng thời hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định đối với các đơn vị trên địa bàn tỉnh; định kỳ báo cáo Bộ Công thương và Uỷ ban nhân dân tỉnh về công tác đăng ký, kiểm định trên địa bàn tỉnh theo quy định.

- Nâng cao chất lượng và hiệu quả thẩm định hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hoá chất thuộc danh mục hoá chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành công nghiệp; Tổ chức tốt việc thẩm định, phê duyệt kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất đối với các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, sử dụng, cất giữ và bảo quản hoá chất nguy hiểm thuộc nhóm C.

- Tổ chức tốt việc thanh tra, kiểm tra các điều kiện sản xuất, kinh doanh hoá chất nguy hiểm và xử phạt vi phạm hành chình trong hoạt động hoá chất theo quy định đối với tổ chức, cá nhân hoạt động hoá chất trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

- Thực hiện tốt các nội dung Thông tư số 23/2003/TT-BLĐTBXH ngày 3/11/2003 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc quy định, hướng dẫn thủ tục đăng ký và kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động.

- Tăng cường phối hợp với Sở Công thương và các cơ quan liên quan khi tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn các máy, thiết bị, hoá chất độc hại đặc thù chuyên ngành công nghiệp.

4. Trách nhiệm của các Sở chuyên ngành của tỉnh và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Thủ trưởng các Sở chuyên ngành của tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyên, thành phố chỉ đạo, phổ biến và quán triệt đầy đủ các văn bản liên quan đến bảo đảm an toàn trong việc sử dụng bảo quản các máy, thiết bị, hoá chất độc hại đặc thù chuyên ngành công nghiệp đến các cơ sở thuộc đơn vị mình quản lý, đồng thời tổ chức triển khai các biện pháp đẩy mạnh công tác an toàn trong hoạt động sản xuất tại cơ sở, hướng tới một môi trường sản xuất an toàn cao nhất nhằm đảm bảo tính mạng, sức khoẻ cho con người trong hoạt động sản xuất và trong sinh hoạt.

- Định kỳ ngày 15/11 hàng năm , các Sở ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện chỉ thị về Sở Công thương để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Công thương.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh vằng văn bản về Sở Công thương tổng hợp và báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét./.

 

 

Nơi nhận:
- TTr. Tỉnh uỷ;
- TTr. HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, nhành: Công thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động – TB&XH, Thông tin và Truyền thông, Văn hoá – TT&DL, Tư pháp, Y tế;
- Công an tỉnh;
- BCH Quân sự tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Công báo tỉnh;
- LĐ VPUBND tỉnh;
- CV: CN,GT, XD,NC, KT, VX, TH;
- Lưu VT, CV.

CHỦ TỊCH




Đàm Văn Bông