Chỉ thị 15/CT-UB về công tác phòng chống lụt bão năm 1989 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: 15/CT-UB Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Lê Khắc Bình
Ngày ban hành: 01/06/1989 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

 ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------

Số: 15/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 6 năm 1989

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG LỤT BÃO NĂM 1989

Những năm gần đây tình hình thời tiết một số nơi ở nước ta diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống, làm thiệt hại một số tài sản của Nhà nước và nhân dân. Xuất phát từ tình hình thực tế của thành phố, ngoài các công tác thường xuyên và định kỳ trong mùa mưa bão, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố và Trung ương đóng trên địa bàn thành phố cần tích cực thực hiện tốt một số công tác sau đây :

1/ Các quận nội thành và các vùng đông dân cư có nhiều cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phải kết hợp chặt chẽ với các ban ngành chức năng, kiểm tra các hệ thống điện, hệ thống chiếu sáng, các kho tàng, nơi lưu trữ giấy tờ, các cơ sở sản xuất, nhà ở, cống rãnh tiêu thoát nước, các cây to dễ bị đổ ngã… để xây dựng kế hoạch, biện pháp cụ thể phòng chống úng, ngập, gió lốc, bão có hiệu quả.

2/ Các quận ven và huyện ngoại thành có sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp : xác định vùng có khả năng bị úng ngập, kiểm tra các công trình thủy lợi tiêu úng, chống lũ (bờ bao, cống bọng) kênh mương, trạm bơm tiêu…). Xây dựng kế hoạch bảo vệ sản xuất nông nghiệp vụ hè thu, vụ mùa cho từng vùng cụ thể.

Đi đôi với công tác phòng chống lũ bão, phải chú trọng đến công tác phòng chống hạn.

Các vùng có sông biển như Duyên Hải, Nhà Bè… cần lưu ý vấn đề ghe xuồng lưu thông và ngư dân đánh bắt thủy sản trong mùa mưa bão.

3/ Các cơ quan, ban ngành : theo chức năng nhiệm vụ của mình phải kết hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, tổ chức kiểm tra, xây dựng kế hoạch, biện pháp bảo vệ các cơ sở vật chất kỹ thuật, các công trình xây dựng cơ bản do ngành đơn vị quản lý. Phải bố trí tiến độ thi công thích hợp ở các công trình trọng điểm để tránh mưa to, lũ lụt gây thiệt hại.

4/ Từng cơ quan, đơn vị, cơ sở, quận huyện tổng kết công tác phòng chống lụt bão năm 1988, trên cơ sở đó xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống lụt bão năm 1989. Củng cố và kiện toàn Ban Chỉ huy chống lụt bão các ngành, các cấp, dự trù kinh phí, vật tư, lực lượng, phương tiện cần thiết vào các hướng, các vùng trọng điểm để chủ động ứng phó kịp thời khi có thiên tai lụt bão xảy ra.

5/ Thường trực Ban Chỉ huy chống lụt bão thành phố, Đài khí tượng thủy văn thành phố phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý công trình thủy điện Trị An, với Ban Quản lý công trình Hồ Dầu Tiếng kịp thời thông tin, dự báo tình hình thời tiết, việc xả nước hai hồ xuống vùng hạ du nhằm chủ động bảo vệ sản xuất và tài sản của nhân dân cũng như an toàn của hồ.

Phòng chống thiên tai lụt bão là công tác hết sức quan trọng trong mùa mưa bão; vì vậy, các ban ngành thành phố, các quận, huyện, phường, xã, các cơ quan đơn vị phải đề cao trách nhiệm, quán triệt phương châm phòng chống và tránh một cách sáng tạo, linh hoạt, tích cực triển khai kế hoạch, phương án đã đề ra để chủ động sẵn sàng đối phó khi có tình huống đột biến xảy ra.

Các quận huyện và ban ngành phải báo cáo tình hình triển khai kế hoạch phòng chống lụt bão năm 1989 về Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố và Ban chỉ huy chống lụt bão thành phố (Thường trực là Sở Thủy lợi thành phố) trước ngày 15/6/1989.

Ban chỉ huy chống lụt bão thành phố có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn và kiểm tra các ngành, các cấp thực hiện nghiêm mtúc chỉ thị này.-

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Lê Khắc Bình

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.