Chỉ thị 15/CT-BCT năm 2010 tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành dự án thủy điện vừa và nhỏ
Số hiệu: 15/CT-BCT Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Bộ Công thương Người ký: Vũ Huy Hoàng
Ngày ban hành: 13/05/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Công nghiệp, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 15/CT-BCT

Hà Nội, ngày 13 tháng 05 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ QUY HOẠCH, ĐẦU TƯ XÂY DỰNG VÀ VẬN HÀNH CÁC DỰ ÁN THỦY ĐIỆN VỪA VÀ NHỎ

Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và phát triển năng lượng, ngoài Tập đoàn Điện lực Việt nam, các Tổng công ty nhà nước, các nhà đầu tư tư nhân đã và đang tham gia đầu tư xây dựng nhiều nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn toàn quốc, góp phần tích cực trong việc đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. Công tác quản lý đầu tư xây dựng và vận hành các dự án thủy điện vừa và nhỏ đã được các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ đầu tư, các cơ quan tư vấn và các nhà thầu quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, qua các báo cáo, điều tra, khảo sát, đánh giá và kiểm tra về tình hình quản lý, đầu tư xây dựng và vận hành các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn các tỉnh cho thấy, thực tế đã bộc lộ không ít hạn chế, bất cập. Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước ở địa phương khi triển khai thực hiện đầu tư còn hạn chế: việc tuân thủ các quy định của nhà nước về đầu tư xây dựng, bảo vệ môi trường, bảo đảm chất lượng công trình… từ khâu khảo sát, thiết kế đến xây dựng ở một số dự án thực hiện chưa nghiêm túc; công tác vận hành ở một số nhà máy thủy điện chưa đáp ứng và phù hợp với các yêu cầu sử dụng nước ở hạ du…

Để đảm bảo phát triển thủy điện bền vững, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh - xã hội, bảo vệ môi trường, an toàn công trình, hài hòa các lợi ích và đáp ứng yêu cầu sử dụng nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu:

1. Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Tiếp tục rà soát Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, cần loại khỏi Quy hoạch những dự án không khả thi, hiệu quả thấp về kinh tế - xã hội như các dự án ảnh hưởng lớn tới môi trường, các dự án có hồ chứa gây ngập lớn hoặc có hệ thống các công trình phụ trợ phục vụ thi công chiếm nhiều đất canh tác, đặc biệt là đất trồng lúa, đất rừng, những dự án phức tạp về dấu nối với hệ thống điện… Trường hợp cần phải bổ sung Quy hoạch thì chỉ xem xét các dự án không có những hạn chế nêu trên.

- Chỉ đạo các cơ quan có liên quan thẩm định chặt chẽ trước khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư, trong đó lưu ý thẩm định kỹ năng lực tài chính, năng lực và kinh nghiệm tổ chức quản lý dự án thủy lợi thủy điện của Chủ đầu tư; yêu cầu các Chủ đầu tư cam kết thực hiện công tác bảo vệ môi trường, chất lượng công trình, tiến độ thực hiện dự án… và ghi rõ các nội dung này trong giấy Chứng nhận đầu tư.

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện đầu tư xây dựng và vận hành hồ chứa, nhà máy thủy điện của các Chủ đầu tư, các nhà thầu thiết kế và thi công xây dựng, đảm bảo thực hiện nghiêm túc các quy định của nhà nước về đầu tư xây dựng và bảo vệ môi trường.

- Giao cho một cơ quan chuyên môn thuộc Tỉnh làm đầu mối chủ trì và chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn đập, hồ chứa và các công trình chịu áp lực liên quan đến an toàn cho dân cư, cơ sở hạ tầng, đảm bảo kiểm soát chất lượng công trình ngay từ khâu khảo sát thiết kế đến thi công xây dựng và vận hành.

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra việc tuân thủ nội dung, trình tự đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng theo các quy định của Luật Xây dựng, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình và các văn bản khác có liên quan đến quản lý chất lượng công trình.

- Tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn về lĩnh vực điện (trong đó có thủy điện) để giải quyết các vấn đề có liên quan đến các khâu xem xét về kỹ thuật như Thiết kế cơ sở, Quy trình vận hành hồ chứa, quản lý an toàn đập trên địa bàn. Đối với những dự án thủy điện có kỹ thuật phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, yêu cầu tham khảo ý kiến của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành có liên quan để được hỗ trợ, tư vấn.

- Đối với các dự án phải di dân tái định cư, đề nghị cần tập trung giải quyết đất sản xuất với diện tích hợp lý (đặc biệt là đất trồng lúa) cho nhân dân; đối với các dự án có yêu cầu trồng hoàn trả rừng, đề nghị cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xem xét, thẩm định cụ thể về diện tích và vị trí trồng rừng để đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện.

- Thường xuyên phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành có liên quan để xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

2. Đối với chủ đầu tư, cơ quan tư vấn các dự án thủy điện vừa và nhỏ.

a) Đối với Chủ đầu tư:

- Cần lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm phù hợp để thiết kế công trình, thi công xây dựng và giám sát thi công xây dựng công trình; tổ chức giám sát chặt chẽ công tác thi công và nghiệm thu công trình; thực hiện đầy đủ việc chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực và sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng đối với công trình bắt buộc phải chứng nhận theo quy định tại Thông tư số 16/2008/TT-BXD ngày 11 tháng 9 năm 2008 của Bộ Xây dựng;

- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ với cơ quan quản lý nhà nước có theo quy định về tiến độ thực hiện và chất lượng công trình (đối với các dự án đang nghiên cứu, đầu tư xây dựng); báo cáo về công tác quản lý, vận hành, an toàn đập (đối với các dự án đang vận hành) theo Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 7 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về quản lý an toàn đập.

- Yêu cầu thực hiện đúng Quy trình vận hành hồ chứa đã được phê duyệt, phối hợp chặt chẽ và báo cáo thường xuyên với Ủy ban nhân dân tỉnh trong quá trình vận hành hồ chứa vào mùa lũ; rà soát các công đoạn, các yếu tố ảnh hưởng và tác động trong quá trình vận hành hồ chứa và nhà máy thủy điện để xem xét bổ sung, hiệu chỉnh cho phù hợp với các yêu cầu của hạ du, đặc biệt là vận hành xả lũ và đảm bảo nước cho hạ du nước trong thời kỳ khô hạn.

b) Đối với các cơ quan tư vấn thiết kế:

Thực hiện thiết kế công trình phù hợp với các yêu cầu của Quy chuẩn, Tiêu chuẩn xây dựng; đặc biệt lưu ý về công tác khảo sát thiết kế đảm bảo an toàn đập dâng, đập tràn, thiết kế hệ thống quan trắc đủ để đánh giá trạng thái làm việc của đập; thực hiện tốt công tác giảm sát tác giả.

c) Đối với cơ quan tư vấn giám sát dự án:

Thực hiện đầy đủ trách nhiệm giám sát thi công xây dựng công trình theo quy định của pháp luật và hợp đồng với chủ đầu tư; đặc biệt là giám sát chất lượng thi công đập dâng, đập tràn: yêu cầu ngừng thi công, không nghiệm thu công trình và tư vấn cho chủ đầu tư những nội dung trong thiết kế hoặc thi công không phù hợp với yêu cầu của quy chuẩn xây dựng.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các nhà đầu tư và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện Chỉ thị này tới các Chủ đầu tư, các cơ quan tư vấn hoạt động đầu tư xây dựng các dự án thủy điện trên địa bàn Tỉnh./.

 

 

Nơi Nhận:
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Sở CT các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
- Lưu VP, NL (2)

BỘ TRƯỞNG




Vũ Huy Hoàng