Chỉ thị 15/2012/CT-UBND tăng cường biện pháp nhằm can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và mắc bệnh tan máu bẩm sinh do Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành
Số hiệu: | 15/2012/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Hòa Bình | Người ký: | Bùi Văn Tỉnh |
Ngày ban hành: | 11/10/2012 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Y tế - dược, Dân số, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/2012/CT-UBND |
Hòa Bình, ngày 11 tháng 10 năm 2012 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP NHẰM CAN THIỆP GIẢM THIỂU MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH VÀ MẮC BỆNH TAN MÁU BẨM SINH
Trong những năm qua, công tác Dân số - Chăm sóc sức khỏe sinh sản (DS - CSSKSS) đã đạt được những kết quả quan trọng, duy trì và giữ vững mức sinh thay thế từ năm 2005 đến nay; tốc độ tăng dân số nhanh đã được khống chế, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn xấp xỉ 1%; tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên luôn dưới 5%; qui mô dân số tương đối ổn định.
Tuy nhiên, chất lượng dân số của tỉnh chưa cao cả về thể chất và trí tuệ; có hai vấn đề ảnh hưởng lớn đến chất lượng dân số; một là, mất cân bằng giới tính khi sinh (GTKS), tỷ số giới tính khi năm 1999 là 116,3; là một trong 10 tỉnh có tỷ số GTKS cao nhất (từ 115 trở lên). Tuy đã có nhiều giải pháp ứng phó nhưng tỷ số này vẫn cao trong những năm gần đây (năm 2011 là 119,9; có 6/11 huyện có tỷ số GTKS cao trên 120). Như vậy, tình trạng mất cân bằng giới tính của tỉnh hiện nay là rất nghiêm trọng, nếu không giải quyết kịp thời và quyết liệt sẽ để lại những hệ lụy nặng nề về kinh tế - xã hội. Hai là, bệnh tan máu bẩm sinh (tên khoa học là bệnh Thalassemia) đang tiềm ẩn khá lớn trong cộng đồng các dân tộc của tỉnh là một trong những bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, với tỷ lệ người mang gene bệnh chiếm 22-23% dân số.
Để chủ động tăng cường các hoạt động can thiệp giảm thiểu mất cân bằng GTKS và mắc bệnh tan máu bẩm sinh trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân tỉnh yêu cầu; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Sở Y tế
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan xây dựng đề án, đề xuất và triển khai thực hiện các giải pháp kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh nhằm sớm đưa tỉnh thoát ra khỏi những tỉnh có tình trạng mất cân bằng GTKS cao nhất và tiến tới đưa chỉ số này về mức tự nhiên (105-106 bé trai/100 bé gái).
b) Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông - giáo dục. Nội dung truyền thông - giáo dục cần nhấn mạnh đến thực trạng, hệ lụy của mất cân bằng GTKS trong tương lai đối với mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội; các quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức của pháp luật. Chú trọng nâng cao tinh thần trách nhiệm và y đức của các nhân viên y tế về việc thực hiện nghiêm các quy định pháp luật nghiêm cấm chẩn đoán, lựa chọn giới tính thai nhi.
c) Thành lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về nghiêm cấm chẩn đoán, lựa chọn giới tính thai nhi.
d) Thực hiện việc khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái, nhất là trẻ em gái trong các gia đình sinh con một bề gái.
đ) Tiến hành nghiên cứu sâu hơn để xác định những nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng GTKS, trong đó chú ý đến nghiên cứu ở địa bàn có tình trạng mất cân bằng GTKS cao, trên cơ sở kết quả các nghiên cứu, xây dựng các giải pháp can thiệp phù hợp, có hiệu quả.
e) Triển khai thực hiện mô hình can thiệp giảm thiểu mắc bệnh tan máu bẩm sinh đến năm 2013 tới 100% số xã trong tỉnh; đến 2015 tổ chức lấy máu xét nghiệm phát hiện gene bệnh tan máu bẩm sinh, tư vấn cho các đối tượng có nhu cầu và cho 80% phụ nữ có thai và duy trì trong những năm tiếp theo. Từ năm 2016 trở đi triển khai xét nghiệm, tư vấn và sàng lọc trước sinh bệnh tan máu bẩm sinh tại địa phương.
f) Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và triển khai các giải pháp chủ động phòng tránh nhằm giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh tan máu bẩm sinh hiệu quả và coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài và thường xuyên.
2. Sở Tài chính
Hàng năm căn cứ tình hình thực tế của tỉnh, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung nguồn ngân sách cho công tác can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và mắc bệnh tan máu bẩm sinh ngoài phần kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia; thường xuyên kiểm tra, giám sát hiệu quả thực hiện chương trình của các cấp, các ngành.
3. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Hòa Bình thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền về công tác DS - CSSKSS. Chú trọng xây dựng các chuyên trang, chuyên mục với thời lượng thích hợp để tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tình trạng mất cân bằng GTKS và mắc bệnh tan máu bẩm sinh.
4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
a) Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch can thiệp giảm thiểu mất cân bằng GTKS và mắc bệnh tan máu bẩm sinh với cam kết cao của chính quyền và cả hệ thống chính trị phù hợp với đặc điểm của từng địa phương.
b) Tăng cường công tác truyền thông - giáo dục sức khỏe để người dân, đặc biệt là đối tượng tiền hôn nhân và trong độ tuổi sinh đẻ hiểu rõ về quy định của pháp luật và hệ lụy của việc lựa chọn giới tính thai nhi; hiểu rõ nguyên nhân của bệnh tan máu bẩm sinh và các biện pháp phòng bệnh chủ động, tích cực.
c) Căn cứ tình hình thực tế có kế hoạch bố trí kinh phí theo phân cấp ngân sách địa phương hỗ trợ cho các hoạt động can thiệp giảm thiểu mất cân bằng GTKS và mắc bệnh tan máu bẩm sinh thực hiện có hiệu quả.
5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội chủ động phối hợp với chính quyền, ngành y tế các cấp tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác DS – CSSKSS trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, tham gia giám sát việc triển khai thực hiện, đặc biệt chú trọng việc can thiệp giảm thiểu mất cân bằng GTKS và mắc bệnh tan máu bẩm sinh nhằm tạo được sự đồng thuận của nhân dân cùng tham gia thực hiện.
6. Giao Sở Y tế theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc tổ chức thực hiện, tổng kết, đánh giá kết quả và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị về Ủy ban nhân dân tỉnh.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |