Chỉ thị 15/CT-UB năm 1991 về tăng cường công tác chuẩn bị gọi vốn đầu tư nước ngoài do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: 15/CT-UB Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Nguyễn Văn Huấn
Ngày ban hành: 01/06/1991 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 15/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 06 năm 1991

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHUẨN BỊ GỌI VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI.

Công tác gọi vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố ngày càng có chuyển biến tích cực. Đến nay, đã có hơn 90 giấy phép liên doanh đầu tư đã được cấp với trên 500 triệu USD vốn đầu tư, giải quyết được hàng ngàn lao động có công ăn việc làm, thu được một số ngân sách và du nhập được một số công nghệ mới vào thành phố.

Tuy nhiên, công tác này trong những năm qua còn vấp phải một số thiếu sót và nhược điểm, mà tập trung là:

- Chưa có kế hoạch dài hạn về kêu gọi đầu tư nước ngoài.

- Thiếu quy hoạch cụ thể ngành, quy hoạch mặt hàng, nhóm sản phẩm theo yêu cầu đầu tư.

- Thiếu hiểu biết về đối tác nước ngoài, nhất là về tư cách pháp nhân và năng lực tài chánh. Do đó có nhiều công trình phải bỏ dở hoặc kéo dài do bên nước ngoài thiếu vốn. Phía đối tác Việt Nam cũng thiếu khả năng tài chánh để góp vốn, thông thường chỉ góp bằng nhà, đất nên tỉ lệ góp vốn thấp, vị trí trong liên doanh hợp tác không tương xứng.

- Thiếu hiểu biết về luật, kể cả luật Việt Nam và những luật và tập quán quốc tế phổ biến, do đó hồ sơ phải tu chỉnh nhiều lần, kéo dài thời gian xin giấy phép.

- Danh mục ưu tiên kêu gọi vốn đầu tư của thành phố tuy có làm, nhưng chưa hoàn chỉnh, do đó chưa tạo ra thế chủ động trong kêu gọi hợp tác đầu tư.

Thực hiện sự hướng dẫn của Uỷ ban Nhà nước về hợp tác đầu tư Trung ương về lập quy hoạch gọi vốn đầu tư nước ngoài, thực hiện sự chỉ đạo của Thành uỷ và Thường trực Uỷ ban trong định hướng phát triễn kinh tế - xã hội của thành phố, đồng thời để khắc phục các nhược điểm thiếu xót của thành phố trong công tác gọi vốn đầu tư nước ngoài, tích cực chuẩn bị để đón những thuận lợi mới trong những năm sắp tới, nhằm phát huy vị trí trung tâm của thành phố theo nghị quyết 01 Bộ chính trị, Uỷ ban nhân dân thành phố chỉ thị các sở, ngành, các quận huyện, và các đơn vị cơ sở:

I. Các ngành và các quận huyện phải tập trung chỉ đạo xây dựng danh mục ưu tiên đầu tư của ngành và của quận huyện. Danh mục này được xây dựng trên cơ sở quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, nghành và quận huyện. Cần ưu tiên cho các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án đầu tư chiều sâu, áp dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất hàng xuất khẩu hoặc thay thế hàng nhập khẩu thiết yếu, sử dụng nhiều lao động, và những dự án đầu tư mới có tác dụng dây chuyền hỗ trợ sự phát triển các dự án khác.

Phương hướng đầu tư trong những năm trước mắt cũng như từ nay đến 1995 vẩn là ưu tiên đầu tư cho hạ tầng cơ sở, một lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư lớn hơn mà trong những năm qua ta chưa làm được nhiều. Các ngành xây dựng, giao thông công chánh, nhà đất, bưu điện cần có những dự án tốt để tranh thủ vốn, kể cả vốn đầu tư trực tiếp và vốn đầu tư gián tiếp thông qua các tổ chức tài chánh quốc tế, các chính phủ, quan hệ với vốn vay và tính dụng ưu đãi (ODA)

Đầu tư chiều sâu để hiện đại hoá các cơ sở hiện có là một nội dung hết sức quan trọng nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm thông qua hiện đại hoá công nghệ sản xuất. Đây cũng là yêu cầu bức thiết của từng đơn vị cơ sở, từng ngành kinh tế kỹ thuật, nhất là các ngành kinh tế kỹ thuật then chốt cũa thành phố.

Đối với công nghiệp, Sở Công nghiệp phải làm vai trò chính trong xây dựng quy hoạch đầu tư, tự lựa chọn phương pháp công nghệ, thị trường máy móc thiết bị,… đến lựa chọn những đối tác tương xứng, nhất là đối với các ngành then chốt như cơ khí chế tạo, điện tử, các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và chế biến nông sản; các ngành công nghiệp xuất khẩu. Cần phân công một số quận huyện có sản xuất tiểu thủ công nghiệp lớn tham gia trong chương trình đầu tư hàng tiêu dùng và xuất khẩu.

Đối với nông nghiệp, cần xây dựng những chương trình hoàn chỉnh để đầu tư cho các trọng điểm nuôi trồng cây, con, nâng cao năng lực chế biến, cung ứng dịch vụ khoa học kỹ thuật nông nghiệp…

Đối với các ngành dịch vụ, xu hướng đầu tư ngày càng đa dạng, cần xây dựng quy hoạch và quản lý thống nhất, nhất là đối với đầu tư khách sạn, cư xá, khu văn phòng làm việc, kinh doanh địa ốc… Sở Xây dựng, Viện quy hoạch, Công ty du lịch thành phố, Công ty dịch vụ thành phố phải làm tốt vai trò chủ yếu trong lĩnh vực này.

Trong nhân dân, tình hình gửi máy móc thiết bị qua thân nhân để tổ chức sản xuất dạng cá thể, gia đình xuất hiện ngày càng nhiều. Đây là một điểm tích cực cần khuyến khích, nhưng Nhà nước cũng cần phải nắm và quản lý để tránh tình trạng thừa, thiếu, gây lãng phí của xã hội.

Thành phố hiện nay và cả về lâu dài vẩn là trung tâm kinh tế văn hoá của khu vực. Đầu tư tại thành phố vẩn có những tác dụng nhất định liên quan đến cả khu vực và ngược lại. Do đó, trong quy hoạch và tiến hành các dự án đầu tư cụ thể, theo yêu cầu của nhiều tỉnh cần có liên kết thành phố và các tỉnh trong một chương trình thống nhất và cân đối, tránh đầu tư quá nhiều vào thành phố những ngành nghề xét về hiệu quả để các địa phương khác tiến hành có lợi hơn…

Nội dung công tác lập quy hoạch, lên danh mục ưu tiên đầu tư nêu trên là một công tác mới, khó làm, nhưng không thể không làm được. Trong tháng 6/1991, Uỷ ban nhân dân thành phố yêu cầu các đơn vị cơ sở, các ngành, các quận huyện sơ bộ lên danh mục ưu tiên đầu tư cho năm 1991,1992 để kịp thời tổng hợp trình Thường trực Uỷ ban duyệt và báo cáo với Uỷ ban Nhà nước về hợp tác đầu tư Trung ương và Thành uỷ. Các nội dung còn lại thực hiện trong 6 tháng cuối năm 1991. Uỷ ban nhân dân thành phố chỉ định Uỷ ban Giám định đầu tư phối hợp với Uỷ ban Kế hoạch, Viện kinh tế, Viện quy hoạch thực hiện công tác tổng hợp trình Uỳ ban nhân dân thành phố phê duyệt.

II. TRONG ĐỐI TÁC VỚI PHÍA NƯỚC NGOÀI VÀ TRONG LẬP HỒ SƠ XIN GIẤY PHÉP ĐẦU TƯ, CẦN PHẢI LÀM TỐT CÁC NỘI DUNG SAU ĐÂY:

- Phải tìm hiểu kỹ về tư cách, pháp nhân và khả năng tài chính của phía nước ngoài. Phía Việt Nam, cần lựa chọn và chỉ định các tổ chức kinh tế ổn định, có tư cách pháp nhân, có năng lực tài chánh để góp vốn hợp tác đầu tư

- Phải soạn thảo các dự án, lập hồ sơ xin giấy phép theo đúng luật và các quy định trong Nghị định 20/HĐBT cũng như các quy định trong các luật và văn bản dưới luật khác có liên quan đến hợp tác đầu tư với nước ngoài

- Trong dự án, phải giải trình rõ và chắc chắn vế thị trường tiêu thụ sản phẩm, khả năng tái tạo ngoại tệ, nguồn nguyên liệu, vốn và tiến độ góp vốn những điều kiện đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của dự án. Đồng thời phải chú ý phương án sản phẩm và kỹ thuật công nghệ phải phù hợp với phương hướng và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của thành phố

III. VỀ CHẤN CHỈNH TỔ CHỨC, BỘ MÁY:

Ở các đơn vị cơ sở, các quận huyện và các sở, nghành có liên quan của thành phố cần bố trí một vài cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm để thực hiện công tác này do đồng chí Giám đốc và Chủ tịch quân huyện phụ trách. Nên lựa chọn những người có năng lực chuyên môn, có kiến thức kinh tế và đầu tư trực tiếp với nước ngoài, biết ngoại ngữ để giao dịch.

Uỷ ban nhân dân thành phố sẽ củng cố tổ chức Uỷ ban Giám định đầu tư thành phố trên cơ sở hợp nhất Uỷ ban Giám định đầu tư, Ban hợp tác kinh tế và phòng đầu tư thuộc sở Kinh tế đối ngoại để tập trung đầu mối giúp Thường trực Uỷ ban nhân dân làm công tác hợp tác với các địa phương và chuẩn bị công tác đầu tư nước ngoài.

Uỷ ban nhân dân thành phố cũng sẽ kiến nghị Trung ương trong phân công phân cấp trong việc cấp giấy phép và quản lý hoạt động của các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

- Về công tácdịch vụ đầu tư, cần tăng cường công tác thông tin kinh tế, thông tin luật pháp để làm tốt các dự án đầu tư. Đồng thời Uỷ ban nhân dân thành phố sẽ tổ chức kiểm tra các đơn vị đang hoạt động ở cấp thành phố để uốn nắn các sai sót lệch lạc. Uỷ ban nhân dân thành phố khuyến khích các đơn vị tự làm các hồ sơ xin giấy phép hợp tác đầu tư để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, hồ sơ phải được xây dựng có chất lượng và đúng luật.

- Về công tác thông tin báo cáo, kể từ nay, các sở, ngành và quận huyện thực hiện thông tin báo cáo về hợp tác đầu tư theo định kỳ hàng tháng, quý, năm. Nội dung báo cáo, theo hướng dẫn của Uỷ ban Giám định đầu tư thành phố.

Công tác hợp tác và đầu tư nước ngoài theo luật đối với chúng ta còn mới mẻ, nhưng quy mô ngày càng lớn, phức tạp,… do vậy, yêu cầu các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở chú ý chăm lo công tác này và thường xuyên báo cáo về Thường trực, Uỷ ban nhân dân thành phố.

 

 

T/M UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC





Nguyễn Văn Huấn

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.